Bản đồ 4 chiều trên thiết bị di động

.

Cuối tháng 12-2018, Công ty TNHH IoT Link ra mắt nền tảng bản đồ 4 chiều (4D) trên thiết bị di động đầu tiên của Việt Nam. Dự án được đánh giá là có khả năng tích hợp nhiều ứng dụng phục vụ cho việc xây dựng thành phố thông minh. Điều đặc biệt, đội ngũ kỹ sư xây dựng sản phẩm đều là người Đà Nẵng.

Mô hình cầu Rồng được thể hiện trên Map 4D.
Mô hình cầu Rồng được thể hiện trên Map 4D.

Truy cập vào trang web http://map4d.vn và thử tìm đến địa chỉ siêu thị Co.opMart (quận Thanh Khê), màn hình hiện lên một mô hình không gian ba chiều mô phỏng siêu thị này. Chỉ cần bấm vào, bạn sẽ lập tức được đưa đến một siêu thị Co.opMart “ảo” giống hệt như siêu thị thật.

Với những cú rê chuột, có thể “rảo quanh” các kệ chứa hàng hóa, “đi” lên lầu, rẽ trái, rẽ phải tùy ý. Muốn tìm hiểu về món hàng nào, bạn chỉ cần di chuột đến món hàng ấy; trên màn hình sẽ hiện thông tin, giá cả và đề nghị được dẫn bạn đến trang bán hàng trực tuyến của siêu thị.  

Siêu thị Co.opMart “ảo” nói trên chính là một trong những ứng dụng của Map 4D - sản phẩm bản đồ 4 chiều của Công ty IoT Link Việt Nam. Đến thời điểm này, đây là bản đồ trực tuyến duy nhất của Việt Nam thể hiện đủ chiều ngang, chiều dọc, chiều sâu và chiều thời gian.

Như vậy, chỉ cần gõ một địa chỉ bất kỳ tại Việt Nam, bản đồ sẽ hiển thị mô hình 3D cảnh quan ở địa điểm đó; đồng thời, người xem có thể điều chỉnh để nhìn thấy sự thay đổi tại địa điểm này qua thời gian.

Anh Trịnh Công Duy, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển phần mềm (Đại học Đà Nẵng), cũng là kiến trúc sư trưởng của dự án cho biết, Map 4D bắt đầu được đặt những viên gạch đầu tiên từ cuối năm 2015. Lúc đó, nhóm phát triển dự án chỉ gồm 5 thành viên (vốn là 5 anh em trong nghề công nghệ thông tin) thân thiết với nhau từ trước.

Anh Duy kể: “Chúng tôi đều đã có nhiều năm trong nghề, là quản lý cấp cao ở nhiều doanh nghiệp, cơ sở đào tạo. Thế nhưng, ai cũng trăn trở về một sản phẩm công nghệ thông tin tầm cỡ của người Việt làm cho người Việt. Map 4D ra đời từ tâm huyết đối với nghề, từ những thời gian được thu xếp ngoài công việc chính”.

Map 4D là bản đồ đầu tiên của Việt Nam có tích hợp 4 chiều nên những người tiên phong phải vừa đi, vừa dò đường.

“Thời gian đầu có rất nhiều khó khăn, tiền “đốt” vào dự án rất lớn. Thậm chí có người còn gọi nhóm là “điên rồ” và thực sự có lúc nhóm cũng đã muốn bỏ cuộc. Tham vọng của nhóm rất lớn, phải làm sao để đưa được các hoạt động của chính quyền, doanh nghiệp, người dân từ “thế giới thực” lên “thế giới ảo”. Để làm được điều đó, cần có công nghệ tốt và kho dữ liệu khổng lồ”, anh Duy chia sẻ.

Tuy nhiên, điều khiến anh Duy tự hào nhất chính là đội ngũ kỹ sư 100% người Đà Nẵng. Đặc biệt, công nghệ của Map 4D chính là công nghệ “made in Việt Nam”, giúp các kỹ sư hoàn toàn chủ động trong việc nắm giữ, cải tiến, cập nhật. Kho dữ liệu cũng được lưu trữ tại Trung tâm dữ liệu Việt Nam, hạn chế tối đa khả năng bị rò rỉ, mất an toàn an ninh thông tin, nhất là đối với các thông tin tài sản quốc gia.

Được xây dựng trên nhiều lớp dữ liệu, bản đồ 4D là nền tảng để tích hợp sản phẩm phần mềm của các nhóm khởi nghiệp, các doanh nghiệp phần mềm. Hiện tại, Công ty IoT Link đang phát triển ứng dụng bản đồ địa chính Đà Nẵng.

Với ứng dụng này, người dùng có thể tra cứu thông tin đất đai, quy hoạch, lịch sử xây dựng của bất kỳ địa điểm nào trên địa bàn thành phố. Bản đồ địa chính còn tích hợp công nghệ chatbot (robot trò chuyện), hỗ trợ người dùng tra cứu thông tin nhanh nhất. Bản đồ 4D còn có thể tích hợp nhiều ứng dụng khác phục vụ thành phố thông minh như: quản lý hạ tầng, cây xanh, cống thoát nước...

Hiện nay, Map 4D đã được Cocobay Đà Nẵng (quận Ngũ Hành Sơn) áp dụng để xây dựng khu đô thị kiểu mẫu, quản lý toàn bộ trên bản đồ thông minh. Anh Duy cho hay: “Một trong những khó khăn lớn nhất trong quá trình xây dựng Map 4D này là phải thuyết phục được các nhà đầu tư, các doanh nghiệp tin vào một sản phẩm công nghệ thuần Việt. Nhiều người từng không tin, nhưng sau khi chúng tôi trình bày sản phẩm, họ đã thay đổi hoàn toàn suy nghĩ”.

Bài và ảnh: PHONG LAN
 

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.