Sớm đưa nhà máy nước Hòa Liên vận hành vào năm 2020

.

Tại Thông báo kết luận số 45-TB/TU ngày 30-11-2018 của Ban Thường vụ Thành ủy và Công văn số 9364/UBND-QLĐTư ngày 3-12-2018 của UBND thành phố về việc triển khai đầu tư xây dựng nhà máy nước Hòa Liên, thành phố thống nhất chủ trương đầu tư dự án nhà máy nước Hòa Liên theo phương án đầu tư công.

Để rõ hơn những vấn đề đang được người dân quan tâm, ông TRẦN PHƯỚC SƠN, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư có cuộc trao đổi với Báo Đà Nẵng.

* Ông có thể cho biết vì sao thành phố chọn đầu tư dự án nhà máy nước Hòa Liên theo phương án đầu tư công?

- Theo quy hoạch cấp nước thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được UBND thành phố phê duyệt tại Quyết định số 9018/QĐ-UBND ngày 28-12-2016 thì nhu cầu dùng nước sạch ngày lớn nhất của thành phố Đà Nẵng đến năm 2020 là 444.324m3/ngày và đến năm 2030 là 801.859m3/ngày.

So sánh với khả năng đáp ứng nhu cầu về nguồn nước hiện có của hệ thống cấp nước thành phố hiện nay đạt khoảng 210.000m3/ngày, theo tính toán thì đến năm 2020 thành phố sẽ thiếu hụt 234.324m3/ngày và đến năm 2030, thành phố sẽ thiếu hụt 591.859m3/ngày nước sạch.

Như vậy, việc đầu tư xây dựng nhà máy nước Hòa Liên là hết sức cần thiết và cấp bách nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu dùng nước của thành phố, góp phần bảo đảm an ninh nguồn nước, bảo đảm cuộc sống của người dân và các điều kiện về cơ sở hạ tầng cho phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Xác định sự cần thiết, cấp bách và nhanh chóng rút ngắn thời gian triển khai, vừa qua, UBND thành phố đã thống nhất chủ trương đầu tư dự án nhà máy nước Hòa Liên theo phương án đầu tư công. Đây là dự án trọng điểm, do đó yêu cầu các sở, ngành liên quan tập trung nhân vật lực, ưu tiên tối đa thời gian để triển khai dự án theo đúng tiến độ đề ra là hoàn thành công trình và đưa vào vận hành trong năm 2020.

Theo đó, đầu tư xây dựng nhà máy nước Hòa Liên công suất 120.000m3/ngày đêm (một số hạng mục đầu tư theo quy hoạch bảo đảm nâng công suất lên 240.000m3/ngày trong tương lai). Đến nay, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã hoàn thiện kết quả thẩm định báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, nguồn vốn và khả năng cân đối vốn dự án nhà máy nước Hòa Liên theo hình thức đầu tư công từ nguồn vốn cân đối trong tổng số vốn kế hoạch đầu tư trung hạn năm 2016-2020.

* Việc đầu tư cụ thể sẽ như thế nào, thưa ông?

- Nhà máy nước Hòa Liên bao gồm các hạng mục: Nhà máy xử lý nước, tuyến ống dẫn nước thô, đập dâng, trạm bơm nước thô. Trong đó, nhà máy xử lý nước công suất 120.000m­­3/ngày đêm tại xã Hòa Liên và bảo đảm quy hoạch để có thể nâng công suất lên 240.000m3/ngày trong tương lai theo quy hoạch điều chỉnh Tổng mặt bằng xây dựng TL 1/500 đã được UBND thành phố phê duyệt.  

