PCI 2018: Doanh nghiệp cần sự quyết đoán của chính quyền

.

Theo kết quả xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2018 được công bố ngày 28-3 vừa qua, Đà Nẵng đứng thứ 5/63 tỉnh, thành. Sau nhiều năm, đây là lần đầu tiên thành phố trượt khỏi “top 3”, xếp vào nhóm “Tốt” thay vì “Rất tốt”.

Sự xuất hiện của các doanh nghiệp lớn tại Đà Nẵng đầu năm 2019 được kỳ vọng sẽ kéo các lĩnh vực công nghiệp - dịch vụ phát triển. Ảnh: KHANG NINH
Sự xuất hiện của các doanh nghiệp lớn tại Đà Nẵng đầu năm 2019 được kỳ vọng sẽ kéo các lĩnh vực công nghiệp - dịch vụ phát triển. Ảnh: KHANG NINH

Với điểm số 67,65/100, Đà Nẵng thấp hơn quán quân Quảng Ninh 2,71 điểm, thấp hơn chính mình trong bảng xếp hạng PCI 2017 2,46 điểm. Trong 10 chỉ số thành phần PCI, Đà Nẵng chỉ có sự cải thiện so với năm 2017 ở 2 chỉ số là “tiếp cận đất đai” (từ 7,11 lên 7,23) và “chi phí không chính thức” (6,29 lên 6,54).

Chỉ số sụt giảm mạnh nhất của Đà Nẵng trong năm qua là “tính năng động của chính quyền tỉnh”, được đánh giá trên 3 tiêu chí: chính quyền vận dụng pháp luật linh hoạt, chính quyền sáng tạo trong giải quyết vấn đề mới và chính quyền có thái độ tích cực với khu vực tư nhân. Năm 2018, Đà Nẵng chỉ đạt 5,96 điểm (xếp thứ 20 cả nước), thấp nhất kể từ năm 2015, giảm 0,69 điểm so với năm 2017.

Điểm của Đà Nẵng ở chỉ số “gia nhập thị trường” cũng giảm mạnh, từ 8,55 (năm 2017) xuống còn 7,94 (năm 2018 - đứng thứ 14), giảm 0,61 điểm. Chỉ số này chủ yếu liên quan đến các thủ tục hành chính để doanh nghiệp (DN) mới được chính thức đi vào hoạt động.

Theo nhóm nghiên cứu PCI 2018, trong năm qua, đánh giá của DN về chất lượng giải quyết thủ tục hành chính tại Đà Nẵng sụt giảm rõ rệt. Các DN cũng phản ánh về khoảng cách giữa chỉ đạo điều hành của chính quyền thành phố với các sở, ngành, quận, huyện có sự gia tăng.

Ông Phạm Bắc Bình, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Bình Vinh, Chủ tịch Hiệp hội DN Nhỏ và vừa Đà Nẵng nhận định: “Có thể thấy trong năm 2018, thành phố xử lý thủ tục hành chính có phần chậm hơn mọi năm. Các DN cũng hiểu rằng các sở, ban, ngành đang có phần “chững lại”, ưu tiên các biện pháp an toàn thay cho các giải pháp đột phá sau những chuyện không hay xảy ra ở thành phố trong thời gian qua”. Song theo ông Bình, sự chậm trễ này đã gây khó khăn, khiến thành phố bị “mất điểm” trong mắt DN.

Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước phân tích, trước đây Đà Nẵng rất “hấp dẫn” nhà đầu tư bởi có chính quyền năng động, cởi mở, do đó sự chùng lại trong thời gian qua khiến các DN có phần hẫng hụt. Ông nhận định, việc Đà Nẵng rớt hạng trong bảng tổng sắp PCI năm 2018 không phải do chính quyền yếu kém.

Trái lại, ông đánh giá cao sự trọng thị của lãnh đạo thành phố đối với DN thông qua việc thường xuyên tổ chức các cuộc gặp mặt, toạ đàm để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của DN. Song để phát triển, chính quyền thành phố cần phải quyết đoán, năng động hơn nữa.

Theo ông Lĩnh, Đà Nẵng đang còn nhiều vướng mắc ở vấn đề đất đai. Ông nói: “Đà Nẵng có một “món nợ” 2-3 năm nay chưa giải quyết xong, đó là chuyện đất”. Ông phân tích, Đà Nẵng hiện chưa có quy hoạch tổng thể không gian đô thị, khiến nhà đầu tư muốn tìm hiểu thì “lừng khừng”, còn DN đang hoạt động lại “phập phồng” lo ngại.

Trong khi đó, ông Phạm Bắc Bình bày tỏ: “Đà Nẵng hiện đã có quy hoạch các khu công nghiệp, cụm công nghiệp mới, song để có đất cho DN nhỏ và vừa thuê sản xuất, kinh doanh thì cũng phải mất vài năm mới hoàn thành thủ tục xây dựng”. Ngoài ra, giá đất Đà Nẵng thời gian qua tăng quá nhanh, gây khó cho các DN muốn mở rộng sản xuất, kinh doanh. Chi phí thuê đất của DN bị đội lên, phần nào ảnh hưởng đến hoạt động.

