Phong phú, dồi dào hàng hóa Tết

.

Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 đang đến rất gần, tại thời điểm này, các siêu thị, trung tâm thương mại và các chợ, cửa hàng… đều chuẩn bị xong nguồn hàng hóa nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm Tết. Nguồn cung tăng từ 10 - 20% so với ngày thường.

Nguồn cung hàng hóa phục vụ dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 được chuẩn bị chu đáo với đa dạng chủng lại, mẫu mã, mức giá cũng như xuất xứ. (Ảnh chụp tại Siêu thị CoopMart). Ảnh: KHÁNH HÒA
Nguồn cung hàng hóa phục vụ dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 được chuẩn bị chu đáo với đa dạng chủng lại, mẫu mã, mức giá cũng như xuất xứ. (Ảnh chụp tại Siêu thị CoopMart). Ảnh: KHÁNH HÒA

Chuẩn bị phong phú các mặt hàng

Tại siêu thị CoopMart, đường Điện Biên Phủ, ngay từ cuối tháng 12-2018, siêu thị đã chuẩn bị gần 4.000 tấn hàng hóa với tổng trị giá hơn 80 tỷ đồng để phục vụ Tết Nguyên đán, tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, nhóm hàng thực phẩm tươi sống như rau củ, trái cây, các loại thịt, cá cùng nhóm hàng bánh, kẹo, mứt, nước giải khát, bia… được nhìn nhận sẽ có lượng tiêu thụ cao nhất.

Ông Phan Thống, Giám đốc Siêu thị CoopMart Đà Nẵng cho biết, từ nay đến Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, nguồn hàng tiếp tục được bổ sung nhằm bảo đảm đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dân cũng như các tổ chức, đơn vị. CoopMart Đà Nẵng có kế hoạch tăng giờ mở cửa, tăng số lượng nhân sự cũng như trang thiết bị để phục vụ khách hàng nhanh và chu đáo hơn.

Tại Siêu thị Big C, khu vực tầng 2 và 3 của siêu thị được trang hoàng rực rỡ với hàng ngàn mặt hàng để người tiêu dùng lựa chọn. Hàng hóa bán chạy nhất ở thời điểm này vẫn là các loại bia, rượu, bánh kẹo, thời trang, đồ gia dụng… với sản lượng tiêu thụ tăng 20% so với cùng thời điểm năm trước.

Đại diện truyền thông của Tập đoàn Vingroup cho biết, số lượng cửa hàng tiện lợi VinMart+ tại Đà Nẵng đã tăng lên con số 95 cửa hàng, bảo đảm cung cấp nguồn hàng hóa tiện lợi cho người dân trên toàn địa bàn. Sau thời điểm Tết Dương lịch, VinMart+ chuẩn bị đầy đủ các mặt hàng thịt tươi sống, trái cây để phục vụ khách hàng và sẽ triển khai bán thêm hoa Tết cùng các loại bánh kẹo ngoại nhập.

Cùng với hệ thống các siêu thị, tại các chợ truyền thống như chợ Cồn, chợ Hàn, chợ Mới, chợ Đống Đa, chợ Đầu mối Hòa Cường…, tiểu thương cũng chủ động trong dự trữ nguồn hàng hóa nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm.

Tại chợ Đầu mối Hòa Cường, những chuyến hàng Tết đã bắt đầu được nhập. Theo Ban quản lý chợ Đầu mối Hòa Cường, 10 ngày trước Tết Nguyên đán là thời gian cao điểm hàng nhập về chợ, trung bình lượng rau, củ, quả dự trữ từ 700-900 tấn/ngày, đêm; thậm chí lên tới 1.000 tấn/ngày, đêm (tăng gấp 2-3 lần so với ngày thường).

Trong đó, trái cây chủ yếu được nhập từ Tiền Giang, Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Bình Thuận… Các loại rau, củ, quả nhập về từ Lâm Đồng, Gia Lai, Quảng Nam, Bắc Ninh, Nghệ An… Để bảo đảm an toàn thực phẩm cũng như kiểm soát chặt chẽ xuất xứ nguồn hàng, Ban quản lý chợ Đầu mối Hòa Cường tăng cường kiểm tra, giám sát, lấy mẫu trước khi cho hàng nhập vào chợ.