Việc đầu tư nhà máy nước Hòa Liên nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu cấp nước sinh hoạt của thành phố.  Trong ảnh: Bể thu nước thô Nhà máy nước Cầu Đỏ.Ảnh: TRIỆU TÙNG
Việc đầu tư nhà máy nước Hòa Liên nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu cấp nước sinh hoạt của thành phố. Trong ảnh: Bể thu nước thô Nhà máy nước Cầu Đỏ.Ảnh: TRIỆU TÙNG

Dự án còn có việc xây dựng tuyến ống cấp nước thô đường kính 1.400mm bằng thép, được lắp đặt dưới lòng đường dọc theo tuyến đường ĐT601, chiều dài 10,7km. Dọc theo tuyến ống lắp đặt các van chặn tuyến, van xả khí, xả cặn theo quy định. Với điểm đầu là trạm nước bơm nước thô tại thôn Nam Mỹ và điểm cuối là nhà máy nước Hòa Liên, tuyến ống nước thô được xây dựng có công suất bảo đảm theo quy hoạch là 240.000m3/ngày đêm.

Xây dựng đập dâng thu nước trên sông Cu Đê hình thành hồ chứa nước rộng 51,3ha, dung tích toàn bộ 1,86 triệu m3 ứng với mực nước dâng bình thường là +8,0m tại thôn Nam Mỹ, xã Hòa Bắc. Tuyến đập được bố trí ngang toàn bộ lòng sông, vai trái được gối lên núi cao, vai phải gối lên đường ĐT601 có độ cao +12,0m, chiều dài đập L = 210m.

Lượng nước thu trung bình giai đoạn 1 là 120.000m3/ngày. Xây dựng trạm bơm nước thô lấy nước trước đập dâng, đặt tại hữu ngạn của sông Cu Đê (theo hướng nước chảy) với công suất lắp đặt thiết bị giai đoạn 1 là 120.000m3/ngày và bảo đảm quy hoạch nâng công suất lên 240.000m3/ngày trong giai đoạn 2.

 * Còn các ý kiến thẩm định về dự án của các đơn vị liên quan?

- Trên cơ sở lấy ý kiến bằng văn bản, Sở Tài chính thống nhất nguồn vốn thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố tại Công văn số 9364/UBND-QLĐTư; đồng thời, đề nghị sở tổng hợp nguồn vốn để bố trí cho công trình, báo cáo UBND thành phố xem xét, quyết định để có cơ sở triển khai thực hiện dự án. Sở Xây dựng có ý kiến đối với các vị trí đập dâng, trạm bơm nước thô và chiều dài tuyến ống nước thô nên được xem xét kỹ lưỡng trong quá trình thẩm định quy hoạch chi tiết các công trình phụ trợ của dự án.

Riêng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị đơn vị tư vấn khảo sát, nghiên cứu thêm vị trí xây dựng một số tuyến đập nhỏ điều tiết với kinh phí thấp trên các khe, suối của sông Bắc và sông Nam để tích nước lại vào mùa mưa và cấp cho hồ chứa vào mùa khô thời điểm thiếu nước.

Theo ý kiến của Sở Tài nguyên và Môi trường, cần đầu tư công trình đập dâng, trạm bơm nước thô, tuyến ống dẫn nước thô và nhà máy xử lý nước có công suất 120.000m3/ngày đêm (có thể nâng công suất lên 240.000m3/ngày đêm trong tương lai) nhằm cung cấp bổ sung nguồn nước sạch để đáp ứng nhu cầu dùng nước của thành phố Đà Nẵng theo các giai đoạn phát triển, là phù hợp với phương án phân bổ tài nguyên nước trong Báo cáo tổng hợp quy hoạch tài nguyên nước mặt thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

* Như vậy, trong thời gian bao lâu thì có thể đưa nhà máy nước vào vận hành?

- Như đã biết, tại Công văn số 9364/UBND-QLĐTư ngày 3-12-2018 của UBND thành phố, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ đã thống nhất chủ trương đầu tư xây dựng nhà máy nước Hòa Liên theo phương án đầu tư công. Theo đó, tổng mức đầu tư của dự án (làm tròn) là 1.170 tỷ đồng.

Hình thức đầu tư là đầu tư trực tiếp từ nguồn vốn ngân sách thành phố. Về khả năng cân đối vốn, dự án đề xuất mức vốn phù hợp với khả năng cân đối vốn trong tổng số vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn năm 2016-2020. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2019-2021 và giao Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng (Ban QLDA ĐTXD) các công trình dân dụng và công nghiệp thực hiện quản lý dự án.

