Vấn nạn rác thải nhựa

.

Thông tin 20 quán trà sữa trên địa bàn quận Hải Châu xả thải ly nhựa, ống hút… ra môi trường bình quân 100m3/tháng mà ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) đề cập tại phiên thảo luận của kỳ họp HĐND thành phố vừa qua làm nhiều người giật mình. Qua ghi nhận thực tế của phóng viên, mức độ xả rác thải nhựa, nilon hiện nay rất lớn.

Rác thải nhựa và nilon tấp qua hai bên cửa xả nước mưa ra biển ở đối diện đường Tôn Thất Đạm.Ảnh: HOÀNG HIỆP
Rác thải nhựa và nilon tấp qua hai bên cửa xả nước mưa ra biển ở đối diện đường Tôn Thất Đạm.Ảnh: HOÀNG HIỆP

Theo Sở TN-MT, thông tin xả thải ly nhựa, ống hút… của 20 quán trà sữa trên địa bàn quận Hải Châu ra môi trường 100m3/tháng chỉ mới cộng lại mức xả thải ghi trong hợp đồng thu gom rác với Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng. Thực tế, lượng xả thải ly nhựa, ống hút… ra môi trường lớn hơn nhiều. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng chưa thể thống kê mức xả thải hộp xốp đựng thức ăn 1 lần cũng như các loại ly nhựa, chén, tô, đĩa nhựa, bao nilon khó phân hủy đựng cà-phê pha sẵn, nước giải khát, bún, mì… (cùng các loại muỗng nhựa, ống hút) mà các cửa hàng, quán ăn bán cho khách.

Rác thải nhựa từ quán trà sữa: báo động!

Quán trà sữa G.C (đường Nguyễn Văn Linh) được Xí nghiệp Môi trường quận Hải Châu nhận định là xả thải ly nhựa, ống hút… nhiều nhất, mức độ xả thải các loại rác thải nhựa và nilon ở đây vượt xa mức xả thải trung bình nói trên. Từ 8-22 giờ hằng ngày, trung bình mỗi giờ có hàng trăm ly nhựa đựng các loại thức uống ở đây kèm ống hút được bán cho khách thưởng thức tại chỗ và mang về hoặc giao tận nhà cho khách.

Theo quan sát của chúng tôi, ngày nào nhân viên của quán liên tục thu dọn các ly nhựa, túi nilon, ống hút (ước tính khoảng 1m3 ly nhựa và ống hút), trút vào các thùng và bao đựng rác, rồi để trên vỉa hè chờ xe cuốn ép rác thu gom.

Các quán trà sữa S.T, H.T (đường 2 Tháng 9), R.T (đường Yên Bái và đường Hoàng Diệu) đông khách nhất vào buổi tối. Theo đó, lượng rác từ ly nhựa và ống hút thải ra cũng nhiều nhất vào ban đêm.

Ông Trần Việt Khánh, Giám đốc Xí nghiệp Môi trường Hải Châu cho hay: “Xí nghiệp chưa thống kê cụ thể trữ lượng thu gom ly nhựa, ống hút… của 20 quán trà sữa trên địa bàn quận Hải Châu, nhưng có thể thấy khối lượng rác thải nhựa và nilon rất lớn. Bên cạnh việc được bỏ trong các thùng đựng rác, nhiều bao nilon đựng đầy ly nhựa, ống hút… từ các quán trà sữa hằng đêm được công nhân của xí nghiệp mang lên xe cuốn ép rác.

Ngoài ra, do nhiều quán, cửa hàng bán thức ăn nhanh để thức ăn cho khách trong các hộp xốp rồi bỏ vào túi nilon khó phân hủy nên loại rác thải này phát sinh rất nhiều”.

