Du lịch Đà Nẵng: Hành trình điểm đến quốc tế

.

Đông đảo du khách trong nước và quốc tế đã biết đến Đà Nẵng khi năm 2005 tạp chí uy tín hàng đầu của Mỹ (Forbes) bình chọn bãi biển Đà Nẵng là 1 trong 6 bãi biển quyến rũ nhất hành tinh. Từ dấu mốc này, chính quyền thành phố đề ra những chiến lược, hành động cụ thể đưa Đà Nẵng trở thành điểm đến quốc tế. Điều này được minh chứng qua những giải thưởng, bình chọn xếp ở thứ hạng cao do các đơn vị, tổ chức quốc tế trao tặng trong thời gian qua.

Ngành du lịch thành phố hướng đến phát triển du lịch dịch vụ chất lượng cao, từng bước chuyển từ số lượng sang chất lượng. Ảnh: THU HÀ
Ngành du lịch thành phố hướng đến phát triển du lịch dịch vụ chất lượng cao, từng bước chuyển từ số lượng sang chất lượng. 

Không hề đơn giản khi trong hơn 10 năm Đà Nẵng có được sức bật mạnh mẽ, làm đổi thay hoàn toàn bộ mặt của một thành phố được gọi là nơi “đầu biển - cuối sông”, nhận được sự quan tâm của đông đảo khách trong nước và quốc tế.

Theo đánh giá của những người hoạt động trong lĩnh vực du lịch, Đà Nẵng có lợi thế về cảng biển và sân bay quốc tế, là cửa ngõ để đi đến các di sản thế giới ở miền Trung như: phố cổ Hội An, thánh địa Mỹ Sơn, cố đô Huế…

Đà Nẵng có hệ sinh thái tài nguyên du lịch đa dạng, được thiên nhiên ban tặng như: bán đảo Sơn Trà được ví như “hòn ngọc xanh giữa phố”, đèo Hải Vân được mệnh danh là “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”, những bãi tắm đẹp trải dài, bao quanh thành phố và những di tích quốc gia đặc biệt như: Thành Điện Hải, Khu du lịch thắng cảnh Ngũ Hành Sơn…

Bên cạnh đó, chính quyền thành phố không ngừng nỗ lực, đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, lưu trú, thu hút các nhà đầu tư, các thương hiệu du lịch lớn có mặt ở Đà Nẵng; hình thành những khu điểm, sản phẩm du lịch, vui chơi giải trí để thu hút khách như: Công viên Châu Á, Công viên khoáng nóng núi Thần Tài, Khu du lịch Bà Nà Hills…

Ông Trịnh Bằng Có, Tổng Thư ký Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng nhìn nhận, ngành du lịch Đà Nẵng có bước phát triển khá nhanh, lượng khách tăng bình quân hằng năm trên 20% đã đóng góp đáng kể vào sự phát triển chung của thành phố, góp phần tạo thêm nhiều việc làm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng sống cho người dân thành phố.

Ngành du lịch cũng đã thực hiện những chủ trương, chính sách du lịch và đã đạt được những thành quả nhất định. Việc thường xuyên tổ chức và nâng tầm các sự kiện lớn như: Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng, Hội chợ Du lịch quốc tế, các sự kiện thể thao mang tầm quốc tế như: Cuộc đua thuyền buồm quốc tế Clipper Race, Cuộc thi Marathon quốc tế, Đại hội Thể thao bãi biển châu Á (ABG)… không chỉ tạo dấu ấn cho điểm đến mà còn quảng bá thu hút khách du lịch.

Đồng quan điểm, ông Lê Tấn Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Du lịch Việt Nam Vitour cho rằng, các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn thành phố cũng đều rất nỗ lực để thu hút khách đến với Đà Nẵng trong những năm qua. Ngành du lịch thành phố đã giữ vững tốc độ tăng trưởng nguồn khách, nhất là khách quốc tế luôn ở mức tăng trưởng cao. Tuy nhiên, định vị Đà Nẵng là điểm đến quốc tế thì phải có những sản phẩm có chất lượng, có sức hấp dẫn và lan tỏa thu hút khách.

Theo ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch cho rằng, Nghị quyết 43 – NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ chính trị về xây dựng và phát triển Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, khai thông cho du lịch Đà Nẵng về chiến lược dài hạn. Đây vừa là định hướng nhưng cũng là định vị phát triển du lịch Đà Nẵng trong tương lai để không chỉ cạnh tranh với các địa phương trong nước mà với cả quốc tế.

Do đó, ngành du lịch thành phố sẽ quy hoạch, tái cơ cấu ngành theo hướng tập trung vào chất lượng gồm định hướng thị trường, xây dựng sản phẩm, nâng cao chất lượng, tăng cường hội nhập quốc tế từ cơ sở hạ tầng sẵn có; chuyển từ số lượng sang chất lượng, phát triển du lịch dịch vụ chất lượng cao, tăng cường hội nhập quốc tế, hướng tới sự khác biệt như: tổ chức chuyên về xúc tiến du lịch MICE, phát triển du lịch nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe, đa dạng hóa thị trường khách một cách có định hướng… để Đà Nẵng thực sự là điểm đến quốc tế của du khách.

Bên cạnh đó, ngành du lịch thành phố cần tham gia những sự kiện lớn, các hoạt động quảng bá lớn ở khu vực, châu Á Thái Bình Dương, từ đó tiếp tục phát triển cao hơn nữa.

Năm 2015, Đà Nẵng được Báo New York Times của Mỹ đưa vào danh sách 52 điểm đến đáng chú ý của năm; trang web the Richest của Canada bình chọn đứng thứ 6 trong top 10 thành phố tiến bộ nhất thế giới mà du khách nên tham quan trong năm 2015.

Sau đó, Tổ chức Du lịch thế giới bình chọn Đà Nẵng là Điểm đến sự kiện và lễ hội hàng đầu châu Á 2016; lọt top 10 điểm đến nghỉ dưỡng hàng đầu châu Á 2016 do Tạp chí Smart Travel Asia bình chọn; top 10 điểm đến du lịch đẹp nhất Việt Nam năm 2017 do tạp chí Rough Guides bình chọn; top 10 thành phố tổ chức hội họp hàng đầu châu Á năm 2018 do Tạp chí Smart Travel Asia bình chọn; top xu hướng về lựa chọn điểm đến năm 2018 theo trang web đặt phòng lớn nhất thế giới Airbnb bình chọn.

Và ngay đầu năm 2019, Đà Nẵng đứng thứ 15 trong top 52 điểm đến 2019 do New York Times bình chọn.

Ngoài ra, nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng có thương hiệu, đơn vị lữ hành cũng được các đơn vị tổ chức quốc tế, uy tín đánh giá cao như: khu nghỉ dưỡng Naman Retreat nhận giải thưởng “Khu nghỉ dưỡng retreat hàng đầu châu Á”; khu nghỉ dưỡng cao cấp Intercontinental Danang Sun Peninsula với các danh hiệu danh giá “Khu nghỉ dưỡng sang trọng bậc nhất thế giới”, “Khu nghỉ dưỡng sang trọng nhất châu Á”...

Những danh hiệu đạt được đã góp phần định vị hình ảnh và từng bước khẳng định thương hiệu của du lịch thành phố đến thị trường trong nước và quốc tế.

Bài và ảnh: THU HÀ

;
;
.
.
.
.
.