Cuối năm 2017, chính quyền thành phố buộc phải sửa lại “sổ đỏ” của hàng nghìn người dân và DN, chuyển thời hạn sử dụng đất từ lâu dài thành 50 năm để phù hợp với quy định của Luật Đất đai. Điều này khiến nhiều DN bị ảnh hưởng.

Ông Lĩnh đưa ra ví dụ: “Một DN muốn tăng vốn bằng cách kêu gọi nhà đầu tư. Song khi nhà đầu tư đến đánh giá thì phát hiện “sổ đỏ” chỉ còn hạn trong vòng 50 năm, khiến họ chùn tay và không thể mạnh dạn rót vốn. Còn những DN kinh doanh condotel chẳng hạn, họ hứa với khách hàng là giao “sổ đỏ” vĩnh viễn, bây giờ chỉ có thể giao sổ thời hạn 50 năm. Một số DN tại Đà Nẵng rơi vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan” là vì vậy.”

Dù PCI của Đà Nẵng năm 2018 tụt hạng nhưng với những hành động quyết liệt của Thành ủy và chính quyền thành phố, thể hiện qua việc gặp gỡ DN và các hiệp hội DN để tìm cách tháo gỡ vướng mắc về mặt bằng kinh doanh của các DN trong khu dân cư, cũng như bàn các giải pháp hỗ trợ DN nhỏ và vừa, ông Phạm Bắc Bình cho rằng, Đà Nẵng có cơ hội quay lại ngôi đầu PCI trong 1-2 năm tới.

“Tôi kỳ vọng Đà Nẵng sẽ không chỉ là “thành phố Đà Nẵng”, mà sẽ là vùng Đà Nẵng, mở rộng phát triển ra cánh tây bắc, tạo cơ hội cho nhiều ngành nghề. Đầu năm 2019 đã chứng kiến sự xuất hiện của các DN lớn tại Đà Nẵng, hy vọng từ đây sẽ kéo các lĩnh vực công nghiệp - dịch vụ của thành phố phát triển”, ông Bình chia sẻ.

Kết quả 10 chỉ số thành phần PCI của Đà Nẵng trong giai đoạn 2014 - 2018.
Kết quả 10 chỉ số thành phần PCI của Đà Nẵng trong giai đoạn 2014 - 2018.

Bà Huỳnh Liên Phương, Giám đốc Ban Xúc tiến và hỗ trợ đầu tư nhìn nhận: “Đây chính là thời điểm môi trường đầu tư của Đà Nẵng tiến triển rất tốt. Thực tế cho thấy, Quảng Ninh 2 năm liền (2017 và 2018) đứng đầu PCI cả nước nhờ sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của chính quyền tỉnh. Năm 2019, Đà Nẵng cũng sẽ tập trung vào công tác chỉ đạo, cải cách hành chính”.

Theo bà Liên, “Năm tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư 2019” sẽ không đổi mới nhiều về phương thức thu hút đầu tư so với năm 2018, song sẽ tập trung 3 yếu tố. Thứ nhất, thành phố sẽ tăng cường chỉ đạo hỗ trợ các DN, nhà đầu tư. Nhờ đó, các sở, ngành, cơ quan chức năng cũng sẽ mạnh dạn hơn trong việc đề xuất các giải pháp.

“Đã có thời gian các sở, ngành Đà Nẵng chững lại, nhưng năm nay sẽ mạnh dạn vừa đề xuất vừa triển khai các giải pháp song song. Ví dụ, một thủ tục hành chính phục vụ DN cần làm trong 3 ngày sẽ được rút còn 1 ngày,” bà Liên nói.

Thứ hai, Đà Nẵng sẽ không “chạy theo” các nhà đầu tư. Thay vào đó, thành phố bám sát định hướng phát triển, các ngành trọng điểm để thu hút DN. Thứ ba, thành phố sẽ không còn khái niệm “hỗ trợ” chung chung. Năm 2019, Đà Nẵng quán triệt các cơ quan chức năng bám sát lộ trình của các nhà đầu tư đã quyết định rót vốn vào thành phố (trong thời gian trước và sau Tọa đàm mùa Xuân 2019 đã có 8 dự án lớn vào Đà Nẵng), giúp các nhà đầu tư hoàn thành các mục tiêu đúng hạn.

Để cải thiện công tác xử lý thủ tục hành chính, trong năm 2019, Sở Nội vụ tiếp tục đề xuất mở rộng liên thông, liên kết trong các lĩnh vực nhạy cảm, phức tạp, giảm đầu mối tiếp xúc khi người dân, DN cần giải quyết thủ tục hành chính. Sở cũng sẽ xây dựng cẩm nang quy trình, thủ tục mà nhà đầu tư phải thực hiện khi đầu tư vào thành phố; đồng thời làm đầu mối trong công tác xúc tiến, hỗ trợ nhà đầu tư thực hiện các thủ tục quy định.

KHANG NINH
 

;
;
.
.
.
.
.