Tạo thế và lực mới cho xuất khẩu hàng hóa - Bài 3: Đòn bẩy từ dịch vụ logistics

.

Với những lợi thế về vị trí địa lý và cơ sở hạ tầng cùng chủ trương của thành phố về chú trọng phát triển đô thị theo hướng bền vững, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển dịch vụ, Đà Nẵng hội tụ gần như đầy đủ những yếu tố quan trọng để ngành logistics phát triển mạnh mẽ, góp phần thúc đẩy xuất khẩu tăng trưởng trong thời gian tới.  

Hoạt động xuất nhập khẩu diễn ra nhộn nhịp tại cảng Đà Nẵng.
Hoạt động xuất nhập khẩu diễn ra nhộn nhịp tại cảng Đà Nẵng.

Lợi thế từ cơ sở hạ tầng

Theo Sở Giao thông vận tải, trên địa bàn thành phố hiện có khoảng 761 công ty chuyên hoạt động trên lĩnh vực vận tải, kho bãi. Cảng Đà Nẵng có thể tiếp nhận tàu chở hàng rời lên đến 45.000 DWT/tàu và tàu container 2.000 TEUs, tàu khách trên 75.000 GRT, có thể đáp ứng ngay các yêu cầu của khách hàng logistics.

Năm 2018, sản lượng hàng hóa qua cảng Đà Nẵng ước đạt 8.600 triệu tấn, đón 365.000 tàu container, 100 tàu du lịch và 160.000 hành khách và thủy thủ đoàn.

Cảng Hàng không quốc tế Đà Nẵng trong tương lai gần tiếp tục được xây dựng, nâng cấp thành nhà ga chuyên dụng phục vụ hàng hóa. Dự kiến đến năm 2020, lượng hàng hóa thông qua cảng đạt 23.000-30.000 tấn/năm.

Về đường bộ, các tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Đà Nẵng - Huế cùng với tuyến hành lang kinh tế Đông-Tây không chỉ thuận lợi vận chuyển hàng hóa trong khu vực miền Trung-Tây Nguyên mà với các nước như Lào, Thái Lan, Myanmar.

Với cơ sở hạ tầng như vậy, Đà Nẵng đáp ứng được điều kiện cần cho ngành logistics phát triển và có sức lan tỏa cho toàn khu vực miền Trung, bảo đảm cung cấp đầy đủ các dịch vụ logistics như: xử lý thủ tục hải quan phi giấy tờ, vận chuyển theo dõi, giám sát hàng hóa gửi, thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa...

Nhìn nhận về dịch vụ logistics ở địa phương hiện nay, ông Mai Văn Quang, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp (DN) dịch vụ logistics Việt Nam (tại khu vực miền Trung) cho rằng, Đà Nẵng có lợi thế về vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng đang phát triển mạnh, đặc biệt dự án cảng Liên Chiểu (cảng có quy mô cấp vùng) sắp được triển khai.

Ngoài ra, việc lãnh đạo thành phố Đà Nẵng xác định chủ trương phát triển đô thị theo hướng bền vững, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển dịch vụ; tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài vào đầu tư tại địa phương, trong đó có lĩnh vực logistics… là những yếu tố thuận lợi để thành phố phát triển mạnh mẽ lĩnh vực logistics. Đây là nền tảng quan trọng để Đà Nẵng trở thành nơi trung chuyển hàng hóa (trong đó có hàng hóa xuất khẩu) hàng đầu cả nước.

Tuy nhiên, theo ông Mai Văn Quang, dịch vụ logistics của Đà Nẵng hiện còn khá khiêm tốn so với tiềm năng và lợi thế của địa phương. Trong khi kết cấu hạ tầng đường bộ chưa phù hợp với việc vận chuyển container, hạ tầng thông tin còn hạn chế thì xu hướng dịch vụ logistics 3PL (là một loại hình dịch vụ tích hợp chủ yếu giữa dịch vụ vận tải, giao nhận và kho hàng, dựa vào các tiến bộ công nghệ thông tin, cung cấp cho khách hàng, người tiêu dùng cuối cùng các giá trị cộng thêm như là các tiện ích đúng lúc, đúng nơi) chưa phát triển.

Thành phố hiện có khoảng 100 DN kinh doanh lĩnh vực này nhưng quy mô còn nhỏ, hoạt động manh mún, thiếu sự liên kết để tạo chuỗi dịch vụ giữa các DN. Hoạt động giao nhận vận tải chịu chi phí cao, phụ thuộc vào việc chỉ định dịch vụ của các tổ chức kinh tế nước ngoài với tỷ lệ dịch vụ chưa đến 30%; phạm vi hoạt động còn nhỏ hẹp ở tầm nội địa hoặc một vài nước trong khu vực.

Đặc biệt, Đà Nẵng thiếu trầm trọng nguồn nhân lực có kinh nghiệm và trình độ chuyên môn trong lĩnh vực logistics.

