Chương trình Tọa đàm Mùa Xuân 2019

Thiết lập môi trường đầu tư minh bạch và trong sạch

.

Ngày 1-3, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Trương Quang Nghĩa chủ trì chương trình Tọa đàm mùa Xuân 2019 do Thành ủy, HĐND, UBND thành phố tổ chức.

Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa (thứ 2, từ phải sang) trao đổi với các đại biểu bên lề Tọa đàm mùa Xuân 2019.Ảnh: ĐẶNG NỞ
Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa (thứ 2, từ phải sang) trao đổi với các đại biểu bên lề Tọa đàm mùa Xuân 2019.Ảnh: ĐẶNG NỞ

Tham dự có Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu; Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Kunio Umeda; đại diện các cơ quan ngoại giao Hàn Quốc, Nga, Tây Ban Nha và 500 đại biểu đến từ các bộ, ngành Trung ương và địa phương, các doanh nhân, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước...

Về phía lãnh đạo thành phố có: Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Nho Trung.

Cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư đóng vai trò rất lớn

Phát biểu khai mạc tọa đàm, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ cho biết, năm 2018, kinh tế thành phố Đà Nẵng tiếp tục tăng trưởng, trong đó khối doanh nghiệp (DN) tư nhân đã đóng góp 65-70% tổng vốn đầu tư toàn xã hội; giải quyết việc làm cho hơn 32.700 lao động. Trong “Năm đẩy mạnh thu hút đầu tư 2018”, thành phố đã tiếp nhận và xử lý 294 kiến nghị, vướng mắc của cộng đồng DN, doanh nhân, trong đó có 134 kiến nghị, đề xuất tại Tọa đàm mùa Xuân; 78 đề xuất, hiến kế tại hội nghị nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và 82 kiến nghị, vướng mắc gửi đến các sở, ngành có liên quan. Thành phố đã có văn bản trả lời thỏa đáng cũng như gặp gỡ trực tiếp nhằm gỡ vướng cho DN.

Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ trao đổi với các đại biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: ĐẶNG NỞ
Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ trao đổi với các đại biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: ĐẶNG NỞ

Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ khẳng định: “Những thành quả mà thành phố Đà Nẵng đã đạt được có phần đóng góp rất lớn của cộng đồng DN. Tôi tin tưởng rằng, cộng đồng doanh nhân, DN tại thành phố Đà Nẵng đã, đang và sẽ tiếp tục nỗ lực phấn đấu, chung tay cùng với chính quyền thành phố để xây dựng phát triển Đà Nẵng trở thành một đô thị sinh thái và thông minh, trung tâm khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, một thành phố đáng sống và đáng đến đầu tư”.

Theo đó, năm 2019 có ý nghĩa quyết định quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XXI của Đảng bộ thành phố, là năm bản lề để triển khai Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045. Trong bối cảnh đó, Đà Nẵng chọn chủ đề năm 2019 là “Năm tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư” để tập trung rà soát, điều chỉnh quy hoạch chung của thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 và chỉ đạo quyết liệt, rốt ráo nhằm tạo thuận lợi cho việc triển khai các dự án lớn, trọng điểm, có tác động mạnh mẽ đến sự phát triển kinh tế-xã hội của thành phố.

Phát biểu tại tọa đàm, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho rằng, Tọa đàm mùa Xuân là sáng kiến tích cực nhằm tập hợp các ý kiến, kiến nghị hiệu quả góp phần giúp thành phố Đà Nẵng hoàn thiện về nội dung và tính khả thi trong kế hoạch hành động của thành phố. Trong giai đoạn phát triển mới, Đà Nẵng cần quan tâm đến việc cụ thể hóa được quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển thành phố theo tinh thần của Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị; tạo lập được một không gian phát triển tổng thể, bố trí các khu chức năng đô thị đáp ứng được yêu cầu phát triển cũng như bảo đảm đời sống cho người dân, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; phát triển nhưng cần có bản sắc riêng; tập hợp các ý kiến, trí tuệ của chuyên gia, DN, nhà khoa học và nhân dân vào phát triển thành phố. Bộ Xây dựng sẽ hỗ trợ tối đa cho thành phố trong quy hoạch và phát triển.

