Rượu cần Phú Túc sẵn sàng cho dịp Tết

.

ĐNO - Trong không khí Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 đang gần kề, những ché rượu cần Phú Túc được nấu từ bàn tay của người Cơ tu tại thôn Phú Túc (xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang) đã sẵn sàng để đưa ra tiêu thụ ở thị trường Tết.

Ông Lê Văn Nghĩa với những ché rượu cần chuẩn bị cho dịp Tết.
Ông Lê Văn Nghĩa với những ché rượu cần chuẩn bị cho dịp Tết.

Lò nấu rượu cần của Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Phú Túc Lê Văn Nghĩa, một người con Cơ tu nằm ngay trên Quốc lộ 14G – tuyến đường khang trang “kết nối” nhánh phía Tây của thành phố Đà Nẵng với các huyện vùng cao của tỉnh Quảng Nam là Nam Giang, Đông Giang và Tây Giang.

Là một trong những người có công “giữ lửa” cho rượu cần Cơ tu ở Phú Túc, ông Nghĩa cho biết: “Ngày trước, bà con mình vẫn nấu rượu bằng cách sử dụng men truyền thống, chẳng hạn như rễ cây, điều này khiến chất lượng rượu không ổn định. Bây giờ nếu muốn phát triển sản phẩm uy tín thì cần phải tìm mua các nguyên liệu có nguồn gốc bảo đảm để nâng cao chất lượng rượu”.

Theo ông Nghĩa, thay vì dùng sắn làm nguyên liệu chính như ngày trước, nguyên liệu để làm nên rượu cần hiện nay phải có gạo nếp loại ngon, nếp này được ông Nghĩa lấy từ vùng cao Tây Giang và Đông Giang của tỉnh Quảng Nam, trấu sạch và men lá truyền thống và tuyệt đối không được sử dụng hóa chất, nguồn nước phải sạch và không có phèn. 

Ông hút rượu bằng mây và ché đựng rượu được mua từ miền Bắc, trong đó ché rượu được lấy từ vùng gốm Bát Tràng của Hà Nội.
Ống hút rượu bằng mây và ché đựng rượu được mua từ miền Bắc, trong đó ché rượu được lấy từ vùng gốm Bát Tràng của Hà Nội.

Trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2018, tại cơ sở của ông Nghĩa có 3 nhân công thực hiện việc làm rượu, bên cạnh đó là một hệ thống máy tự động gồm máy rửa trấu, vắt trấu, rửa ché, trộn men…Công việc bắt đầu ngay từ 4 giờ sáng, bao gồm ngâm gạo nếp tối thiểu khoảng 12 tiếng đồng hồ, vuốt nếp cho sạch, rửa trấu, trộn men đưa vào ché, trộn các nguyên liệu…

Đặc biệt, nếp và trấu phải được hong chung với nhau để cả hai nguyên liệu cùng chín đều. Sau đó, các nguyên liệu này được trải nguội, trộn với men và ủ tối đa một ngày ngoài trời và cuối cùng là ủ trong ché tối đa 18 tháng để có thành phẩm là rượu cần bảo đảm vệ sinh và đúng “chất Cơ tu” nhất. Những chiếc ché đựng rượu cũng được ông Nghĩa đặt mua từ vùng gốm Bát Tràng (Hà Nội) để bảo đảm hình thức tốt nhất cho rượu cần Phú Túc.

Khi chúng tôi đến Phú Túc, lo nấu rượu của ông Nghĩa tạm thời ngơi nghỉ sau khi con trai đưa 200 ché rượu tại cơ sở của ông đến quảng bá và tiêu thụ tại Hội chợ Xuân 2019. Gian cất rượu tại cơ sở vẫn còn 300 ché đang sẵn sàng được tiêu thụ với hình thức bắt mắt và nhãn hiệu đầy đủ. Ông bảo, đây chưa phải là số rượu cuối cùng mà cơ sở ông sản xuất cho dịp Tết năm nay bởi nhu cầu mua rượu của du khách và người dân cũng tăng dần theo mỗi năm.

Theo đó, dự kiến dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi sẽ có 1.000 ché rượu cần phục vụ nhu cầu thị trường.

Đặc sản rượu cần Phú Túc.
Đặc sản rượu cần Phú Túc.

Mỗi ché rượu được bán ra thị trường với giá từ 200.000 - 500.000 đồng tùy theo kích cỡ ché. Theo ông Nghĩa, đối tượng khách hàng của cơ sở đa số là du khách đi tham quan, vui chơi tại các khu du lịch nổi tiếng như Núi Thần Tài, Suối Hoa, Hòa Phú Thành, Lái Thiêu, Ngầm Đôi và tại các hội chợ xuân…

Được biết, UBND xã Hòa Phú đã phối hợp với Sở Công thương và Sở Y tế thành phố tiến hành hỗ trợ kiểm định chất lượng và đăng ký thương hiệu cho rượu cần Phú Túc. Viện Chất lượng Việt Nam đã công nhận danh hiệu, trao cúp vàng chứng nhận rượu cần Phú Túc là thương hiệu chất lượng cao năm 2016. Đó là những động lực để những người như ông Nghĩa mong muốn mở rộng quy mô của rượu cần Phú Túc.

“Sức tiêu thụ của rượu cần Phú Túc tại thị trường Tết nói riêng và các thời điểm nói chung đều ở mức ổn định. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục vận động người dân tiến tới xây dựng một làng nghề truyền thống về rượu cần để phát triển mạnh thương hiệu rượu cần Phú Túc, tạo điều kiện phát triển cho bà con”, ông Nghĩa chia sẻ.

Bài và ảnh: XUÂN SƠN

 

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.