Trong khi đó, theo tiết lộ của một người bán hộp xốp đựng thức ăn lưu động cho các quán ăn vỉa hè trên các tuyến đường của quận Hải Châu, mỗi ngày, một quán ăn mua từ vài chục hộp xốp đến 1 bao đựng 150 hộp. Người này bán được từ 10-15 bao/ngày (từ 1.500-2.250 hộp xốp/ngày) và từ 40-50 cây ly nhựa/ngày (tương đương 2.000-2.500 ly nhựa/ngày).

Tuy nhiên, theo chủ của các quán ăn và giải khát ở vỉa hè đường Phan Đình Phùng, việc đựng thức ăn, uống trong các hộp xốp và ly nhựa sử dụng 1 lần là điều không mong muốn vì không thể tính chi phí hộp xốp, ly nhựa vào khẩu phần ăn, uống cho khách. Những hộ kinh doanh nhỏ phải tốn thêm chi phí mua hộp xốp, ly nhựa.

“Chi phí đầu tư mua ly nhựa không rẻ. Ly nhựa trong và cứng chỉ sử dụng 1 lần cùng nắp đậy và ống hút có tổng chi phí không dưới 1.000 đồng/ly; riêng ly nhựa sử dụng 1 lần cao cấp mà các quán trà sữa lớn đang sử dụng cùng với nắp và ống hút có tổng chi phí khoảng 1.500 đồng/ly”, bà Trần Thị Hoa, một hộ kinh doanh nhỏ cho biết.   

Nói không với sản phẩm nhựa sử dụng một lần

Rác thải nhựa và nilon tấp qua hai bên cửa xả nước mưa ra biển ở đối diện đường Tôn Thất Đạm. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Rác thải nhựa và nilon tấp qua hai bên cửa xả nước mưa ra biển ở đối diện đường Tôn Thất Đạm. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Ở chợ Cồn, hiện có khoảng 20 sạp hàng kinh doanh túi nilon, đồ nhựa; trong đó có hơn chục người chuyên kinh doanh sỉ lẻ. Theo ông Nguyễn Xuân Tuấn, Phó Trưởng ban quản lý chợ Cồn, đã có nhiều chương trình thử nghiệm tìm cách thay thế túi nilon khó phân hủy bằng sản phẩm khác hoặc hạn chế sử dụng túi nilon trong trao đổi hàng hóa của các cơ quan chức năng và tổ chức xã hội khác nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế của cả người bán lẫn người mua.

“Tác hại của rác thải nhựa là rất lớn nhưng có những thứ hàng hóa hằng ngày khó có thể thay thế túi nilon. Chẳng hạn, mua mấy quả ớt, ít mắm dưa, chục trứng cút, nếu sử dụng túi tự hủy để đựng, có khi giá tiền túi lớn hơn cả tiền hàng”, ông Tuấn nói.

Hằng năm, Sở Công thương tổ chức 2-3 hội nghị tuyên truyền kiến thức bảo vệ môi trường cho các tiểu thương ở các chợ, giúp tiểu thương nhận thức tác hại của túi nilon khó phân hủy đối với môi trường. Sau đó, tiểu thương ký cam kết bảo vệ môi trường, thể hiện ý thức cộng đồng cũng như tinh thần chấp hành pháp luật.

Trong năm 2018, Sở Công thương triển khai xây dựng đề án “Hạn chế sử dụng túi nilon khó phân hủy tại các chợ, siêu thị trên địa bàn thành phố” nhằm đánh giá hiện trạng sử dụng cũng như đề xuất các giải pháp nhằm thay thế, hạn chế việc sử dụng túi nilon khó phân hủy, giảm thiểu gánh nặng cho môi trường.

“Ngành Công thương thành phố phấn đấu đến năm 2020 giảm 65% khối lượng túi nilon khó phân hủy được sử dụng tại các siêu thị và trung tâm thương mại; giảm 50% khối lượng túi nilon khó phân hủy sử dụng tại các chợ trên địa bàn Đà Nẵng”, ông Nguyễn Hà Bắc, Phó Giám đốc Sở Công thương cho hay.

Ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở TN-MT nói rằng, hiện nay, mỗi ngày thành phố thải ra 900-1.000 tấn rác, trong đó có nhiều loại rác thải nhựa và nilon. Sau trận ngập lụt do mưa lớn vừa qua, rác tràn ngập các bãi biển dọc các tuyến đường Hoàng Sa, Võ Nguyên Giáp, Trường Sa, Nguyễn Tất Thành; phần lớn là rác thải sinh hoạt.

Để bảo vệ môi trường và quản lý tốt rác thải sinh hoạt, kỳ họp thứ 9 của HĐND thành phố khóa IX vừa qua đã thông qua Nghị quyết về quản lý chất thải rắn sinh hoạt. “Có nghị quyết này, việc quản lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn thành phố sẽ rất bài bản, trong đó có vấn nạn về rác thải nhựa và nilon. Tuy nhiên, cần quan tâm việc nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân về quản lý rác thải”, ông Tô Văn Hùng cho hay.

Trước đó, ngày 11-12, UBND thành phố có văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố, các hội, đoàn thể, các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện phát động phong trào chống rác thải nhựa.

Theo đó, các cơ quan, đơn vị chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị trực thuộc không sử dụng các sản phẩm nhựa khó phân hủy, sử dụng một lần trong các hoạt động của cơ quan, đơn vị; tổ chức đăng ký tham gia thực hiện phong trào chống rác thải nhựa trong cơ quan, đơn vị, gắn với tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao nhằm ngăn chặn ô nhiễm rác thải nhựa và nilon; giao UBND các quận, huyện chỉ đạo UBND các phường, xã tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của rác thải nhựa, nilon đối với môi trường và khuyến khích sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế túi nilon, sản phẩm nhựa khó phân hủy, sử dụng một lần đối với từng hộ gia đình.

900 - 1.000 tấn
là khối lượng rác mỗi ngày thải ra trên địa bàn Đà Nẵng, trong đó phần lớn là rác thải nhựa và nilon.

5.800 tỷ đồng đầu tư quản lý và xử lý rác thải sinh hoạt

Tại kỳ họp thứ 9, HĐND thành phố khóa IX thông qua nghị quyết về quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố. Theo đó, từ 2019 đến năm 2025, thành phố đặt ra mục tiêu thu gom và xử lý 95% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt.

Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được tái sử dụng, tái chế đạt 12% vào năm 2020 và đạt 15% vào năm 2025. Tất cả các phường, xã trên địa bàn thành phố tổ chức phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại hộ gia đình và 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, cơ quan, tổ chức thực hiện phân loại chất thải rắn.

Đến năm 2020 dừng hoạt động chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt không bảo đảm vệ sinh tại bãi chôn lấp; đầu tư xây dựng mới nhà máy xử lý chất thải rắn và nâng cấp các công trình bảo đảm xử lý triệt để các nguồn thải phát sinh từ bãi chôn lấp rác Khánh Sơn, quận Liên Chiểu.

Khuyến khích, vận động các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ trên địa bàn thành phố không dùng túi nilon khó phân hủy; khuyến khích, vận động các nhà hàng, khách sạn, cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm trên địa bàn thành phố không dùng sản phẩm nhựa khó phân hủy, sử dụng một lần để đựng thức ăn, đồ uống cho khách hàng…

Để thực hiện các mục tiêu nói trên, từ nay đến năm 2025, thành phố sẽ huy động tổng nguồn vốn lên đến 5.886 tỷ đồng để đầu tư hạ tầng phục vụ công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt, trong đó, vốn của các nhà đầu tư là 5.500 tỷ đồng, ngân sách Nhà nước là 356 tỷ đồng và nguồn vốn tài trợ, hợp tác quốc tế thông qua các dự án, chương trình là 30 tỷ đồng.

HOÀNG HIỆP

HOÀNG HIỆP - TRỌNG HUY

;
;
.
.
.
.
.