“Đà Nẵng không có trường đại học hay khoa đào tạo về chuyên ngành vận tải, logistics. Nếu so với các cảng lớn hai đầu đất nước như Tân Cảng Sài Gòn với lượng hàng hóa container qua cảng đạt trên 10 triệu TEUs/năm, cảng Hải Phòng trên 5 triệu TEUs/năm thì con số 300.000 TEUs/năm tại cảng Đà Nẵng đã cho thấy sự khiêm tốn của mình”, ông Quang nói.

Ở góc độ DN, ông Nguyễn Tấn Mẫn, Giám đốc Trung tâm Logistics Transimex Đà Nẵng cho rằng, hiện nay sự cạnh tranh giữa các đơn vị kinh doanh dịch vụ logistics của thành phố gần như chủ yếu về giá thay vì chất lượng dịch vụ; các đơn vị chưa chú trọng đầu tư vào trang thiết bị hiện đại ở tất cả các khâu của dịch vụ.

Đầu tư công nghệ hiện đại

Để đón đầu cơ hội phát triển ở lĩnh vực logistics, nhất là khi Đà Nẵng xây dựng hoàn thiện cảng Liên Chiểu, nhiều DN trong và ngoài thành phố đã có sự chủ động trong đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị hiện đại.

Đơn cử, từ năm 2015, Công ty CP Transimex (thành phố Hồ Chí Minh) đã đầu tư phát triển Trung tâm Logistics Transimex Đà Nẵng tại Khu công nghiệp Hòa Cầm với diện tích 16.200m2. Trong đó, kho lưu trữ hàng hóa tổng hợp có diện tích 7.600m2 với sức chứa lên đến 10.640m3 hàng hóa; kho cấp đông, làm lạnh có diện tích 1.600m2, sức chứa 2.600 vị trí pallet cùng với phần mềm quản lý kho chuyên nghiệp, chính xác, đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Tại Công ty CP Logistics cảng Đà Nẵng (Danalog), ngoài đầu tư 3 cần cẩu reach staker với tổng trị giá hơn 30 tỷ đồng, trong năm 2017, Danalog còn đầu tư kho ngoại quan, kho CFS duy nhất tại miền Trung. Đây cũng là đơn vị tiên phong trong việc phối hợp cùng Chi cục Hải quan cảng Đà Nẵng đưa vào triển khai kết nối hệ thống quản lý, giám sát hải quan tự động (VASSCM) tại kho ngoại quan CFS của đơn vị.

Hoạt động này nhằm giúp đơn giản thủ tục đưa hàng qua khu vực giám sát, tiết kiệm được ít nhất 1-2 giờ/lô hàng từ khi thông quan cho đến khi ra khỏi cảng, thời gian khai thác hàng của DN cảng biển giảm trung bình 0,5-1 giờ/container.

“Trong 3 năm tới, chúng tôi tập trung đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ trong ngành logistics, đồng thời tiếp tục đầu tư hiện đại hóa công nghệ xếp dỡ, phần mềm quản lý hàng hóa… nhằm nâng cao dịch vụ và từng bước hướng tới đơn vị cung cấp dịch vụ 2PL hàng đầu tại Đà Nẵng”, ông Trần Phước Hồng, Tổng Giám đốc Công ty CP Logistics cảng Đà Nẵng cho biết.

Đối với cảng Đà Nẵng, hướng đi trong những năm tiếp theo là tập trung đầu tư mạnh mẽ cho vận tải hàng hóa container và tàu du lịch với sản lượng hàng hóa qua cảng ước đạt 10 triệu tấn/năm. Đây là sự chuyển dịch mang tính đón đầu khi cảng Liên Chiểu được xây dựng và tăng sức cạnh tranh của đơn vị.

Bên cạnh sự chủ động nâng cao chất lượng dịch vụ của các DN, để góp phần thúc đẩy sự phát triển của dịch vụ logistics trên địa bàn thành phố, các ngành chức năng không ngừng cải cách thủ tục hành chính, nhất là thủ tục hải quan nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi cho DN.

Theo Quy hoạch phát triển cơ sở hạ tầng ngành dịch vụ logistics thành phố Đà Nẵng đến năm 2030 và tầm nhìn năm 2045 được Hội đồng nhân dân thành phố thông qua tại Nghị quyết số 174/NQ-HĐND ngày 12-7-2018, đến năm 2045 trên địa bàn thành phố xây dựng 1 trung tâm logistics cấp vùng là cảng Liên Chiểu, đây sẽ là trung tâm logistics cảng biển hạng 1, quy mô đến năm 2030 là 35ha, đến năm 2045 đạt 69ha; xây dựng 4 trung tâm logistics cấp tỉnh gồm: trung tâm logistics đường bộ (đạt hạng 2) ở Hòa Nhơn; trung tâm logistics ga hàng hóa Kim Liên; trung tâm logistics cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng; trung tâm logistics ở khu công nghệ cao.

Bài và ảnh: KHÁNH HÒA

;
;
.
.
.
.
.