“Trong những năm qua, Đà Nẵng đã đạt được kết quả phát triển tích cực và trở thành đô thị đứng tốp đầu của cả nước. Với sự quyết tâm, dám làm, dám hành động, Đà Nẵng sẽ sớm trở thành đô thị có cực tăng trưởng lớn, có tầm vóc trong nước và quốc tế”, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà nhìn nhận.

Trong những năm qua, Đà Nẵng đã đạt được kết quả phát triển tích cực và trở thành đô thị đứng tốp đầu của cả nước. Với sự quyết tâm, dám làm, dám hành động, Đà Nẵng sẽ sớm trở thành đô thị có cực tăng trưởng lớn, có tầm vóc trong nước và quốc tế

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà

Về kế hoạch thực hiện “Năm tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư 2019”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh cho biết, sẽ xoay quanh 5 nội dung:

(1) Về hoàn thiện cơ chế, chính sách, thành phố sẽ triển khai thực hiện điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố đến năm 2030, tầm nhìn 2045;

(2) Xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng; đẩy nhanh triển khai các thủ tục thành lập, chuẩn bị đầu tư một số cụm công nghiệp, khu nông nghiệp công nghệ cao, kêu gọi nhà đầu tư vào khu nông nghiệp công nghệ cao, các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hòa Phú, Hòa Khương;

(3) Chuẩn bị thủ tục, xúc tiến các dự án trọng điểm;

(4) Đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến đầu tư;

(5) Hỗ trợ các nhà đầu tư tại chỗ một cách hiệu quả, đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, giải quyết các thủ tục đầu tư nhanh gọn, kịp thời.

Với 127 DN đang hoạt động đầu tư tại Đà Nẵng, Nhật Bản là quốc gia có mối quan hệ mật thiết với thành phố trong hợp tác ở tất cả các lĩnh vực xây dựng, giáo dục, sản xuất… Chính vì điều này mà Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Umeda Kunio nhìn nhận rằng, đối với Nhật Bản, Đà Nẵng không chỉ quan trọng về du lịch và đầu tư mà còn từ góc độ chiến lược. 

Hiện nay, đôi bên đang hợp tác để cùng giải quyết vấn đề thiếu hụt lao động trầm trọng của Nhật Bản, tăng cường giảng dạy tiếng Nhật và xây dựng nhà vệ sinh công cộng tại Đà Nẵng. Quốc hội Nhật Bản đang xem xét ngân sách việc thành lập Văn phòng Lãnh sự Nhật Bản tại Đà Nẵng. Nếu được phê duyệt, Chính phủ Nhật Bản sẽ thành lập Văn phòng Lãnh sự tại Đà Nẵng vào tháng 1-2020, qua đó sẽ giúp tăng cường hợp tác trong lĩnh vực du lịch và đầu tư giữa Nhật Bản và Đà Nẵng. 

Lãnh đạo thành phố chứng kiến lễ ký kết hợp đồng lựa chọn nhà thầu tư vấn.
Lãnh đạo thành phố chứng kiến lễ ký kết hợp đồng lựa chọn nhà thầu tư vấn.

Đại diện đơn vị được Đà Nẵng lựa chọn thực hiện Đề án điều chỉnh quy hoạch chung của thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, ông Philip Tan, Giám đốc điều hành Tập đoàn Quy hoạch Surbana Jurong (Singapore) nêu rõ, một trong những yêu cầu hiện nay của Đà Nẵng là phải thu hút dân cư, xây dựng nhà ở, cung cấp cơ hội việc làm để phát triển và cạnh tranh; từ đó sẽ xuất hiện các nhu cầu về cơ sở hạ tầng, thúc đẩy quá trình đô thị hóa. Do đó, việc lập quy hoạch và cấu trúc của đô thị cần được cân nhắc để có thể cải thiện sự hội nhập, tính kết nối, hiệu quả và giá trị đất. Để phù hợp với tầm nhìn của thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2030-2045, Surbana Jurong xác định, ưu tiên số 1 là phát triển quy hoạch tổng thể của Đà Nẵng nhằm tạo ra các vùng đô thị thông minh và bền vững, có khả năng chống chịu, thích ứng và hỗ trợ cho các mục tiêu và thời gian của các bên liên quan. Trong đó, 3 thành tố quan trọng là: đổi mới sáng tạo, công nghệ và tính bền vững.