Nơi dự kiến xây dựng đập nước thô của nhà máy nước Hòa Liên trên sông Cu Đê.
Nơi dự kiến xây dựng đập nước thô của nhà máy nước Hòa Liên trên sông Cu Đê.

Tuy nhiên, để kịp thời triển khai các bước tiếp theo, sớm đưa nhà máy nước Hòa Liên vận hành vào năm 2020, Sở Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Ban QLDA ĐTXD các công trình dân dụng và công nghiệp hoàn thiện hồ sơ theo ý kiến của Sở Xây dựng tại Công văn số 11335/SXD-HTKT ngày 4-12-2018, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Công văn số 2805/SNN-CCTL ngày 4-12-2018 và Sở Tài nguyên và Môi trường tại Công văn số 3878/STNMT-TNN ngày 5-12-2018 trước khi triển khai các bước tiếp theo.

Đối với hạng mục tuyến ống dẫn nước thô dự kiến nằm dưới lòng đường ĐT601, hiện nay, Ban QLDA ĐTXD các công trình giao thông đang thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư dự án nâng cấp, cải tạo đường ĐT601. Do vậy, Sở Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Ban QLDA ĐTXD các công trình dân dụng và công nghiệp phối hợp với Ban QLDA ĐTXD các công trình giao thông nghiên cứu phương án triển khai hạng mục tuyến ống dẫn nước thô phù hợp với dự án cải tạo, nâng cấp đường ĐT601 nhằm bảo đảm đồng bộ và tiết kiệm kinh phí.

Sau khi có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, đề nghị Ban QLDA ĐTXD các công trình dân dụng và công nghiệp triển khai thực hiện việc công khai các nội dung liên quan đến dự án theo quy định tại Quyết định số 37/2017/QĐ-UBND ngày 21-11-2017 của UBND thành phố.

Ông Nguyễn Hữu Hinh, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp:
Sẵn sàng làm tốt nhiệm vụ được giao

Ngay sau ngày 3-12, khi được Chủ tịch UBND thành phố giao cho Ban QLDA ĐTXD các công trình dân dụng và công nghiệp Đà Nẵng làm chủ đầu tư kiêm quản lý dự án nhà máy cấp nước Hòa Liên, Ban QLDA đã chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện các thủ tục tiếp theo và hoàn thành công tác lập, thẩm định chủ trương đầu tư, nguồn vốn, khả năng cân đối vốn dự án để kịp thời báo cáo tại kỳ họp HĐND thành phố vào cuối năm 2018. Thực tế, Ban QLDA ĐTXD các công trình dân dụng và công nghiệp đã từng được giao điều hành nhiều dự án có quy mô lớn trên địa bàn thành phố nên đủ năng lực chuyên môn, kinh nghiệm để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Ông Hoàng Thanh Hòa, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Cần đầu tư xây đập để chủ động nguồn nước thô

Phương án đầu tư xây dựng nhà máy nước Hòa Liên công suất 120.000m3/ngày đêm khi sử dụng nguồn nước thô có hạng mục xây dựng đập dâng thu nước, hình thành hồ chứa có dung tích 1,86 triệu m3. Tuy nhiên, lưu vực sông Cu Đê thường có đến 4 tháng trong năm bị khô hạn với mức trung bình 0,835 triệu m3 tương đương 27.000m3/ngày. Dù đơn vị tư vấn có đưa ra phương án khắc phục, nhưng hiện vẫn chưa có số liệu tính toán thủy văn, dòng chảy đến hồ. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị đơn vị tư vấn khảo sát, nghiên cứu thêm vị trí xây dựng một số tuyến đập nhỏ điều tiết với kinh phí thấp tại các khe suối của sông Nam, sông Bắc để tích nước vào mùa mưa và cung cấp cho hồ chứa vào mùa khô”.

TRIỆU TÙNG ghi

THÀNH LÂN thực hiện

;
;
.
.
.
.
.