Trước thềm chương trình “Tọa đàm mùa Xuân” 2019 diễn ra ngày 1-3, Báo Đà Nẵng ghi nhận và phản ánh ý kiến cũng như kỳ vọng của một số doanh nhân, doanh nghiệp (DN), đại diện các hội, hiệp hội DN trên địa bàn thành phố.
“Tọa đàm mùa Xuân” trở thành sáng kiến hiệu quả của Đà Nẵng trong nỗ lực tạo sự đồng thuận giữa hệ thống chính trị với doanh nghiệp, nhà đầu tư. Ảnh: KHÁNH HÒA |
Ông Nguyễn Tiến Quang, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - Chi nhánh Đà Nẵng: Đồng thuận để hiện thực hóa Nghị quyết 43/NQ-TW
Với lần thứ 2 được tổ chức, chương trình “Tọa đàm mùa Xuân” đã trở thành sáng kiến của thành phố Đà Nẵng trong nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút nguồn lực đầu tư nhằm hướng đến mục tiêu phát triển thành phố theo hướng nhanh và bền vững. Đây cũng là giải pháp hữu hiệu trong việc thiết lập cơ chế đối thoại công-tư, góp phần cho DN phát triển.
“Tọa đàm mùa Xuân 2019” diễn ra trong bối cảnh Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045, nên hy vọng đây tiếp tục là một “Hội nghị Diên Hồng” lần thứ 2 để các DN, nhà đầu tư trong và ngoài nước đề xuất những giải pháp, ý tưởng cụ thể, phù hợp, cùng với thành phố hiện thực hóa nghị quyết này; đồng thời tiếp tục thắt chặt sự đồng thuận giữa hệ thống chính trị với người dân và cộng đồng DN, nhà đầu tư nhằm vươn đến khát vọng xây dựng Đà Nẵng “thành phố đáng sống, đáng đầu tư”.
Tôi được biết, tại “Tọa đàm mùa Xuân 2019”, thành phố sẽ công bố rộng rãi nhiều nội dung quan trọng về định hướng, chiến lược phát triển của thành phố đến 2030, tầm nhìn 2045 ở tất cả các lĩnh vực. Điều này “bảo chứng” cho cam kết của thành phố từ “Tọa đàm mùa Xuân 2018”, đó là nâng cao tính minh bạch, bình đẳng về thông tin cũng như trong ứng xử với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Chúng tôi mong rằng, thành phố tiếp tục khẳng định tinh thần chào đón, thân thiện với “đầu tư” và nói “không” với “đầu cơ”. Đây cũng là cách để làm trong sạch môi trường đầu tư, kinh doanh của thành phố, phù hợp với nguyện vọng của những nhà đầu tư thật sự có năng lực, trách nhiệm và có tiềm năng phát triển bền vững, lâu dài.
Đà Nẵng đang trong quá trình điều chỉnh lại chiến lược, quy hoạch phát triển, hy vọng thành phố sẽ có giải pháp phù hợp để giải quyết các xung đột giữa quyền và lợi ích của DN, nhà đầu tư với mục tiêu chung phát triển thành phố; tiếp tục có những bước đột phá trong cải cách thủ tục hành chính để DN, nhà đầu tư khi tiếp cận dịch vụ công với tính minh bạch cao nhất, thời gian thấp nhất.
Thông qua tọa đàm này sẽ góp phần có thêm nhiều dự án đầu tư lớn, có hàm lượng công nghệ cao, chất lượng, có tính tác động, lan tỏa, dẫn dắt và tạo động lực cho nhiều dự án khởi nghiệp mới, DN thành lập mới trong năm 2019…; qua đó tạo cơ hội để phát triển công nghiệp phụ trợ khi các DN nhỏ và vừa có thể hợp tác với DN lớn, dự án lớn trong cung ứng sản phẩm, làm thầu phụ… Thành phố vừa tạo cơ hội đầu tư cho các dự án lớn, DN lớn, nhưng không lấy đi cơ hội phát triển của các DN nhỏ, DN địa phương.
Ông Lê Trí Hải, Giám đốc Công ty giải pháp công nghệ Toàn Cầu Xanh, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng: Đẩy mạnh phong trào khởi nghiệp và xây dựng thương hiệu doanh nghiệp
DN trẻ là thế hệ kế cận, đồng thời cũng là thế hệ tiên phong trong xây dựng và phát triển thành phố; tuy nhiên hiện nay thành phố vẫn chưa có chính sách tạo cơ hội, điều kiện để DN trẻ Đà Nẵng vươn lên mạnh mẽ, xây dựng thương hiệu mang tầm quốc gia. Trong thời gian đến, thành phố cần quan tâm, có chính sách nuôi dưỡng DN sản xuất, thương mại, dịch vụ có thương hiệu quốc gia, tạo cơ hội bình đẳng và công khai các chính sách để họ được tiếp cận, thể hiện mình, chuyển mình trong giai đoạn mới.
Cùng với việc hỗ trợ nhằm đẩy mạnh xây dựng thương hiệu cho DN thành phố, thì cần nhìn nhận một cách xác đáng về hiệu quả sinh lợi và phát triển bền vững của các DN khởi nghiệp; có những đánh giá cụ thể cho từng DN khởi nghiệp đang hoạt động từ phong trào khởi nghiệp của thành phố mà Hội đồng điều phối Mạng lưới khởi nghiệp chính là bệ phóng. Rất mong thành phố hỗ trợ thiết lập và đặt mục tiêu cụ thể cho từng dự án và đánh giá kết quả định kỳ để từ đó có thể phát huy tốt hơn nữa hiệu quả hoạt động của các DN khởi nghiệp.
