Vốn đầu tư FDI vào Đà Nẵng tăng mạnh

.

Sau một thời gian dài thu hút đầu tư có phần giảm sút, đến đầu năm 2019, Đà Nẵng bắt đầu ghi nhận những tín hiệu tích cực từ dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) “rót” vào thành phố.

Đà Nẵng sẽ ưu tiên thu hút vốn FDI vào các ngành nghề kỹ thuật số, kỹ thuật nano, công nghiệp sinh học, vật liệu mới… TRONG ẢNH: Hoạt động sản xuất tại nhà máy công ty TNHH Tokyo Keiki Precision Technology, Khu Công nghệ cao Đà Nẵng). Ảnh: KHANG NINH
Đà Nẵng sẽ ưu tiên thu hút vốn FDI vào các ngành nghề kỹ thuật số, kỹ thuật nano, công nghiệp sinh học, vật liệu mới… TRONG ẢNH: Hoạt động sản xuất tại nhà máy công ty TNHH Tokyo Keiki Precision Technology, Khu Công nghệ cao Đà Nẵng).

Theo Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư, chỉ từ ngày 1 đến ngày 28-1, Đà Nẵng cấp mới 12 dự án FDI với tổng vốn cấp mới hơn 8,7 triệu USD, tăng hơn 13,3 lần so với cùng kỳ năm 2018. Bên cạnh đó, có 1 dự án tăng vốn thêm 30 triệu USD và 18 lượt nhà đầu tư nước ngoài đăng ký góp vốn, mua cổ phần hoặc phần vốn góp trong các tổ chức kinh tế, tổng vốn đăng ký mua đạt hơn 8,4 triệu USD, tăng hơn 17 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Kết quả này được xem là một sự đột phá trong công tác thu hút đầu tư, mà một trong những nhân tố đóng góp vào đó là việc chính quyền thành phố đã dành năm 2018 để tập trung giải quyết các vướng mắc lớn của các nhà đầu tư, doanh nghiệp (DN). Tại Tọa đàm mùa Xuân lần đầu tiên được tổ chức ở Đà Nẵng vào đầu tháng 3-2018, nhiều DN cho rằng khó khăn lớn nhất khi mở công ty ở Đà Nẵng là phải đi tìm mặt bằng kinh doanh, sản xuất. Quỹ đất ít ỏi, đất còn trống trong các khu công nghiệp (KCN) tương đối manh mún... khiến một số nhà đầu tư “chùn tay”, chọn cách chuyển hướng sang các địa phương khác.

Nhận diện rõ vấn đề, năm 2018, Đà Nẵng đã tổ chức rà soát tình hình sử dụng đất tại các KCN hiện có để thực hiện việc sắp xếp, thu hồi các dự án không triển khai hoặc sử dụng đất không hiệu quả để bố trí cho các nhà đầu tư khác có nhu cầu. Thành phố cũng triển khai đầu tư xây dựng các khu, cụm công nghiệp mới như: KCN Hòa Cầm giai đoạn 2, Hòa Nhơn, Cẩm Lệ, Hòa Ninh… Ngoài ra, Khu Công nghệ thông tin tập trung nằm bên cạnh Khu Công nghệ cao với 341ha đang khẩn trương hoàn thành các công việc cuối cùng để chính thức khánh thành và đưa vào hoạt động giai đoạn 1 với 131ha vào cuối tháng 3 tới.

Có mặt tại Đà Nẵng từ gần 10 năm trước, Công ty CP IF Việt Nam (tại Công viên Phần mềm Đà Nẵng) là một trong những DN công nghệ thông tin Nhật Bản tiên phong đầu tư tại thành phố. Ông Yanagida Bin, Giám đốc công ty cho biết, IF Việt Nam xây dựng các nhóm làm việc gồm nhân viên, kỹ sư website người địa phương, nhận đơn hàng và thực hiện yêu cầu trực tiếp từ khách hàng. “Nhật Bản và Đà Nẵng chỉ cách nhau khoảng 5 giờ bay. Đà Nẵng có môi trường tốt, biển đẹp, con người ở đây hiền lành, mộc mạc và đặc biệt là nguồn nhân lực tốt. Các kỹ sư công nghệ thông tin Đà Nẵng có tinh thần siêng năng, chăm chỉ và có thể cung cấp được những dịch vụ chất lượng cao”, ông Yanagida Bin nhận xét.

Cuối 2018, đầu 2019, Đà Nẵng chào đón sự xuất hiện của nhiều DN, hiệp hội, tổ chức DN nước ngoài lần đầu tiên có mặt tại thành phố. Điển hình như sự kiện Cơ quan Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Hàn Quốc (KOTRA) chính thức khai trương văn phòng đại diện ở Đà Nẵng vào cuối tháng 1-2019. Những năm gần đây, Hàn Quốc luôn nằm trong nhóm các quốc gia có dòng vốn đầu tư đổ vào Đà Nẵng cao nhất.

Ông Lee Sungnyung, Chủ tịch Văn phòng KOTRA Việt Nam tại Đà Nẵng nhận định, các DN Hàn Quốc đầu tư vào thành phố đang dịch chuyển theo xu hướng phát triển trọng tâm mà Đà Nẵng đề ra, trong đó chú trọng các lĩnh vực hạ tầng, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp thân thiện môi trường. KOTRA Đà Nẵng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc giúp các DN Hàn Quốc đang có mặt tại Đà Nẵng phát triển thành các DN hạt nhân, cường thịnh hơn nữa. Năm nay, số lượng DN Hàn Quốc đến Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng sẽ tăng nhiều.

