Có thể nói, nét mới trong “Năm tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư 2019” là việc thành phố quyết tâm triển khai các chương trình hành động cụ thể nhằm xây dựng và thiết lập một môi trường đầu tư minh bạch, trong sạch.
Đại diện Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư với Công ty Nemo Partners TMS ký kết Biên bản ghi nhớ Hợp tác xúc tiến đầu tư vào Đà Nẵng. |
Theo Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư thành phố, thực hiện “Năm tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư 2019”, qua lắng nghe các ý kiến của các hiệp hội và doanh nghiệp (DN), có thể thấy các từ khóa nổi bật được nhắc đến liên tục như: “cải cách hành chính”, “ứng dụng công nghệ thông tin”, “cơ sở hạ tầng” và “nhân lực”. Điều này chứng tỏ những vấn đề tồn tại nêu trên rất được DN quan tâm.
Bà Huỳnh Liên Phương, Giám đốc Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư cho biết, ngay từ đầu năm 2019, thành phố đã lên kế hoạch thu hút đầu tư với 5 nội dung trọng tâm, đó là: tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng, xúc tiến các dự án trọng điểm; hoàn thiện cơ chế, chính sách kêu gọi đầu tư; đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến đầu tư; ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trực tuyến và hỗ trợ các nhà đầu tư tại chỗ một cách hiệu quả; giải quyết các thủ tục đầu tư nhanh, gọn, kịp thời. Trên cơ sở “Năm đẩy mạnh thu hút đầu tư 2018”, các DN trong và ngoài nước bắt đầu chú ý đến Đà Nẵng nhiều hơn.
Bước sang năm 2019, với chủ trương và quyết tâm cao hơn của thành phố nhằm tạo dựng môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi, công khai, minh bạch, nhiều nhà đầu tư đã đánh giá rất cao về Đà Nẵng và xem đây là mảnh đất triển vọng để gắn bó lâu dài.
Bà Trần Anh Thư, phụ trách truyền thông của Công ty Biển Đông cho hay, dự án đầu tư Nhà máy số ESTEC của DN được Ban Quản lý Khu Công nghệ cao (CNC) Đà Nẵng cấp phép từ tháng 1-2018 trên tổng diện tích đất gần 1ha, được phân kỳ đầu tư thành 2 giai đoạn với tổng giá trị đầu tư khoảng 8 triệu USD. ESTEC đã tiến hành khởi công xây dựng giai đoạn 1 vào cuối tháng 3-2018 với diện tích 4.000m2, đến nay cơ bản đã hoàn thành. Đây là dự án đầu tư trong lĩnh vực công nghệ tự động hóa và số hóa đã được xây dựng và đi vào hoạt động đầu tiên tại Khu CNC Đà Nẵng.
“Công ty Biển Đông đánh giá cao những cải cách mà thành phố chú trọng, đó là các thủ tục pháp lý được triển khai rất nhanh. Công ty chúng tôi cảm thấy vinh dự khi Ban quản lý Khu CNC vào tận thành phố Hồ Chí Minh để mời Biển Đông ra Đà Nẵng đầu tư. Tuy nhiên, về thủ tục, công ty muốn đề xuất, nếu được thì thành phố nên soạn thảo những yêu cầu về giấy tờ trong một bộ hồ sơ công khai để các DN biết cần phải chuẩn bị những gì, như vậy DN đỡ mất thời gian đi lại và công việc tiến triển nhanh hơn”, bà Trần Anh Thư đề xuất.
Là một trong những nhà đầu tư mới tại Đà Nẵng, ông Võ Duy Thanh Thanh, Giám đốc Điều hành NFQ Asia (Tập đoàn NFQ - Đức) chia sẻ: “Nhìn chung, tôi nhận thấy việc đầu tư của Công ty TNHH NFQ Việt Nam vào Đà Nẵng từ tháng 9-2018 đến nay rất triển vọng. Các thủ tục hành chính đơn giản, nhanh chóng. Nguồn nhân lực về CNTT tại địa phương có chất lượng, khao khát học hỏi và cống hiến, cởi mở. Hệ thống cơ sở hạ tầng (văn phòng, đường sá, các dịch vụ bổ trợ…) tương đối phát triển nếu so sánh với những thành phố lớn khác như thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Riêng các trường đại học nếu nâng cao hơn nữa trình độ tiếng Anh của sinh viên thì Đà Nẵng sẽ còn thu hút thêm nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến với thành phố. Trong kế hoạch 5 năm tới, công ty chúng tôi sẽ thu hút 500 lao động CNTT trình độ cao làm việc cho các công ty khởi nghiệp đến từ châu Âu và Hoa Kỳ”.
Đề cập những vướng mắc, hạn chế của Đà Nẵng, nhiều doanh nghiệp cho rằng, hiện nay, vấn đề quy hoạch thiếu định hướng cũng như cơ sở hạ tầng phục vụ thu hút đầu tư chưa hoàn thiện. Do đó, đối với các khu công nghiệp mới, thành phố cần rà soát lại hiện trạng quy hoạch các nhóm ngành cần thu hút, có lộ trình khẩn trương tìm kiếm nhà đầu tư hạ tầng; đồng thời tiếp tục minh bạch và công khai quy hoạch các vị trí đất mà thành phố đang thu hút đầu tư.