Ông Lê Minh Phúc, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Du lịch biển Vinacapital, Phó Chủ nhiệm CLB FDI Đà Nẵng: Cần một đội ngũ tham mưu chuyên nghiệp
Trong chương trình “Tọa đàm mùa Xuân” lần thứ 2 này, tôi mong muốn những kiến nghị trong “Tọa đàm mùa Xuân” 2018 tiếp tục được thành phố quan tâm, xử lý rốt ráo; trong đó, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính với mục tiêu nhanh, gọn và hiệu quả cho người dân cũng như DN. Theo tôi, nên đẩy nhanh thực hiện các thủ tục đầu tư như: thủ tục đánh giá tác động môi trường; các chủ trương đầu tư và giấy chứng nhận đầu tư; quy hoach về chiều cao công trình cần minh bạch rõ ràng; thủ tục về giấy phép xây dựng; đẩy mạnh năng lực của các đơn vị tư vấn trực thuộc các sở, đẩy mạnh quy trình thủ tục đầu tư.
Tôi cho rằng, thành phố cần có một đội ngũ luật sư chuyên nghiệp, được đào tạo bài bản và thành thạo về pháp luật để tham mưu chuyên sâu cho thành phố những vấn đề về luật pháp; để các nhà đầu tư tuân thủ luật và bảo đảm sự an toàn cho về sau. Hiện nay, Đà Nẵng đang chịu áp lực cạnh tranh lớn trong kêu gọi thu hút đầu tư với các tỉnh, thành phố lân cận như Thừa Thiên Huế, Quảng Nam… Đà Nẵng phải xốc lại, bứt phá lên nếu không muốn vai trò động lực của miền Trung bị mất dần. Đặc biệt, với việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 43/NQ-TW, chúng tôi kỳ vọng Đà Nẵng sẽ được tháo gỡ nhiều vướng mắc để mạnh dạn bứt phá và phát triển.
Ông Đặng Ngọc Hải, Giám đốc Công ty TNHH Axon Active Việt Nam - Chi nhánh Đà Nẵng, Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp Phần mềm Đà Nẵng: Cần sớm giải quyết bài toán về nguồn nhân lực công nghệ thông tin
Từ sau “Tọa đàm mùa Xuân” 2018, hai vấn đề quan trọng của ngành công nghệ thông tin (CNTT) là: thu hút và đào tạo nguồn nhân lực; tạo điều kiện cho DN CNTT phát triển thông qua các chính sách, không gian làm việc đã được quan tâm giải quyết với những tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, “cơn khát” mặt bằng của DN trong suốt nhiều năm qua vẫn cần được tiếp tục tháo gỡ quyết liệt hơn khi ngày càng có nhiều công ty khởi nghiệp, nhà đầu tư ở lĩnh vực CNTT tiếp cận và lựa chọn Đà Nẵng để hoạt động.
“Tọa đàm mùa Xuân” trở thành sáng kiến hiệu quả của Đà Nẵng trong nỗ lực tạo sự đồng thuận giữa hệ thống chính trị với doanh nghiệp, nhà đầu tư. Ảnh: KHÁNH HÒA |
Về vấn đề nhân sự, mặc dù chính quyền thành phố đã có nhiều buổi gặp gỡ, trao đổi với các cơ sở, DN đào tạo nhằm tìm hướng đi tích cực; tuy nhiên, sự chuyển biến này chưa thực sự rõ nét. Hiện trong lĩnh vực phần mềm, chúng ta vẫn thiếu nhân lực, dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các DN CNTT. Nếu cứ tiếp tục phát triển “nóng” như vậy sẽ dẫn đến thị trường lao động rối loạn, các nhà đầu tư nước ngoài cũng không còn cảm thấy Đà Nẵng hấp dẫn nữa.
Ông Phạm Bắc Bình, Giám đốc Công ty CP Bình Vinh, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV thành phố Đà Nẵng: Tiếp tục gỡ vướng về đất đai cho doanh nghiệp
Sau “Tọa đàm mùa Xuân 2018”, những khó khăn của DN liên quan đến vấn đề đất đai vẫn chưa được giải quyết thấu đáo. Nhiều DN vẫn lo ngại về giá thuê đất hay việc bảo vệ quyền lợi thuê đất lâu năm. Trong khi đó, giải pháp hình thành các khu công nghiệp, cụm công nghiệp vẫn còn cần đến thời gian vài năm. Chúng tôi luôn đặt niềm tin vào sự cầu thị của lãnh đạo thành phố trong việc tích cực gỡ vướng cho DN thời gian qua và mong muốn thành phố tiếp tục tích cực hơn nữa trong năm 2019 này.
Sự kiện “Tọa đàm mùa Xuân” 2019 là cơ hội để cộng đồng DN lên tiếng cho quyền lợi của mình cũng như ý thức được nghĩa vụ đối với thành phố, với cộng đồng. Đây cũng là dịp để chúng tôi gặp gỡ, trao đổi với các DN, nhà đầu tư trong và ngoài về hoạt động sản xuất, kinh doanh, về cơ hội hợp tác trong tương lai.
KHÁNH HÒA (thực hiện)