Giữ nghề làm chổi đót

.

Nghề phơi đót và làm chổi đót có từ lâu đời ở phường Hòa Hiệp Nam (quận Liên Chiểu). Trải qua nhiều năm tháng thăng trầm của nghề này, với sự hỗ trợ của thành phố và chính quyền địa phương, người làm chổi ở đây vẫn đang nỗ lực giữ nghề.

Thành viên Tổ hợp tác sản xuất chổi đót Hòa Hiệp Nam phơi đót cho dịp chính vụ.
Thành viên Tổ hợp tác sản xuất chổi đót Hòa Hiệp Nam phơi đót cho dịp chính vụ.

Những ngày trước, trong và sau Tết Nguyên đán là thời điểm “chính vụ” của nghề phơi đót và làm chổi đót ở phường Hòa Hiệp Nam. Dưới cái nắng gắt bất thường của thời tiết tháng Giêng và bụi đót bay mù mịt, hơn 10 người lao động vẫn miệt mài phơi từng bó đót trên khu đất trống dọc đường Nguyễn Tất Thành để có nguồn đót khô làm chổi.

Bà Mười - người thực hiện việc gom từng sợt đót thành bó chia sẻ: “Công việc hơi vất vả một chút nhưng có thêm thu nhập bên cạnh việc trồng rau, nuôi gà, lại phù hợp với người lớn tuổi. Mình phải giữ nghề này cho con cháu biết”.

Bà Mười cũng như nhiều người đang làm việc tại bãi phơi đót là nhân công do bà Đặng Thị Cấn (trú phường Hòa Hiệp Nam) thuê với tiền công phơi trung bình 250.000 đồng/ngày. Tròm trèm hơn 40 năm theo nghề làm chổi đót, bà Cấn nối nghiệp cha ông từ khi còn rất trẻ. Suốt nhiều năm qua, để có những cây chổi tốt, vợ chồng bà phải về tận vùng cao Đông Giang, Tây Giang (tỉnh Quảng Nam) để thu mua đót tươi với giá 7.000 đồng/kg. Những sợt đót phơi đủ 5 nắng, chuyển từ xanh sang vàng là đạt chuẩn để làm chổi.

“Việc làm chổi được thực hiện quanh năm, nhưng thời điểm chính vụ của nghề là dịp cuối năm, kéo dài từ tháng Chạp đến hết tháng Giêng. Đây là lúc những cây đót ra hoa. Nhiều lao động phải làm xuyên Tết để kịp có đót về làm chổi”, bà Cấn cho biết.

Những ngày này, ông Nguyễn Văn Năm (chồng bà Cấn), Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất chổi đót Hòa Hiệp Nam (gọi tắt là Tổ hợp tác) hối hả bên những bó đót thành phẩm. Ông Năm cho biết, tại cơ sở của ông có khoảng 10 người lao động thường xuyên với thu nhập khoảng 4-5 triệu đồng/tháng. Trung bình mỗi ngày, Tổ hợp tác sản xuất được 240 cây chổi, cung cấp cho các khu công nghiệp và các chợ trên địa bàn thành phố. Sau Tết, nhân công được huy động ra bãi phơi đót, một mình ông đảm đương khâu bện chiếu.

Dịp Tết Nguyên đán vừa qua, năng suất sản xuất của Tổ hợp tác tăng gấp đôi nhưng vẫn “cháy hàng”. Từ nghề làm chổi đót, vợ chồng ông Năm đã ổn định kinh tế, tạo việc làm cho nhiều lao động và nuôi 3 người con ăn học thành tài. Bản thân ông được Hội Nông dân thành phố tặng giấy khen “Hội viên nông dân tiêu biểu xuất sắc làm theo lời Bác”.

Bên cạnh niềm vui với nghề, các thành viên của Tổ hợp tác vẫn canh cánh nỗi lo về người nối nghiệp. Ông Năm cũng lo lắng vì những người con của ông đều chọn hướng đi khác so với nghề làm chổi.

Một thành viên khác là bà Đặng Thị Rô cũng lo ngại tương tự bởi dù nghề làm chổi cho thu nhập khá nhưng thế hệ trẻ lại không mấy mặn mà. Nỗi lo này sẽ kéo dài khi thế hệ những người như bà và vợ chồng ông Năm ngày một già đi. Vì thế, họ vẫn nỗ lực giữ nghề và tìm thêm nguồn lao động cho Tổ hợp tác với mong mỏi nghề không bị mai một. “Mình không làm thì chẳng còn ai làm nữa”, bà Rô tâm sự.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó phòng Kinh tế UBND quận Liên Chiểu cho hay: “Nghề làm chổi đót vốn là nghề sản xuất truyền thống của địa phương. Rất mừng khi sản phẩm của Tổ hợp tác sản xuất chổi đót Hòa Hiệp Nam đã đưa được ra thị trường trong những năm qua, không chỉ tại Đà Nẵng mà còn ở các thị trường như Quảng Nam, Quảng Ngãi…”.

Theo bà Thảo, để tạo điều kiện cho Tổ hợp tác sản xuất và phát triển bền vững tại thị trường, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Đà Nẵng đã phối hợp với Phòng Kinh tế và Hội Nông dân quận Liên Chiểu hỗ trợ máy tuốt chổi đót cho đơn vị; đồng thời khuyến khích các hộ sản xuất tích cực giữ bản sắc cho nghề truyền thống này.

Trong chặng đường phát triển kinh tế - xã hội ở quận Liên Chiểu, nghề làm chổi đót ở Hòa Hiệp Nam cùng với nghề làm nước mắm ở Nam Ô có vai trò quan trọng, không chỉ là đóng góp về kinh tế mà còn là nét truyền thống của địa phương. Những người làm nghề nơi đây luôn mong mỏi thế hệ trẻ tiếp nối và phát huy những tâm huyết mà người đi trước nâng niu, gìn giữ.

Bài và ảnh: XUÂN SƠN

;
;
.
.
.
.
.