Theo ông Nguyễn Tuấn Phương, Giám đốc FPT Software, chính quyền thành phố đã có những hành động thiết thực để lắng nghe các yêu cầu từ DN và đưa ra các phương án tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ phát triển. Các DN trong lĩnh vực CNTT mong muốn có hạ tầng để làm việc, hiện tại thành phố đã hỗ trợ FPT triển khai dự án FPT City và FPT Software đang thi công giai đoạn 2 của dự án FPT Complex.
Có thể nói, bên cạnh những yếu tố cơ sở hạ tầng phần cứng như cảng hàng không, cảng biển, khu công nghiệp, Đà Nẵng xác định những tiền đề quan trọng đối với sự phát triển thịnh vượng của thành phố trong thời đại cách mạng công nghệ 4.0 nằm ở các nguồn lực “mềm”, cụ thể là nguồn nhân lực chất lượng cao, năng động và sáng tạo.
Phối cảnh nhà xưởng công nghệ cao của Công ty CP Long Hậu - một trong những điểm nhấn thu hút đầu tư của Đà Nẵng. |
Ông Sungwoo Lee, Tổng Giám đốc điều hành Công ty Nemo Partners TMS (Hàn Quốc) cho biết, Công ty Nemo đã tư vấn cho nhiều DN Hàn Quốc đến tìm hiểu đầu tư tại Đà Nẵng. Song, qua quá trình làm việc, công ty nhận thấy có hai khó khăn chính của DN Hàn Quốc là nhân sự và thông tin. Thực tế, các công ty Hàn Quốc chuyển hướng sang đầu tư ở Đà Nẵng nói riêng, Việt Nam nói chung thường đã và đang đầu tư ở Trung Quốc. Khi đến Việt Nam, họ yêu cầu đội ngũ nhân lực có kinh nghiệm, kỹ thuật nhưng để tìm kiếm đội ngũ này thì khá khó, đặc biệt trong lĩnh vực CNTT. Thứ hai là sự thiếu thông tin do đa phần các DN Hàn Quốc chỉ biết đến Đà Nẵng là thành phố du lịch, ngoài ra không biết còn nhiều lĩnh vực khác đáng để đầu tư.
“Thành phố cần xem trọng những điểm chúng tôi đã chỉ ra để tăng cường kết nối, chia sẻ thông tin này đến với DN, giúp họ mở rộng các lĩnh vực đầu tư tại Đà Nẵng. Một điều cần quan tâm nữa là Đà Nẵng phải cải thiện tình trạng giao thông, vì vậy Nemo đang muốn đưa một DN của Hàn Quốc chuyên cung cấp dịch vụ đỗ xe thông minh về Đà Nẵng trong thời gian sớm nhất”, ông Sungwoo Lee nói.
Trong khi đó, đánh giá về quá trình triển khai dự án, bà Nguyễn Thanh Hồng Ngọc (phụ trách marketing Công ty CP Long Hậu) bày tỏ, doanh nghiệp luôn nhận được sự quan tâm và hướng dẫn từ các cấp lãnh đạo thành phố và các cơ quan, ban, ngành. Tuy nhiên, với dự án nhà xưởng phụ trợ tại Khu CNC Đà Nẵng, năm 2018, công ty gặp một số việc ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án do điều chỉnh giá thuê đất.
“Chúng tôi rất hiểu tính cần thiết của việc điều chỉnh tăng giá thuê đất và sẽ luôn thực hiện theo các quyết định được ban hành, nhưng để tránh gây ảnh hưởng đến hiệu quả thu hút đầu tư tại Khu CNC Đà Nẵng và tiến độ triển khai dự án, chúng tôi mong thành phố cân nhắc tỷ lệ tăng giá thuê đất và hệ số điều chỉnh phù hợp; đồng thời sớm ban hành chính thức để DN có cơ sở thực hiện dự án”, bà Ngọc kiến nghị.
Chính quyền thành phố cam kết đồng hành với doanh nghiệp, nhà đầu tư; quyết tâm thực hiện có hiệu quả những hoạt động trong kế hoạch đẩy mạnh thu hút đầu tư năm 2019 nhằm tạo thuận lợi cho việc triển khai các dự án, tăng cường thu hút đầu tư vào thành phố. Lãnh đạo thành phố mong muốn nhận được sự ủng hộ và chia sẻ từ cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư vì sự phát triển bền vững của Đà Nẵng và lợi ích chính đáng của doanh nghiệp, nhà đầu tư. Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ Từ ngày 1-1 đến ngày 16-3-2019, trên địa bàn thành phố có 31 dự án thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) được cấp mới với tổng vốn đầu tư đăng ký 353,326 triệu USD (so với cùng kỳ tăng 15 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 1,352 triệu USD); có 5 dự án đầu tư tăng vốn với tổng vốn tăng thêm 114,2 triệu USD; 43 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần, phần vốn góp trong tổ chức kinh tế với tổng vốn 39,507 triệu USD (so với cùng kỳ tăng 21 dự án với tổng vốn 13,221 triệu USD). Như vậy, tính đến nay Đà Nẵng hiện có 715 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 3,35 tỷ USD. Nguồn: Sở Kế hoạch và Đầu tư |
Bài và ảnh: DIỆP NHƯ – MAI QUẾ