Ý kiến doanh nhân

Thu hút khách du lịch "trái vụ"

.

Làm sao để tăng lượng khách đến với Đà Nẵng trong những tháng mùa mưa là điều mà thành phố đang rất quan tâm. Để tạo sức hút đối với du khách trong mùa “thấp điểm” về du lịch, thành phố cần đầu tư cơ sở hạ tầng, quảng bá ra nước ngoài, đồng thời có chính sách ưu đãi kêu gọi nhà đầu tư xây dựng các sản phẩm du lịch mới…

Cần làm mới các sản phẩm du lịch một cách thường xuyên, liên tục để thu hút khách đều trong năm. Trong ảnh: Khách đang nghe thuyết minh về cột chỉ tên đường cổ nhất của Đà Nẵng. Ảnh: THU HÀ
Cần làm mới các sản phẩm du lịch một cách thường xuyên, liên tục để thu hút khách đều trong năm. Trong ảnh: Khách đang nghe thuyết minh về cột chỉ tên đường cổ nhất của Đà Nẵng. Ảnh: THU HÀ

Ông Phạm Đình Hoàng, Giám đốc Công ty Du lịch Hoàng Anh Việt:

Biến bất lợi thành có lợi

Đà Nẵng có hai mùa mưa, nắng rõ rệt nhưng du khách ở những thị trường như Đông Bắc Á lại không quan tâm đến những bất lợi về thời tiết. Bởi vậy, chúng ta phải biết cách biến những cái bất lợi thành có lợi. Các nước như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản có tour đi ngắm lá đỏ, ngắm tuyết rơi, ngắm hoa anh đào… thì tại sao Đà Nẵng không thể có những trải nghiệm như uống cà-phê, ngắm mưa bên dòng sông Hàn?

Đà Nẵng nên tranh thủ làm “sạch” các sản phẩm du lịch hiện có như: “sạch” về cơ sở hạ tầng, “sạch” về thái độ phục vụ, “sạch” về cơ chế làm du lịch một cách chuyên nghiệp nhất, tốt nhất, mang đến những dịch vụ hoàn hảo nhất cho khách.

Thành phố phải có cách làm hay với những sản phẩm du lịch mới để phục vụ khách. Đơn cử như khi đưa những điểm đến mang tính lịch sử văn hóa thành một sản phẩm du lịch thì phải chọn được những cái độc, lạ nhất và giới thiệu sao cho thật hấp dẫn khiến du khách háo hức, tò mò muốn đến.

Ví dụ như trong cụm di tích thành Điện Hải - Bảo tàng Đà Nẵng thì có thể giới thiệu về cột tên đường cổ nhất tại Đà Nẵng, có giá trị lịch sử gần 100 năm hay khôi phục lại những giá trị lịch sử văn hóa lâu đời để giới thiệu cho du khách biết. Đây chính là cốt lõi để tạo sự khác biệt cho điểm đến, hấp dẫn và thu hút khách.

Đa dạng thị trường khách du lịch cũng là một cách hiệu quả để lượng khách đến trải đều trong năm.
Đa dạng thị trường khách du lịch cũng là một cách hiệu quả để lượng khách đến trải đều trong năm.

Ông Nguyễn Ngọc Anh, Giám đốc Công ty TNHH MTV TM&DV Du lịch Omega (Omega Tour):

Phải có sản phẩm phù hợp với từng thị trường khách

Để có được nguồn khách ổn định và bền vững, ngành du lịch thành phố cần có các chuyến xúc tiến, quảng bá đến những thị trường mới. Thực tế cho thấy, qua những chuyến đi xúc tiến ở các thị trường Bắc Mỹ, Canada… mà tôi đã tham gia, khách nước ngoài có biết về Việt Nam nhưng điểm đến Đà Nẵng hầu như chưa được du khách biết đến nhiều.

Chính quyền thành phố cần phối hợp với các doanh nghiệp thường xuyên có các chuyến đi quảng cáo, giới thiệu về du lịch Đà Nẵng ở các hội chợ quốc tế lớn. Tất nhiên, cần có nguồn kinh phí để quảng cáo ở các đường bay chính, các hãng bay trên các trục đông khách châu Âu, châu Mỹ để thu hút khách. Bên cạnh đó cũng cần tạo được sự khác biệt về điểm đến bằng cách làm mới liên tục các sản phẩm du lịch, tạo sự đa dạng sản phẩm du lịch phù hợp với từng thị trường khách cụ thể xem họ cần gì, thích gì…

Tôi đơn cử, thị trường khách Đông Bắc Á rất thích các sản phẩm du lịch về sông, biển mà hiện nay các sản phẩm du lịch này ở Đà Nẵng còn ít. Tại sao chúng ta không xây dựng các tour, tuyến trong 1-2 ngày về các điểm đến như: tham quan trải nghiệm tại bãi Cát vàng, bãi Đá đen… hoặc hoàn thiện sản phẩm du lịch đường sông có các điểm cập bến mang tính lịch sử, văn hóa thay vì chỉ đi trên sông Hàn trong một khoảng thời gian ngắn như hiện nay.

Ông Nguyễn Minh Sang, Giám đốc Công ty Lữ hành quốc tế Hải Vân Cát:

Xây dựng sản phẩm du lịch gắn liền với làng nghề, văn hóa

Một điểm đến hấp dẫn không chỉ có cảnh đẹp, đồ ăn ngon mà cần phải có những sản phẩm độc đáo để tăng thêm sức hút cho điểm đến. Hiện nay Đà Nẵng đã có được nhiều điểm vui chơi, giải trí hiện đại nhưng vẫn thiếu tour du lịch mang tính dân dã, đồng quê.

Thành phố có thể xây dựng, tái hiện lại những sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng địa phương hoặc có những chính sách ưu đãi, ưu tiên hỗ trợ kêu gọi doanh nghiệp đầu tư xây dựng một cách bài bản, đầy đủ một làng văn hóa cộng đồng ở vùng quê nào đó của Đà Nẵng.

Ở đó sẽ có những hoạt động truyền thống của các làng nghề của Đà Nẵng xưa như: nghề làm bánh tráng, làm khô mè, làm chiếu hay trưng bày các nông cụ, ngư cụ đánh cá thô sơ xưa kia của ngư dân… Khi đó thì khách đến Đà Nẵng vào thời điểm nào trong năm cũng có những sản phẩm phù hợp để trải nghiệm, đồng thời cảm nhận được sự khác biệt, hứng thú.

NHẬT HẠ ghi

;
;
.
.
.
.
.