Không chỉ thu hút các công ty Nhật Bản, Hàn Quốc…, Đà Nẵng cũng đang là lựa chọn của các DN mới do các doanh nhân Việt Nam kết hợp với các nhà đầu tư nước ngoài làm chủ. Thành lập tại Singapore từ giữa 2015, đến cuối 2018, Công ty TNHH Bespokify có mặt tại Đà Nẵng, chuyên cung cấp giải pháp công nghệ cho ngành may đo thời trang. Ông Nguyễn Thanh Trọng, Giám đốc công nghệ Công ty Bespokify chia sẻ: “Lý do chúng tôi chọn Đà Nẵng là vì có nguồn nhân lực công nghệ thông tin phù hợp, đáp ứng đủ về cả số lượng lẫn chất lượng. Trong khi đó, nếu xét về chất lượng cuộc sống và chi phí sinh hoạt, Đà Nẵng vẫn đang có ưu thế tương đối so với Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh”.

Nếu có thêm các ưu đãi về giá thuê đất, Đà Nẵng sẽ thu hút được nhiều doanh nghiệp công nghệ thông tin trong và ngoài nước. (Ảnh minh họa)
Nếu có thêm các ưu đãi về giá thuê đất, Đà Nẵng sẽ thu hút được nhiều doanh nghiệp công nghệ thông tin trong và ngoài nước. (Ảnh minh họa)

Qua quá trình tìm hiểu thị trường Đà Nẵng để chọn địa điểm đặt văn phòng, ông Trọng nhận thấy nhiều DN nhỏ vẫn gặp khó khăn trong việc lựa chọn mặt bằng. “Tôi mong muốn Đà Nẵng tạo thêm nhiều điều kiện cho các công ty trong lĩnh vực công nghệ thông tin được thuê đất với giá ưu đãi. Nếu được như vậy, tôi tin chắc Đà Nẵng sẽ là lựa chọn hàng đầu của các nhà đầu tư trong và ngoài nước trong lĩnh vực này”, ông Trọng nói.

Trong Kế hoạch thu hút đầu tư năm 2019 của thành phố, Đà Nẵng sẽ tiếp tục kết nối, giữ mối quan hệ hợp tác với các tổ chức quốc tế như: KOTRA, Cơ quan Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KORCHAM), Phòng Thương mại và Công nghiệp châu Âu (EUROCHAM)... để đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư tại các thị trường tiềm năng. Đồng thời, tiếp cận nhiều nhà đầu tư chiến lược để giới thiệu các cơ hội đầu tư trong các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, giáo dục, y tế, công nghệ thông tin…; trao đổi các thông tin cụ thể về các dự án đầu tư tiềm năng. Theo chương trình, Đà Nẵng sẽ ưu tiên thu hút vốn FDI vào các ngành nghề kỹ thuật số, kỹ thuật nano, công nghiệp sinh học, vật liệu mới… Do đó, chủ trương của thành phố là sẽ tập trung tiếp cận và mời gọi các nhà đầu tư đa quốc gia, chủ yếu từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Úc và châu Âu.

Tập đoàn UAC đầu tư 170 triệu USD sản xuất linh kiện máy bay

Ngày 26-2, Văn phòng UBND thành phố cho biết, ngay trước thềm Tọa đàm mùa Xuân 2019, có hàng loạt các dự án được thành phố chấp thuận đầu tư với giá trị đầu tư lớn cho sản xuất công nghiệp.

Theo đó, tại Khu Công nghệ cao Đà Nẵng, Tập đoàn UAC (Universal Alloy Corporation) là nhà sản xuất linh kiện máy bay hàng đầu thế giới đầu tư 170 triệu USD để sản xuất thân máy bay và động cơ Rolls Royce. Theo Tập đoàn UAC, tại Đà Nẵng, tập đoàn sẽ sản xuất 4.000 chi tiết/5 triệu chi tiết máy bay các loại để xuất khẩu trong thị trường hàng không với mục tiêu vào năm 2021 đạt giá trị xuất khẩu 25 triệu USD, nâng lên 85 triệu USD vào năm 2022 và tạo ra giá trị xuất khẩu trên 180 triệu USD mỗi năm (từ sau năm 2026).

UAC cũng có kế hoạch tuyển dụng 1.200 lao động tay nghề cao về lĩnh vực cơ khí, điện, tự động hóa…; đồng thời, phát triển chuỗi sản xuất về ngành công nghiệp hỗ trợ với việc thu hút trên 2.000 lao động khác.

UBND thành phố có chủ trương chấp thuận Công ty TNHH TCIE Việt Nam điều chỉnh dự án đầu tư với việc tăng vốn từ 100 triệu USD lên 150 triệu USD. Đây là dự án sản xuất lắp ráp ô-tô tại Khu Công nghiệp Hòa Khánh và đã hoạt động từ năm 2009. Việc tăng vốn đầu tư này nhằm bổ sung phương án sản xuất theo hướng thiết kế, sản xuất, lắp ráp ô-tô của TCIE. Cụ thể, đối với xe chở khách các loại với quy mô từ 500 chiếc/năm và nâng dần công suất lên 12.000 chiếc/năm; ô-tô tải và bán tải có công suất từ 2.400 chiếc/năm lên 7.200 chiếc/năm; ô-tô du lịch - thể thao từ 5.000 chiếc/năm lên 10.000 chiếc/năm; tiếp tục sản xuất ô-tô thương hiệu Nissan SUV từ 4.000 chiếc/năm lên 4.800 chiếc/năm. Để hỗ trợ đầu tư sản xuất, doanh nghiệp sẽ được thành phố giao thêm diện tích mặt bằng sản xuất từ 12,9ha lên 28,4ha.

TRIỆU TÙNG

Bài và ảnh: PHONG LAN

;
;
.
.
.
.
.