Chung tay cho "Năm tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư 2019"

.

Tại Tọa đàm mùa Xuân 2019, nhiều chuyên gia, doanh nhân trong và ngoài nước tham gia bàn thảo, đóng góp rất thiết thực cho Đà Nẵng trong lĩnh vực thu hút đầu tư. Báo Đà Nẵng xin giới thiệu một số ý kiến tâm huyết về vấn đề này .

TS. Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Chính phủ: Đà Nẵng phải nâng tầm từ vị trí hạt nhân vùng lên hạt nhân của cả nước

Nghị quyết số 43/NQ-TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045 yêu cầu Đà Nẵng phải nâng cao vị thế hạt nhân từ miền Trung thành hạt nhân của cả nước. Như vậy, dư địa phát triển của Đà Nẵng là rất lớn, đây là động lực cho các nhà đầu tư hướng tới. Đối với lĩnh vực du lịch gắn với bất động sản nghỉ dưỡng, việc hình thành chuỗi đô thị- ít nhất là từ khu vực Nam Ô, quận Liên Chiểu (Đà Nẵng) đến Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam) là rất quan trọng, mang tính hỗ tương cho sự phát triển của Đà Nẵng.

Việc Đà Nẵng lấy Khu Công nghệ cao làm trung tâm khởi nghiệp sáng tạo, gắn với công nghệ cao, công nghệ thông tin là điểm đột phá để khẳng định vai trò của Đà Nẵng trong tương lai đối với kinh tế vùng và kinh tế cả nước… Tuy nhiên, để làm được điều này, Đà Nẵng cần chú trọng 3 điểm trong cơ chế quản lý phát triển. Thứ nhất, phải có cơ chế phân cấp, phân quyền giữa Trung ương và địa phương rõ ràng, minh bạch trong tất cả các lĩnh vực. Thứ hai, xây dựng mô hình cơ quan quản lý cảng thống nhất, kết hợp tốt giữa chính quyền và doanh nghiệp để phát triển cảng Liên Chiểu. Thứ ba, tạo dựng chính quyền đô thị phù hợp với chức năng của Đà Nẵng, từ đó nâng cao năng lực hỗ trợ nhà đầu tư, phát triển kinh tế.

Ông Trần Hồng Sơn, Tổng Giám đốc Công ty CP Long Hậu: Chủ trương đầu tư công nghiệp hỗ trợ là hợp lý

Đà Nẵng xây dựng 1 phân khu công nghiệp hỗ trợ ngay trong khuôn viên Khu Công nghệ cao (CNC) là việc làm rất cần thiết. Công ty CP Long Hậu đã triển khai dự án đầu tiên tại phân khu này với vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng, cung cấp hạ tầng nội khu, nhà xưởng xây sẵn, nhà xưởng xây theo yêu cầu và dịch vụ hỗ trợ nhà đầu tư hoàn chỉnh. Để nâng cao hiệu quả thu hút đối với Khu CNC Đà Nẵng, chúng tôi đề nghị thành phố cân nhắc tỷ lệ tăng giá thuê đất và hệ số điều chỉnh phù hợp, giảm bớt áp lực chi phí cho các nhà sản xuất quy mô nhỏ.

Ông Takizawa Satoru, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Đà Nẵng: Cần chú trọng cơ sở hạ tầng, không gian làm việc và nguồn nhân lực

Có 3 vấn đề Đà Nẵng cần xử lý để tạo thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư, đặc biệt là các doanh nghiệp Nhật Bản. Thứ nhất, cần hoàn thiện hơn nữa cơ sở hạ tầng, nhất là trong bối cảnh Đà Nẵng đang phát triển và mở rộng liên tục. Thứ hai, cần tạo thêm không gian hoạt động cho các doanh nghiệp sản xuất, công nghệ thông tin, dịch vụ. Thứ ba, cần kiến tạo thêm nguồn nhân lực bằng cách liên kết các cơ quan giáo dục, xây dựng nhiều chương trình đào tạo.

Ông Lee Jiunn Shyan, Tổng Giám đốc Công ty TNHH TCIE Việt Nam: Đánh giá cao sự hỗ trợ của chính quyền Đà Nẵng

Việc đầu tư sản xuất ô-tô tại Đà Nẵng không chỉ nhằm mục tiêu đạt được hiệu quả kinh doanh mà còn là mong muốn của Tập đoàn Tan Chong (Malaysia) đóng góp vào sự thịnh vượng và phát triển kinh tế-xã hội của thành phố và người dân Đà Nẵng. Trong thời gian gần đây, với sự thay đổi các chính sách, quy định liên quan đến ngành công nghiệp ô-tô, TCIE Việt Nam phải đối mặt với một số thách thức và khó khăn cũng như ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án đầu tư của mình. Song, chúng tôi đánh giá cao sự quan tâm hỗ trợ mạnh mẽ từ chính quyền thành phố đã hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp, lắng nghe những khó khăn, từ đó kịp thời hỗ trợ giải quyết các vướng mắc. Chúng tôi hy vọng sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính quyền địa phương để các nhà đầu tư có thể an tâm đầu tư tại thành phố Đà Nẵng.

KHANG NINH – KHÁNH HÒA (thực hiện)

;
;
.
.
.
.
.