"Nở rộ" giao dịch bất động sản trực tuyến

.

Gần đây, cùng với giao dịch tại các sàn bất động sản (BĐS) truyền thống, hoạt động của “chợ” BĐS trên các trang web và mạng xã hội (MXH) cũng diễn ra hết sức sôi động.

Cùng 1 căn nhà, nhưng giá rao bán khác nhau.
Cùng 1 căn nhà, nhưng giá rao bán khác nhau.

Theo thống kê của Trung tâm Đào tạo marketing online Brandee, hiện có 185 trang web và 28 ứng dụng đăng tin BĐS, rao vặt nhà đất lớn được nhiều người biết tới. Lượng tin, bài đăng tải tính theo từng phút với đủ các giao dịch mua bán từ đất nền, nhà ở, căn hộ chung cư đến thuê nhà, thuê hàng quán kinh doanh… Qua hình thức trực tuyến, khách hàng từ các địa phương trong và ngoài nước thuận lợi hơn trong việc tìm hiểu thông tin địa ốc.

Đáng chú ý, cuối năm 2018, hàng loạt nền tảng giao dịch thông minh cho lĩnh vực BĐS bằng cách sử dụng big data (dữ liệu lớn) đã góp phần không nhỏ để các sàn giao dịch BĐS trực tuyến thêm sôi động và khách hàng có thể “thăm” những dự án ở địa điểm cách xa nơi mình sinh sống. Với sự hỗ trợ của nền tảng cách mạng công nghệ 4.0, khách hàng ở nước ngoài còn có thể thông qua thực tế ảo (VR) và thực tế ảo tăng cường (AR) để trải nghiệm “ngay tại” BĐS mà mình quan tâm.

Trên các MXH như Facebook, Zalo… không khó thấy những thông tin mua bán BĐS. Ngoài ra, với tính năng mở và kết nối của các MXH, “trang cá nhân” của những người dùng cũng là một địa điểm trực tuyến công khai cho các giao dịch, chỉ cần nhắn tin hoặc gửi thư điện tử là sẽ nhận ngay những thông tin BĐS mình quan tâm.

Với thâm niên 3 năm trong việc mua bán BĐS trực tuyến, anh Hồ Công Hoàng (trú quận Cẩm Lệ) chia sẻ: “Đăng tải những thông tin về đất đai, nhà cửa lên mạng là một cách để khách hàng có thể tham khảo thông tin, so sánh các lựa chọn và giúp người bán tiếp cận người mua trên diện rộng hơn. Trước đây, nhân viên bán hàng phải dùng nhiều giấy tờ giao dịch, thời gian để giới thiệu dự án, nay chủ yếu chỉ phải giải thích những vấn đề khách hàng cần tìm hiểu sâu hoặc đi tham quan dự án khi họ đã quyết định đến 70-80% việc mua sản phẩm. Sự thay đổi đó cũng buộc nhân viên kinh doanh phải chủ động và chuyên nghiệp hơn”.

Ông Trần Xuân Hiền, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty CP Tập đoàn Xây dựng và phát triển nhà Vicoland cho biết, điểm tích cực của giao dịch BĐS trực tuyến góp phần làm giảm chi phí quảng cáo, thay đổi cách thức tiếp cận khách hàng của nhân viên kinh doanh, môi giới. Tuy nhiên, bên cạnh những giá trị các sàn BĐS trực tuyến mang lại cũng tồn tại không ít rủi ro, cốt yếu ở tính trung thực của thông tin. Vào một số trang web hoặc các nhóm giao dịch BĐS không quá khó để thấy rất nhiều sản phẩm cùng diện tích, khu vực, thuộc cùng một dự án nhưng mức giá chênh nhau với cam kết ưu đãi cũng khác nhau hay thông tin về quy hoạch không chính xác.

Ngày 12-11-2015, Chính phủ ban hành Nghị định 117/2015/NĐ-CP về xây dựng, quản lý và sử dụng Hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường BĐS (có hiệu lực từ ngày 1-1-2016). Trong đó, Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS là cơ quan được giao chính thức thu thập và công bố các số liệu liên quan đến thị trường. Song, hiện có rất nhiều kênh cung cấp thông tin về thị trường BĐS, vì vậy rất khó để cơ quan Nhà nước quản lý, kiểm chứng các thông tin quảng cáo.

Đề cập thêm về vấn đề này, ông Đàm Quang Tuấn, Chủ tịch Hiệp Hội BĐS Đà Nẵng phân tích, với những BĐS được giao dịch trên mạng Internet, rủi ro có thể kể đến là thông tin về quy hoạch, dự án, chủ đầu tư, tiện ích được đăng tải trên các diễn đàn, trang rao vặt chưa được xác thực và kiểm duyệt. Đối với những người có ý định mua bán BĐS, ngoài chọn lọc các nguồn thông tin, đọc tin mạng để tham khảo thì cần phải đi xác thực nếu có nhu cầu tìm hiểu sâu hơn hay có quyết định đầu tư. Đối với những dự án, ngoài việc đi thực tế khảo sát, để tránh rủi ro khác về quy hoạch hay pháp lý, người mua nên đến cơ quan chính quyền ở địa phương để xác minh thông tin dự án rõ ràng nhất.

“Giao dịch BĐS trực tuyến là xu hướng tất yếu trong các năm sắp tới của thị trường khi tích hợp công nghệ, dữ liệu lớn nhằm kết nối người bán, người mua, quản lý Nhà nước, ngân hàng, thuế… Tuy nhiên, người mua nên chọn sàn giao dịch có uy tín và thương hiệu trên thị trường để tham khảo”, ông Tuấn khuyến cáo.

Trong khi đó, Luật sư Phạm Văn Thanh (Văn phòng Luật sư Phạm và liên danh tại Đà Nẵng) đưa ra cảnh báo, thông tin trực tuyến về BĐS hiện nay xuất hiện rất nhiều, nhưng theo Điều 168 và 194 của Luật Đất đai năm 2013 quy định, các sản phẩm BĐS phải đáp ứng đủ điều kiện mới được giao dịch (có nghĩa là phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất).

Vì thế, người dân tuyệt đối không tin những thông tin được “vẽ” trên mạng mà thiếu cơ sở pháp lý. Thời gian qua đã có một số vụ việc tranh chấp liên quan đến việc mua bán đất đai trực tuyến. Do đó, để tránh những sự việc không đáng có, gây thiệt hại cho khách hàng, bản thân khách hàng phải hết sức tỉnh táo, cẩn trọng trước khi đưa ra quyết định “tiền tỷ”.

Bài và ảnh: MAI QUẾ

;
;
.
.
.
.
.