Chuẩn bị giai đoạn phát triển mới

.

Bước vào năm 2019, nhất là sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, ngành du lịch Đà Nẵng nhanh chóng đặt ra những mục tiêu thiết thực nhằm thúc đẩy du lịch có nhiều bứt phá hơn trong thời gian tới. Trên cơ sở đó, lãnh đạo Sở Du lịch cũng như các doanh nhân, doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực này đã có những chia sẻ, đóng góp đầy kỳ vọng và trách nhiệm.

Đà Nẵng cần có thêm các sản phẩm để thu hút khách du lịch. Trong ảnh: Hoạt động thể thao biển cần được nâng tầm quốc tế. Ảnh: THU HÀ
Đà Nẵng cần có thêm các sản phẩm để thu hút khách du lịch. Trong ảnh: Hoạt động thể thao biển cần được nâng tầm quốc tế. Ảnh: THU HÀ

Ông Ngô Quang Vinh, Giám đốc Sở Du lịch thành phố: Tập trung hình thành một số dịch vụ, điểm đến mới

Năm 2019, ngành du lịch Đà Nẵng đặt ra kỳ vọng đón 8,19 triệu lượt khách, tăng 6,9% so với năm 2018, trong đó có 3,19 triệu lượt khách quốc tế, tăng 11% so với năm 2018 và 5 triệu lượt khách nội địa, tăng 4,5% so với năm 2018. Tổng thu từ du lịch ước đạt 27.400 tỷ đồng, tăng 13,9% so với năm 2018.

Đặc biệt, với việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TW, Sở Du lịch đã đề xuất UBND thành phố nhiều nội dung mang tính định hướng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho du lịch Đà Nẵng tiếp tục phát triển trong tình hình mới.

Cụ thể như: xây dựng đề án Cơ cấu lại ngành du lịch thành phố Đà Nẵng và đề án Xác định ngưỡng phát triển du lịch thành phố; thành lập Quỹ xúc tiến du lịch thành phố Đà Nẵng nhằm hỗ trợ phát triển sản phẩm du lịch mới, xúc tiến quảng bá, tổ chức sự kiện thu hút khách, đào tạo nguồn nhân lực; triển khai Kế hoạch phát triển điểm đến, sản phẩm dịch vụ trên tuyến du lịch đường thủy nội địa thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2019 -2021, trong đó tập trung hình thành một số dịch vụ, điểm đến để phát triển du lịch đường thủy; xúc tiến triển khai phố đi bộ tuyến đường Trần Hưng Đạo và tuyến đường Bạch Đằng nối dài; đề án Phát triển du lịch cộng đồng tại bãi biển Thọ Quang-  Mân Thái, Sơn Trà...

Ngành du lịch đề xuất UBND thành phố trình Ban Thường vụ Thành ủy về đề án Xác định ngưỡng phát triển du lịch thành phố nhằm khai thác có hiệu quả và bền vững ngành du lịch thành phố...; phát triển du lịch gắn với bất động sản nghỉ dưỡng, phát triển du lịch M.I.C.E...

Với những mục tiêu này, chúng tôi kỳ vọng du lịch Đà Nẵng sẽ có những đột phá mới trong năm 2019 cũng như thời gian tới; đồng thời cũng tạo áp lực để ngành du lịch nỗ lực và phấn đấu hơn nữa nhằm cùng với thành phố tận dụng hiệu quả những lợi thế từ Nghị quyết số 43/NQ/TW để tăng tốc trong giai đoạn mới.

Ông Lê Tấn Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Du lịch Việt Nam (Vitours): Thu hút đầu tư, nhất là những dự án lớn trọng điểm và du lịch xanh

Theo tôi, trong năm 2019 và những năm tới, thành phố và ngành du lịch cần tiếp tục phát triển hơn, có chính sách hỗ trợ duy trì lâu dài đường bay đến các thị trường trọng điểm hiện có như các nước trong khu vực ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Đông... và mở rộng đến Australia và Ấn Độ; đồng thời, kiểm soát tốt về môi trường du lịch nhằm bảo đảm ngày càng phát triển và lành mạnh hơn; nhất là cần có biện pháp mạnh hạn chế tình trạng thất thu thuế, tăng nguồn thu cho ngân sách; khuyến khích thành lập doanh nghiệp hoặc mở chi nhánh kinh doanh lữ hành lĩnh vực inbound; nhanh chóng thành lập lực lượng cảnh sát Du lịch...