Nhiều tập đoàn lớn trong nước mong muốn đầu tư vào Đà Nẵng

Ông Jonathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương, nhà phân phối 102 thương hiệu thời trang nổi tiếng trên thế giới, bày tỏ sự quan tâm đối với việc mở một trung tâm thương mại chuyên kinh doanh các mặt hàng giảm giá của các thương hiệu lớn trên thế giới nhằm kích thích nhu cầu mua sắm của người dân, khách du lịch. Tuy nhiên, ông Jonathan Hạnh Nguyễn cũng đề cập, do vướng mắc trong tìm kiếm mặt bằng nên mặc dù đã qua 3 năm khảo sát, tập đoàn vẫn chưa thể xây dựng được một khu trung tâm mua sắm lớn tại thành phố.

Bên cạnh đó, theo ông Jonathan Hạnh Nguyễn, Đà Nẵng cần quy hoạch đầu tư nhà ga T3 tại sân bay quốc tế Đà Nẵng có tầm nhìn xa hơn đến năm 2045 nhằm đón đầu lượng khách du lịch tăng mạnh qua từng năm. “Chúng tôi chờ đợi để có thể đầu tư vào Đà Nẵng, vì nhìn thấy tiềm năng lớn của thành phố này trong tương lai”, ông Jonathan Hạnh Nguyễn nói. 

Bày tỏ sự quan tâm đối với vấn đề môi trường tại Đà Nẵng, ông Huỳnh Uy Dũng, Chủ tịch Tập đoàn Đại Nam cho hay, để giải quyết các tồn tại của môi trường và hướng tới mục tiêu “Thành phố môi trường”, Đà Nẵng cần có các dự án khả thi trên cơ sở quy hoạch tổng thể và một nguồn lực đầu tư lớn, đặc biệt là từ nguồn xã hội hóa. Ông Dũng cho biết, Công ty CP Xử lý nước thải Hằng Hữu Huỳnh do ông làm chủ có đủ nguồn lực lớn về tài chính, sẵn sàng đáp ứng để triển khai các dự án một cách đồng bộ. Trong thời gian tới, công ty sẽ dành khoảng 10.000 tỷ đồng tập trung xử lý nước thải cả nước, trong đó có đầu tư vào Đà Nẵng.

Trong khuôn khổ chương trình Tọa đàm mùa Xuân 2019, UBND thành phố trao giấy chứng nhận đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư cho 8 dự án với tổng vốn đầu tư gần 500 triệu USD; trao thông báo cho nghiên cứu đầu tư dự án với tổng vốn gần 3,5 tỷ USD.

Quyết tâm thiết lập môi trường đầu tư minh bạch và trong sạch

Phát biểu bế mạc Tọa đàm mùa Xuân 2019, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa đánh giá cao vai trò, những đóng góp cũng như những ý kiến tham gia đầy trách nhiệm, chất lượng của các hiệp hội, DN, nhà đầu tư đối với sự phát triển kinh tế-xã hội thành phố. Những ý kiến này sẽ được tổng hợp và xem xét kỹ càng, làm tiền đề để lãnh đạo thành phố nhìn nhận về những kết quả bước đầu đạt được cũng như đề ra những việc cần phải làm để thực hiện có hiệu quả chủ trương “Năm tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư 2019”; ban hành các chính sách cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội thành phố thời gian đến.

Bên cạnh những kết quả đạt được, thành phố vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức to lớn: quy mô kinh tế còn nhỏ bé, chỉ chiếm 1,55% GDP cả nước; thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài mới chủ yếu ở lĩnh vực dịch vụ, du lịch, chưa có nhiều dự án công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin theo định hướng của thành phố; kết cấu hạ tầng đô thị còn thiếu đồng bộ, kết nối; vai trò là đô thị trung tâm, đầu tàu, động lực dẫn dắt phát triển kinh tế-xã hội của miền Trung-Tây Nguyên còn khá mờ nhạt. Vấn đề về tổ chức bộ máy, kỷ luật, kỷ cương hành chính-nhất là trên các lĩnh vực liên quan đến đất đai, DN, là nguyên nhân của những trì trệ, ách tắc, ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh và cả niềm tin của nhà đầu tư, DN.

Các đại biểu bàn thảo về công tác đầu tư vào Đà Nẵng.
Các đại biểu bàn thảo về công tác đầu tư vào Đà Nẵng.

