Trong năm 2018, Trung tâm Dịch vụ việc làm Đà Nẵng (thuộc Sở LĐ-TB&XH) đã tổ chức 50 phiên giao dịch việc làm, kết nối giới thiệu cho trên 11.900 lao động tìm được việc, ổn định cuộc sống.
Lao động tìm việc ngày càng nhiều tại sàn giao dịch việc làm do Trung tâm Dịch vụ việc làm Đà Nẵng tổ chức. |
Phiên giao dịch việc làm diễn ra vào cuối tháng 10-2018 do Trung tâm Dịch vụ việc làm Đà Nẵng tổ chức thu hút hàng trăm lao động tham gia tuyển dụng. Tại đây, 105 doanh nghiệp đăng ký tuyển khoảng hơn 1.400 lao động với đủ các ngành nghề như: thợ cơ khí, thợ hàn, nhân viên kinh doanh, lái xe, kế toán tổng hợp, nhân viên buồng phòng, pha chế...
Dạo quanh các gian hàng, sau một hồi đắn đo, chị Nguyễn Thu Hương (27 tuổi, ở tỉnh Quảng Nam) quyết định nộp hồ sơ vào làm công nhân may tại Công ty TNHH PI VINA DANANG. Chị Hương cho biết, trước đây chị làm công nhân may tại một công ty ở quận Liên Chiểu nhưng sau đó nghỉ việc do mức thu nhập thấp và chị về quê để sinh con.
“Mình quyết định đến sàn giao dịch việc làm do Trung tâm Dịch vụ việc làm Đà Nẵng tổ chức để tìm việc. Ở đây có nhiều doanh nghiệp đăng ký tuyển nên tôi có nhiều sự lựa chọn hơn. Sau khi so sánh mức lương và chế độ đãi ngộ, tôi quyết định nộp hồ sơ vào đây”, chị Hương nói.
Còn anh Nguyễn Hưng (34 tuổi, quê ở tỉnh Quảng Ngãi) chọn nộp hồ sơ vào Công ty CP TM phát triển kỹ thuật và nhân lực quốc tế JVNET. Anh Hưng từng học nghề cơ khí ở Trường Cao đẳng Nghề Đà Nẵng và về quê làm việc. Bây giờ, anh lại quyết định ra Đà Nẵng tìm việc làm.
“Tôi muốn làm việc trong công ty để ổn định cuộc sống chứ đi làm ở các cơ sở nhỏ thu nhập thấp và bấp bênh; vì thế tôi đến đây và thấy cơ hội việc làm khá nhiều”, anh Hưng thổ lộ.
Bên cạnh các hoạt động tuyển dụng, khảo sát thu thập thông tin về việc làm cũng như cung cấp thông tin về doanh nghiệp tuyển dụng, các phiên giao dịch việc làm do Trung tâm Dịch vụ việc làm Đà Nẵng tổ chức đã kết nối, giới thiệu cho hàng chục ngàn người lao động tiếp cận cơ hội việc làm. Đồng thời, qua các sàn giao dịch việc làm, nhiều doanh nghiệp tuyển dụng được nguồn lao động phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Chỉ tính riêng trong năm 2018, Trung tâm Dịch vụ việc làm Đà Nẵng đã tổ chức 50 phiên giao dịch việc làm, trong đó có 2 phiên lưu động với trên 5.200 lượt đơn vị tham gia. Số doanh nghiệp tham gia tuyển dụng qua sàn giao dịch tăng mới gần 766 đơn vị so với năm 2017. Nhờ đó, trong năm 2018, Trung tâm Dịch vụ việc làm Đà Nẵng đã kết nối, giới thiệu việc làm cho trên 11.900 lao động, đạt tỷ lệ giao dịch gần 50% so với nhu cầu.
Ông Nguyễn Đức Trí, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Đà Nẵng cho biết, trước đây, thành phố từng tổ chức hội chợ việc làm nhằm hỗ trợ người lao động tìm việc làm. Tuy nhiên, hội chợ việc làm chưa tạo lập được kênh giao dịch việc làm để giới thiệu, chắp nối việc làm có tính thường xuyên và chuyên nghiệp.
Bởi vậy, trên cơ sở thành công của hình thức hội chợ việc làm, triển khai thực hiện chương trình “có việc làm” của thành phố giai đoạn 2006-2010, UBND thành phố quyết định chuyển đổi hình thức tổ chức từ hội chợ việc làm sang giao dịch việc làm định kỳ và sàn giao dịch việc làm hiện nay đã thu hút được nhiều đơn vị tuyển dụng.
Qua sàn giao dịch việc làm, người lao động được tư vấn, giới thiệu, chắp nối việc làm hiệu quả. Trung tâm Dịch vụ việc làm Đà Nẵng xây dựng quy trình vận hành, hình thành sàn giao dịch việc làm. Sàn giao dịch việc làm định kỳ tổ chức giao dịch việc làm từ 1 phiên/tháng đến 4 phiên/tháng và đến nay đã tạo điều kiện cho người lao động tiếp cận hình thức cung cấp dịch vụ tư vấn tìm việc tiên tiến, thiết lập được kênh thông tin việc làm thường xuyên và tập trung.
“Chúng tôi thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng tư vấn, giới thiệu việc làm cho cán bộ, người lao động của đơn vị. Nhờ đó, cán bộ có thể hỗ trợ nhiều hơn cho doanh nghiệp cũng như người lao động, nâng cao hiệu quả kết nối cung - cầu. Vì vậy, số lao động và doanh nghiệp tìm đến sàn giao dịch cũng nhiều hơn”, ông Trí nói.
Trung tâm Dịch vụ việc làm Đà Nẵng là 1 trong 4 trung tâm dịch vụ việc làm cấp khu vực được Bộ LĐ-TB&XH đặc biệt quan tâm và đầu tư. Trung tâm được định hướng trở thành trọng điểm của khu vực miền Trung trong việc kết nối cung - cầu lao động toàn khu vực miền Trung. |
Bài và ảnh: KIM NGÂN