Đặc biệt, muốn phát triển du lịch bền vững, cần tăng cường kiểm soát và hạn chế thấp nhất tình trạng xả nước thải trực tiếp ra bờ biển; giữ và tôn tạo những điều kiện tự nhiên, nhất là khu vực bán đảo Sơn Trà, đèo Hải Vân, Bà Nà và danh thắng Ngũ Hành Sơn; đẩy mạnh thu hút đầu tư, nhất là những dự án lớn trọng điểm và du lịch xanh; nhanh chóng xây dựng để hình thành cảng Tàu biển du lịch kết hợp Thủy phi cơ ở cảng Tiên Sa.

Ngành du lịch cần làm mới điểm đến, nâng cao chất lượng đội ngũ nhân lực... đáp ứng yêu cầu giai đoạn phát triển mới.  						Ảnh: KHÁNH HÒA
Ngành du lịch cần làm mới điểm đến, nâng cao chất lượng đội ngũ nhân lực... đáp ứng yêu cầu giai đoạn phát triển mới. Ảnh: KHÁNH HÒA

Ngoài ra, cần xúc tiến sân bay Đà Nẵng trở thành sân bay trung chuyển quốc tế của khu vực từ năm 2020; nhanh chóng hoàn chỉnh, mở rộng các tuyến đường lên các khu du lịch Núi Thần Tài, Hòa Bắc; phối hợp tỉnh Quảng Nam đề xuất Chính phủ để triển khai nhanh hạ tầng đường đến cửa khẩu quốc tế Đắc Ốc để kết nối Đà Nẵng - Quảng Nam đến Lào - Thái Lan - Campuchia; tổ chức hội chợ du lịch quốc tế nhằm tạo cơ hội cho cộng đồng doanh nghiệp du lịch tiếp xúc trực tiếp với đối tác, khách hàng và công tác truyền thông điểm đến hiệu quả.

Thành phố cần thành lập Trung tâm thẩm định nghề du lịch nhằm góp phần nâng cao năng lực của đội ngũ nhân lực, chất lượng đào tạo nghề du lịch; nâng cao vai trò quyền hạn của Sở Du lịch, nhất là những quyền liên quan đến có ý kiến ban đầu của việc cấp phép đầu tư các dự án liên quan đến hoạt động du lịch.  

Ông Nguyễn Đức Quỳnh, Phó Tổng Giám đốc Điều hành Furama Resort Đà Nẵng: Điều chỉnh cơ cấu nguồn khách

Thách thức của du lịch Đà Nẵng hiện tại, theo tôi chính là mất cân đối về cơ cấu nguồn khách. Có thể thấy, 70% khách của thành phố Đà Nẵng hiện đang đến từ 3 thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản; khách nội địa vẫn chủ yếu đến từ Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

Sự thiếu hài hòa này về nguồn khách khiến môi trường du lịch của Đà Nẵng rất dễ rơi vào sự bấp bênh và dễ bị tác động trước những biến động liên quan đến các vấn đề chính trị. Bên cạnh đó, nguồn khách tăng, nhưng chủ yếu vẫn ở dòng khách tầm trung và thấp với mức chi tiêu không lớn, trong khi Đà Nẵng vẫn chưa có những sản phẩm du lịch độc đáo để du khách phải móc hầu bao.

Để cân bằng nguồn khách, ngành du lịch cần đẩy mạnh tổ chức các chương trình xúc tiến du lịch ở những thị trường khác như: châu Âu, Mỹ, Australia, đặc biệt là các nước ASEAN. Thị trường ASEAN sẽ cung cấp đa dạng các loại hình khách du lịch, đáp ứng các loại hình lưu trú không chỉ dành riêng cho hạng 4-5 sao mà còn cả từ 1-3 sao, qua đó sẽ điều hòa được lượng khách cho các cơ sở lưu trú khi Đà Nẵng đang trong tình trạng nguồn cung lưu trú tăng nhanh trong thời gian qua.

Thành phố cần định hình rõ nét các loại hình du lịch thế mạnh của mình, ví dụ như: du lịch y tế, du lịch sinh thái, du lịch khám phá và du lịch MICE. Đồng thời, gấp rút cho ra đời Phố đi bộ đủ lớn ngay trung tâm thành phố Đà Nẵng, đề xuất không gian là từ cầu Rồng đi theo dọc sông Hàn phía tây rồi sang cầu Nguyễn Văn Trỗi.

Phát triển du lịch biển đảo với việc kêu gọi đầu tư điểm đến du lịch tại khu vực phía nam Hải Vân như làng Vân và vệt núi phía đông - nam (tuy nhiên, cần giải quyết vướng mắc về ranh giới với Thừa Thiên Huế); du lịch đường sông và du lịch sinh thái - văn hóa bản địa tại xã Hòa Bắc.

 HOÀNG LINH ghi

;
;
.
.
.
.
.