Nguồn nhân lực là một trong những yếu tố then chốt hàng đầu

.

ĐNO - Sáng 30-3, UBND thành phố tổ chức tọa đàm Liên kết phát triển nguồn nhân lực và đổi mới khoa học công nghệ, thu hút sự tham dự của gần 300 đại biểu đến từ các sở, ngành, trường đại học, cao đẳng, cơ sở đào tạo nghề, doanh nghiệp… 

Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Võ Công Trí phát biểu khai mạc toạ đàm. Ảnh: KHANG NINH
Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Võ Công Trí phát biểu khai mạc toạ đàm. Ảnh: KHANG NINH

Tham dự tọa đàm có Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đặng Việt Dũng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Văn Miên, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Lê Minh Trung.

Phát biểu khai mạc tọa đàm, Phó Bí thư Thường trực thành ủy Võ Công Trí nhấn mạnh, Đà Nẵng xác định nguồn nhân lực là một trong những yếu tố then chốt được ưu tiên đầu tư phát triển hàng đầu nhằm tạo lợi thế cạnh tranh trong thu hút đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội. Thành phố có nguồn lao động dồi dào (chiếm 55% dân số), chỉ số “Chất lượng đào tạo lao động” trong bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tăng dần qua các năm.

Tuy nhiên, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí đánh giá chất lượng nguồn nhân lực lao động vẫn còn nhiều hạn chế. Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo còn thấp, ít lao động tay nghề cao. Bên cạnh đó, khoảng cách giữa giáo dục nghề nghiệp và nhu cầu của thị trường lao động ngày càng lớn, doanh nghiệp phải tốn nhiều thời gian và nguồn lực để đào tạo lại. Các ngành đào tạo trong nhà trường chưa bắt kịp xu thế sử dụng lao động của doanh nghiệp.

Ông Kevin Loebbaka, Giám đốc điều hành Công ty sản xuất linh kiện hàng không UAC (Mỹ) trình bày về nhu cầu nguồn nhân lực của công ty. Ảnh: KHANG NINH
Ông Kevin Loebbaka, Giám đốc điều hành Công ty sản xuất linh kiện hàng không UAC (Mỹ) trình bày về nhu cầu nguồn nhân lực của công ty. Ảnh: KHANG NINH

Ngoài ra, hệ thống thông tin thị trường lao động chưa phản ánh khách quan, kịp thời, chưa dự báo được các biến động của thị trường lao động. "Sợi dây” liên kết giữa doanh nghiệp và các trường đại học, cơ sở nghiên cứu chưa chặt chẽ; do đó, tính ứng dụng của nhiều nghiên cứu khoa học chưa cao, chưa được doanh nghiệp biết đến hoặc ứng dụng.

Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí, thời gian tới, Đà Nẵng sẽ xây dựng và triển khai chương trình phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng các yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tập trung vào các lĩnh vực mũi nhọn của thành phố. Thành phố cũng sẽ rà soát, hoàn thiện các chính sách nhập cư bảo đảm hài hòa, nhân văn; nâng cao chất lượng đào tạo của các trường đại học; thực hiện liên thông, minh bạch thị trường lao động.

Tại toạ đàm, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn An thông tin, tính đến tháng 12-2018, trên địa bàn Đà Nẵng có hơn 23.600 doanh nghiệp với hơn 341.800 lao động. Tuy nhiên, việc cung ứng lao động về quản lý điều hành, chuyên gia cao cấp, lao động tay nghề cao vẫn chưa được đáp ứng; đặc biệt trong các lĩnh vực du lịch, công nghệ thông tin, công nghệ cao…

Dự báo đến năm 2025, nhóm ngành dịch vụ của thành phố phải tăng hơn 160.000 lao động, nhóm ngành công nghiệp - xây dựng sẽ tăng khoảng 67.000 lao động. Ông An đề xuất cần ứng dụng mạnh mẽ CNTT trong quản lý, dự báo nhu cầu lao động, kết nối giữa người lao động và doanh nghiệp; đồng thời, hoàn thiện quy hoạch mạng lưới đào tạo nghề để phù hợp với nhu cầu của xã hội, tạo cơ chế để doanh nghiệp tham gia xây dựng giáo trình đào tạo, tham gia hội đồng sát hạch đầu ra sinh viên, "đặt hàng” nhân sự cho các cơ sở đào tạo.

Trong khuôn khổ tọa đàm, Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam và Công ty Sản xuất linh kiện hàng không UAC (Mỹ) đã chia sẻ về nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. Các đại biểu cũng tham gia các phiên toạ đàm chuyên đề, tập trung vào việc kết nối cung cầu nguồn nhân lực trong các lĩnh vực sản xuất, công nghệ thông tin, du lịch; liên kết phát triển khoa học và công nghệ giữa cơ sở giáo dục đại học với cộng đồng doanh nghiệp và chính quyền thành phố.

KHANG NINH

 

 

;
;
.
.
.
.
.