Để chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết, siêu thị Big C đàm phán nhà cung cấp để chuẩn bị đủ nguồn hàng và mức giá hợp lý.
Để chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết, siêu thị Big C đàm phán nhà cung cấp để chuẩn bị đủ nguồn hàng và mức giá hợp lý.

Tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường

Cùng với việc chuẩn bị nguồn hàng phong phú, đa dạng để phục vụ mọi đối tượng người tiêu dùng thì công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường được tăng cường. Theo bà Vũ Hương Giang, Giám đốc BigC Đà Nẵng, năm nay đơn vị tiếp tục tham gia chương trình bình ổn giá thị trường dịp Tết Kỷ Hợi 2019.

Từ tháng 9-2018, BigC đã đàm phán với các nhà cung cấp, nhà sản xuất, các đơn vị cung ứng để chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng với mức giá hợp lý. Trong khi đó, tại siêu thị Intimex, các loại hàng hóa được lấy từ các đơn vị uy tín với việc kiểm tra, giám sát chặt chẽ từ khâu lựa chọn nhà cung ứng đến soi chiếu cẩn thận từng sản phẩm trước khi lên kệ.

Theo ông Nguyễn Hà Bắc, Phó Giám đốc Sở Công thương thành phố, hiện nay nguồn hàng dự trữ phục vụ trước, trong và sau Tết Kỷ Hợi dự kiến hơn 1.600 tỷ đồng. Trong đó, tổng số hàng hóa thiết yếu dự trữ của 12 đơn vị sản xuất, kinh doanh, trung tâm thương mại, siêu thị tham gia dự trữ gồm 255 tấn gạo, nếp các loại; 2.151 tấn thịt các loại; gần 264 tấn rau củ quả các loại; gần 2.000 tấn thực phẩm chế biến, đóng hộp, thực phẩm khô... giá trị khoảng hơn 363 tỷ đồng.

Tại 4 chợ lớn gồm chợ Cồn, chợ Hàn, chợ Đống Đa, chợ Đầu mối Hòa Cường, tiểu thương có kế hoạch dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết ước khoảng gần 500 tỷ đồng; các chợ Mới, chợ Siêu thị, chợ Hòa Khánh và chợ Đầu mối Thọ Quang cũng chuẩn bị lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết ước khoảng 250 tỷ đồng; hệ thống cửa hàng ở các tuyến phố chuyên doanh trên địa bàn thành phố cũng tham gia dự trữ hàng hóa tiêu dùng thiết yếu với giá trị ước khoảng 500 tỷ đồng.

Theo kế hoạch, từ ngày 2 đến 4-2-2019 (nhằm ngày 28 đến 30 tháng Chạp), từ 6 giờ 30 đến 8 giờ 30 mỗi ngày, sẽ diễn ra chương trình bán thịt heo phục vụ Tết tại 14 điểm bán thịt heo với nguồn cung từ Công ty TNHH Đắc Vinh, Công ty CP Chăn nuôi C.P. Việt Nam tại Đà Nẵng và 4 điểm bán thịt chế biến do Chi nhánh Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản VISSAN Đà Nẵng cung cấp, tập trung tại các chợ gần các khu dân cư.

“Đến thời điểm này, nguồn hàng hóa dự trữ, chuẩn bị phục vụ Tết Kỷ Hợi đã hoàn tất và chủ động nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng với đa dạng và phong phú về chủng loại. Khi nhu cầu tiêu dùng tăng, doanh nghiệp sẽ điều động bổ sung và cam kết bảo đảm đủ nguồn hàng để phục vụ nhu cầu nhân dân trong dịp Tết”, ông Nguyễn Hà Bắc nói.

Bài và ảnh: KHÁNH HÒA

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.