Hiện nay, thành phố đang tập trung tháo gỡ và xem đây không chỉ là giải quyết khó khăn, vướng mắc mà qua đó, khơi thông nguồn lực từ đất đai để DN và thành phố đầu tư phát triển.

Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa thông tin đến các DN, nhà đầu tư rằng, với việc ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019, Bộ Chính trị định hướng xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó, tập trung phát triển thành phố trên 3 trụ cột chính: du lịch, công nghiệp công nghệ cao, kinh tế biển; chú trọng đầu tư 5 lĩnh vực mũi nhọn: du lịch và dịch vụ chất lượng cao gắn với bất động sản nghỉ dưỡng; cảng biển, hàng không gắn với dịch vụ logistics; công nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng đô thị sáng tạo, khởi nghiệp; công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông gắn với nền kinh tế số; sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao và ngư nghiệp.

Bộ Chính trị cũng cho phép Đà Nẵng thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù theo thẩm quyền. Tất cả những điều này hứa hẹn sẽ tạo cơ hội, động lực phát triển kinh tế, xây dựng khu vực kinh tế tư nhân lớn mạnh, làm cho lợi ích của chính quyền, người dân và DN đan xen, gắn kết và trở thành “dòng chảy” chủ đạo trong các quyết sách của thành phố. Đây cũng là lý do quan trọng mà Thành ủy Đà Nẵng quyết định chọn năm 2019 là “Năm tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư”.

Theo báo cáo kết quả công tác thu hút đầu tư năm 2018 tại Tọa đàm mùa Xuân 2019, lũy kế đến ngày 31-12-2018 trên địa bàn thành phố đã có 322 dự án trong nước được cấp quyết định chủ trương đầu tư với tổng vốn đầu tư là 95.876 tỷ đồng và 688 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký 3.014,69 triệu USD. Thành phố đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 6 dự án đầu tư trong nước, tổng vốn đầu tư hơn 6.340 tỷ đồng; có 135 dự án FDI được cấp mới, tổng vốn đầu tư đăng ký trên 285,8 triệu USD, tăng trên 235,6% so với cùng kỳ năm 2017.

Tiếp thu các ý kiến đóng góp tại tọa đàm, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa đề nghị lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương tập trung giải quyết một số vấn đề quan trọng gồm: Thứ nhất, làm tốt công tác điều chỉnh Quy hoạch chung Đà Nẵng nhằm định vị được Đà Nẵng ở đâu trong khu vực và quốc tế; kết nối Đà Nẵng với địa phương khác trong nước và quốc tế, đồng thời đưa ra tầm nhìn, giải pháp và động lực mới cho sự phát triển nhanh, nhưng ổn định và bền vững của Đà Nẵng; nghiêm túc rà soát, có hướng khắc phục những tồn tại đối với từng khu công nghiệp, quy hoạch các nhóm ngành cần thu hút, khẩn trương tìm kiếm nhà đầu tư hạ tầng để đáp ứng kịp thời nhu cầu của nhà đầu tư.

Thành phố tiếp tục minh bạch và công khai quy hoạch các vị trí đất đang thu hút đầu tư; rà soát và nhìn nhận lại về chất lượng  nguồn lao động, có kế hoạch dự báo cụ thể và chủ động tạo nguồn lao động; rà soát lại một cách thực chất các chỉ số về môi trường đầu tư, kinh doanh. Thành phố tiếp tục xây dựng hệ thống đánh giá cao hơn, bám sát các tiêu chí quốc tế, bảo đảm chắc chắn rằng, vị trí cao của Đà Nẵng trên cả nước hiện nay thực sự xứng đáng và đã tạo môi trường kinh doanh, đầu tư thuận lợi nhất cho DN và được DN tin cậy.

Năm 2019, thành phố quyết tâm triển khai các chương trình hành động cụ thể để xây dựng và thiết lập một môi trường đầu tư thật sự minh bạch và trong sạch; đồng thời đẩy mạnh hỗ trợ đối với các DN đang đầu tư tại thành phố Đà Nẵng, không chỉ đối với các nhà đầu tư lớn, chiến lược mà còn đối với các DN nhỏ và vừa, tập trung khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, phát triển trở thành các DN lớn, đủ sức cạnh tranh và hội nhập quốc tế trong thời gian đến.

