Năm 2019, Chính phủ coi phát triển kinh tế tư nhân là một trong những trọng tâm đột phá, nhà nước sẽ đồng hành và hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân phát triển và quan trọng nhất là tạo ra một "sân chơi" lớn hơn để các doanh nghiệp lớn tham gia đóng góp cho nền kinh tế, thúc đẩy các doanh nghiệp khác phát triển.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN) |
Nhân dịp đầu xuân năm mới Kỷ Hợi, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã chia sẻ với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam xung quanh nội dung này.
- Thưa ông, năm 2019, Chính phủ coi phát triển kinh tế tư nhân là một trong những trọng tâm đột phá. Là cơ quan xây dựng hoạch định chính sách, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tham mưu cho Chính phủ những chính sách cụ thể nào để khơi nguồn lực cho khối tư nhân phát triển?
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII đã coi phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế Việt Nam. Vừa qua, Chính phủ đã cụ thể thành đột phá trong năm 2019, coi đây là trọng tâm bứt phá, là động lực quan trọng cho thời gian tới.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị quyết 02 về cải thiện môi trường đầu tư, cắt giảm điều kiện kinh doanh. Theo tôi, chúng ta cần thực hiện Nghị quyết này một cách thực chất hơn nữa.
Các Bộ, ngành, địa phương phải làm cho bằng được vấn đề cắt giảm các điều kiện, thủ tục, chi phí, để doanh nghiệp hoạt động được thuận lợi hơn nữa, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần nhận thức cho đúng về khu vực tư nhân. Ở một số địa phương, một số người có thái độ nhận thức chưa đủ, chưa đúng về khu vực này. Chúng ta mới tiếp cận theo hướng xin-cho, mà chưa đồng hành, chưa hỗ trợ, chưa cảm nhận được những khó khăn, thách thức để tháo gỡ cho doanh nghiệp.
Chúng ta đã thông qua Hiệp định CPTPP, cũng đã ký hơn 10 FTA, điều này đòi hỏi chúng ta phải phải thay đổi công nghệ, để có thể tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Đấy là công việc mà chúng tôi tham mưu cho Chính phủ hỗ trợ phát triển khu vực kinh tế tư nhân trở thành một động lực đóng góp cho nền kinh tế.
- Ở một số nước như Hàn Quốc có Samsung, Nhật Bản có Toyota… Đây là những doanh nghiệp lớn mang tính dẫn dắt, đóng vai trò cánh chim đầu đàn. Còn các doanh nghiệp lớn của Việt Nam sẽ như thế nào và đâu là những quyết sách đối với khu vực tư nhân, thưa ông?
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Như tôi được biết, quốc gia nào cũng có chủ trương xây dựng cho được doanh nghiệp lớn, tập đoàn lớn có tính chất xuyên quốc gia, mang tính dẫn dắt. Việt Nam cũng mong muốn và chủ trương phải có những doanh nghiệp tầm cỡ như vậy. Những doanh nghiệp này sẽ đóng vai trò rất quan trọng cho nền kinh tế về lao động, năng lực sản xuất, thu ngân sách.
Thời gian qua, chúng ta có nhiều quyết sách với khu vực tư nhân, trong đó có những doanh nghiệp lớn. Nhưng thật sự các quyết sách riêng dành cho những doanh nghiệp lớn của Chính phủ chưa đủ mạnh. Thời gian tới, đây là điều cần phải xây dựng.
Việt Nam cũng đã có một số doanh nghiệp lớn như Vingroup, Sun Group, FLC, VietJet, Viettel… Tuy nhiên, các doanh nghiệp này đều là những doanh nghiệp tự lực, tự thân là chính, tất nhiên có sự hỗ trợ của Nhà nước nhưng không nhiều.
Tôi nghĩ sắp tới phải có chính sách riêng để có những hỗ trợ cần thiết cho những doanh nghiệp lớn như thế này. Ví như hỗ trợ tiếp cận về khoa học công nghệ, tín dụng, đất đai. Và điều quan trọng nhất là Nhà nước tạo ra một sân chơi lớn hơn, để các doanh nghiệp lớn tham gia đóng góp cho nền kinh tế, thúc đẩy các doanh nghiệp khác phát triển.
(Ảnh minh họa: Vũ Sinh/TTXVN) |
- Là người đứng đầu ngành kế hoạch-đầu tư, ông đánh giá việc huy động tư nhân tham gia các dự án lớn trong tương lai như thế nào?
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Vừa qua, Quảng Ninh đã thu hút những dự án tư nhân rất lớn, rất có ý nghĩa với tỉnh và cả khu vực Đông Bắc như sân bay Vân Đồn. Điều này cho thấy, năng lực của các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đã trưởng thành, lớn mạnh.
Trước kia chúng ta không thể nghĩ họ sẽ huy động được một lượng vốn lớn. Chúng ta cũng không giao cho tư nhân làm những việc lớn, đòi hỏi chất lượng, chuyên nghiệp cao như vậy. Việc họ làm đã chứng minh các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đã lớn mạnh, đủ tiềm lực tham gia vào những công trình lớn, những vấn đề lớn của nền kinh tế.
