Vươn lên làm giàu từ biển

.

Bất chấp bao khó khăn, ngư dân Đà Nẵng vẫn kiên cường vươn khơi bám biển, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Tàu của ngư dân Đà Nẵng neo trên sông Hàn chuẩn bị cho chuyến biển mới.
Tàu của ngư dân Đà Nẵng neo trên sông Hàn chuẩn bị cho chuyến biển mới.

Ông Trần Toàn, 59 tuổi, ở phường Thuận Phước (quận Hải Châu) gắn bó với nghề biển từ thuở thiếu niên. 18 tuổi đã trở thành chủ tàu kiêm thuyền trưởng, đến nay ông Toàn có 4 tàu công suất lớn, chuyên làm dịch vụ hậu cần nghề cá và khai thác tôm hùm giống.

Nối nghiệp cha, 2 người con trai của ông Toàn đều trở thành những thuyền trưởng dạn dày kinh nghiệm. 4 chiếc tàu của ông Toàn có công suất từ 800-1.000 CV, với tổng số 40 lao động, thường xuyên bám biển làm dịch vụ cung cấp dầu, gạo, nước ngọt cho các tàu đánh bắt xa bờ.

Vào những tháng mưa bão, ít có tàu vươn khơi, ông Toàn chuyển sang khai thác tôm hùm giống, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho các thuyền viên. Trên mỗi tàu của ông Toàn có 10 lao động, thu nhập mỗi người bình quân 15 triệu đồng/tháng trong thời gian làm dịch vụ hậu cần nghề cá. Còn khi khai thác tôm hùm giống, trừ phí tổn, người đi “bạn” chia được từ 500.000 - 1 triệu đồng/đêm.

Ông Toàn cho biết, tôm hùm giống hiện có giá từ 300.000 - 500.000 đồng/con, bình quân mỗi tàu khai thác được 45 con/đêm và hễ tàu vào bến là thương lái đón mua ngay.

Cùng phường với ông Toàn, ông Lê Văn Thiên, 43 tuổi, ngày nào đi bạn trên tàu của người khác, bây giờ đã trở thành ông chủ của 2 chiếc tàu đánh bắt xa bờ. Tàu ông Thiên hành nghề câu các loại cá lớn như cá cam, cá mú, cá thu, mỗi con nặng hàng chục kg.

Trên mỗi tàu có 7 lao động, trừ hết chi phí, thuyền viên chia được từ 6-10 triệu đồng/chuyến biển (12-15 ngày). Còn ông Trần Văn Thái, 52 tuổi, nhà ở gần đường 3 Tháng 2, qua nhiều năm đánh bắt ven bờ bằng ghe máy đã dành dụm được số vốn kha khá, đồng thời vay ngân hàng đóng mới tàu cá công suất 800CV với tổng kinh phí hơn 2 tỷ đồng, vững vàng thẳng tiến khơi xa.

Ông Thái hồ hởi trải lòng: “Theo chủ trương hạn chế đánh bắt gần bờ, mình mạnh dạn đầu tư đóng tàu công suất lớn, khai thác tại các ngư trường truyền thống của Việt Nam, vừa có thu nhập cao, vừa góp phần khẳng định chủ quyền của Tổ quốc trên biển”.

Ngoài đánh bắt hải sản, ngư dân Đà Nẵng càng quyết tâm bám các ngư trường truyền thống khai thác nhằm góp phần bảo vệ lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc. Tàu cá được tổ chức thành từng tổ để hỗ trợ nhau trong quá trình hành nghề.

Tàu đánh bắt xa bờ được Chính phủ hỗ trợ một phần chi phí nhiên liệu và cấp máy thông tin để thông báo cho nhau về tình hình ngư trường và liên lạc với các cơ quan chức năng ở đất liền. Trong khi đó, Đài Thông tin Duyên hải miền Trung, Trung tâm Tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 2 cùng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố luôn sẵn sàng lực lượng và phương tiện cứu hộ cứu nạn.

Không chỉ ngư dân mà nhiều cựu chiến binh (CCB) cũng nỗ lực vượt khó làm giàu từ nghề biển. Đơn cử như ông Nguyễn Sanh ở phường Thọ Quang (quận Sơn Trà) từ khi xuất ngũ đã chọn nghề biển để mưu sinh. Kiên trì bám biển, sau 4 năm đi bạn, ông Sanh đã mua được 1 chiếc tàu nhỏ. Liên tục đánh bắt đạt hiệu quả cao, ông Sanh đóng tàu công suất lớn, thường xuyên khai thác tại ngư trường Hoàng Sa và tích cực hoạt động trong “Tổ đoàn kết sản xuất an toàn”.

Người thuyền trưởng can trường chia sẻ: “Các tàu trong “Tổ đoàn kết sản xuất an toàn” đều có máy thông tin để thông báo cho nhau về tình hình ngư trường, nhất là tọa độ và thủ đoạn phá hoại của các tàu lạ để phòng ngừa”.

Đặc biệt, anh Thái Hồng Nhơn ở phường Thạc Gián (quận Thanh Khê) từ người đi bạn, chăm chỉ làm ăn vượt khó vươn lên, trở thành chủ tàu, rồi trở thành Giám đốc Công ty khai thác và dịch vụ hậu cần nghề cá, trụ sở đặt tại Khu công nghiệp và dịch vụ Thủy sản Thọ Quang.

Gia đình anh Nhơn hiện có 4 tàu công suất từ 800-1400 CV, với tổng số gần 50 lao động, chuyên câu lươn biển tại các vùng khơi. Hằng năm, anh Nhơn đều thực hiện tốt nghĩa vụ thuế Nhà nước, tạo việc làm ổn định cho người lao động với thu nhập mỗi người từ 10-15 triệu đồng/tháng...

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn thành phố Nguyễn Phú Ban, mỗi chiếc tàu đánh bắt xa bờ như một cột mốc sống khẳng định chủ quyền của Tổ quốc trên biển.

Bài và ảnh: LÊ VĂN THƠM

;
.
.
.
.
.
.