Việc làm thiết thực đầu tiên là thành phố tập trung nâng cao các chỉ số quan trọng có dấu hiệu chững lại hoặc giảm điểm như: chỉ số tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất; chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng; tính minh bạch và tiếp cận thông tin. Đối với những vấn đề vượt quá thẩm quyền giải quyết, thành phố phải báo cáo các bộ, ngành Trung ương trong thời gian sớm nhất. “Không chỉ giới hạn trong buổi tọa đàm hôm nay, thành phố sẽ duy trì các kênh thông tin, đặc biệt các cuộc làm việc, trao đổi với các hiệp hội DN, các nhà đầu tư sẽ được tăng cường; chúng ta không thể để thời gian trôi qua một cách lãng phí, vô ích nhằm hướng đến mục tiêu xây dựng hình ảnh một Đà Nẵng thân thiện, năng động, hiện đại và sáng tạo”, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa nhấn mạnh.

Đà Nẵng quy hoạch và quản lý quy hoạch tốt nhất cả nước

* Bộ Kế hoạch và Đầu tư ưu tiên vốn đầu tư hạ tầng Khu Công nghệ cao

Trong khuôn khổ Tọa đàm mùa Xuân 2019, chiều 1-3, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa làm việc với Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà.

Trao đổi về tình hình quản lý quy hoạch và đầu tư xây dựng tại Đà Nẵng, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa kiến nghị với Bộ trưởng Bộ Xây dựng một số vấn đề liên quan đến lĩnh vực xây dựng còn khó khăn và vướng mắc hiện nay tại Đà Nẵng như: những quy định về đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách Nhà nước trong trường hợp Nhà nước giao đất, cho thuê đất, quy định pháp luật về thực hiện công tác quản lý Nhà nước đối với dự án đầu tư căn hộ khách sạn (condotel), những vướng mắc tại một số nghị định liên quan đến công tác giải quyết bồi thường thiệt hại do thi công xây dựng công trình gây lún, nứt công trình lân cận…

Đồng thời, Đà Nẵng đề xuất các cơ chế để thực hiện triển khai thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị, tạo điều kiện cho Đà Nẵng đối với công tác quy hoạch, phát triển đô thị, lĩnh vực nhà ở chung cư…
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho rằng Đà Nẵng có nhiều công trình tầm cỡ trong khu vực. Đà Nẵng đã đi trước một bước khi lấy xây dựng cơ bản làm mục tiêu đột phá cho sự phát triển đô thị. Qua quan sát, dải đất miền Trung thì công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch tại Đà Nẵng có trật tự và có bản sắc. Đà Nẵng là một trong những địa phương có quy hoạch tốt trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương. Liên quan công tác quy hoạch chung sẽ được triển khai trong thời gian sắp tới, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà đề nghị hai bên có sự phối hợp chặt chẽ ngay từ đầu, để công tác thẩm định không phải mất thêm thời gian nghiên cứu. Nếu liên quan đến một số bộ, ngành liên quan, Bộ Xây dựng sẽ cùng đồng hành để giải quyết.

Bên lề sự kiện Tọa đàm mùa Xuân 2019, ông Trần Phước Sơn, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tiếp và làm việc với Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng. Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục hỗ trợ Đà Nẵng trong việc tập trung đầu tư, ưu tiên nguồn lực để thực hiện dự án Khu Công nghệ cao nhằm góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành trung tâm kinh tế-xã hội của khu vực miền Trung và cả nước. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng tiếp tục dành sự quan tâm đối với Đà Nẵng, nhất là việc triển khai thực hiện các dự án động lực, trọng điểm có tính chất liên vùng, lan tỏa như việc bố trí nguồn lực thực hiện dự án đầu tư xây dựng cảng Liên Chiểu.

Ông Trần Phước Sơn thông tin thêm, hiện Đà Nẵng chủ động trong việc đầu tư hạ tầng Khu Công nghệ cao, trong đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách Trung ương để thực hiện dự án giai đoạn 2012-2019 với giá trị 1.481,081 tỷ đồng, chiếm 62,4% tổng vốn dự án.

TRIỆU TÙNG


KHÁNH HÒA - ĐẶNG NỞ - KHANG NINH

;
;
.
.
.
.
.