Nhiệm vụ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là phải nghiên cứu, đề xuất cho được chính sách, khuôn khổ pháp lý phù hợp, để thu hút nguồn lực này vào đầu tư cơ sở hạ tầng lớn. Chúng ta không thể dựa vào ngân sách Nhà nước nữa.
Chúng ta cũng phải giữ nguyên tắc những gì tư nhân làm được thì Nhà nước không nên làm. Nhà nước chỉ làm những cái gì mà tư nhân không làm được, không muốn làm. Đó là những công trình hạ tầng lớn, công ích thì Nhà nước mới làm, kể cả sân bay, đường cao tốc… nếu như chúng ta thấy tư nhân làm được thì để cho tư nhân làm.
Nhà nước cần tạo dựng khuôn khổ chính sách, tham gia đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp để có thể huy động được nguồn lực làm các dự án đó cho nền kinh tế.
- Vài năm gần đây, kinh tế tư nhân Việt Nam được xem là có bước nhảy vọt. Vậy, làm thế nào để phát triển kinh tế tư nhân và tận dụng họ để lan tỏa, cộng hưởng cho cả nền kinh tế?
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Vấn đề mấu chốt là khoa học và công nghệ. Các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay chậm phát triển, quy mô nhỏ, năng lực hấp thụ, năng lực nghiên cứu, khả năng mua, chuyển giao các công nghệ rất hạn chế. Từ đó, không có điều kiện để nâng cao trình độ của các doanh nghiệp Việt Nam.
Nhiệm vụ của Nhà nước là phải tạo dựng nên các hệ sinh thái, hỗ trợ nghiên cứu, kể cả cơ bản và ứng dụng, phục vụ đổi mới sáng tạo, giúp các doanh nghiệp tiếp cận những công nghệ mới. Tôi nghĩ đó là cách thức để các doanh nghiệp Việt Nam vươn lên ở tầm cao hơn.
- Gần đây có một số doanh nghiệp lớn của Việt Nam cũng đã chuyển hướng sang lĩnh vực công nghệ. Theo Bộ trưởng, Nhà nước sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp này như thế nào, đặc biệt trong vòng xoáy của cách mạng công nghiệp lần thứ tư?
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Đây là vấn đề rất hay, điển hình như Vingroup xuất phát điểm ban đầu là một tập đoàn dịch vụ và bất động sản giờ đã chuyển sang lĩnh vực công nghệ. Có doanh nghiệp tư nhân thì tự thành lập những trung tâm đổi mới sáng tạo, đi vào nghiên cứu các công nghệ. Họ cũng đang huy động nhân tài người Việt ở các nơi, các chuyên gia quốc tế về phối hợp với họ.
Đó là những bước đi rất lớn và Nhà nước hoàn toàn khuyến khích và ủng hộ. Nếu cần bất cứ điều gì để trở thành doanh nghiệp công nghệ hàng đầu, Nhà nước sẵn sàng hỗ trợ. Đổi mới công nghệ, nhất là trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tôi cho rằng, đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức và là một xu thế bắt buộc chúng ta phải làm, nhất là khi hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới.
Chính phủ cũng giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước hết phải xây dựng một chiến lược quốc gia về phát triển cách mạng công nghiệp lần thứ tư một cách bài bản, có một tầm nhìn, định hướng tốt. Qua đó, chúng ta có thể đi nhanh, bền vững hơn, tranh thủ tận dụng các cơ hội, tránh được các thách thức.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang hoàn thiện dự thảo cuối trước khi lấy ý kiến các Bộ, ngành. Sau khi tiếp thu các ý kiến, chúng tôi sẽ trình Chính phủ ban hành ngay trong năm nay để sớm triển khai. Bên cạnh đó, chúng tôi xác định phải làm ngay một hệ sinh thái về công nghệ. “Bàn tay của Nhà nước” sẽ hỗ trợ cho việc nghiên cứu khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, để hỗ trợ các doanh nghiệp. Tất nhiên, việc tận dụng công nghiệp 4.0 phải lấy doanh nghiệp làm chủ thể chứ không chỉ nghiên cứu ở viện, trường.
Để làm được điều đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang nghiên cứu xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo ở Hòa Lạc, Hà Nội. Tại đó việc nghiên cứu phải kết hợp giữa viện trường và doanh nghiệp, nghĩa là sản phẩm nghiên cứu phục vụ ngay nhu cầu của doanh nghiệp, chứ không phải chỉ nghiên cứu ra, không biết ai sử dụng.
Và để Việt Nam bứt phá trong thời gian tới, chúng tôi cho rằng Việt Nam cần hướng tới việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ, nỗ lực bắt kịp những tiến bộ công nghệ để không bị tụt hậu phía sau trong kỷ nguyên mới.
- Xin cám ơn ông!
Theo Vietnam+