Hàng hóa rục rịch tăng giá, doanh nghiệp gặp khó

.

ĐNO - Từ đầu năm đến nay, việc liên Bộ Công Thương - Tài chính 2 lần điều chỉnh giá xăng; cùng với đó, giá điện trong nước tăng khiến một số mặt hàng tiêu dùng có dấu hiệu lên giá.

Những ngày vừa qua, một số mặt hàng thiết yếu tại các chợ trên địa bàn thành phố bắt đầu tăng giá. Đơn cử, rau muống tăng 500 đồng/bó, cà rốt và khoai tây tăng 1.000 đồng/kg, đậu bắp tăng 500 đồng/kg, mướp ngọt tăng 1.000 đồng/kg…

Chị H., một tiểu thương chuyên phân phối rau củ quả tại chợ Đầu mối Hòa Cường cho biết: “Các đầu mối tăng giá vận chuyển buộc chúng tôi phải tăng giá để bù chi phí. Biết tăng giá sẽ ảnh hưởng tới người tiêu dùng nhưng nếu không thì lỗ mất”. Trong khi đó, theo một số siêu thị lớn như: Big C, Co.opmart, Intimex…, giá các mặt hàng bán ra vẫn giữ nguyên.

Giá xăng và điện cùng tăng khiến chi phí sản xuất của doanh nghiệp phải đội lên trong khi hàng hóa cũng rục rịch nâng giá
Giá xăng và điện cùng tăng khiến chi phí sản xuất của doanh nghiệp phải đội lên trong khi hàng hóa cũng rục rịch nâng giá. (Ảnh mang tính minh họa)


Ông Mai Phước Ba, Phó Giám đốc Công ty Quản lý các chợ Đà Nẵng cho biết, giá xăng tăng ảnh hưởng đến các đơn vị sản xuất kinh doanh nên việc giá tiêu dùng nhích hơn là điều đã được lường trước.

Tuy nhiên, đơn vị cũng đã chỉ đạo các chợ trực thuộc công ty cần giám sát việc niêm yết và bán giá theo đúng niêm yết nhằm không để xảy ra tình trạng tăng giá gây sốc, ảnh hưởng tiêu cực đến người tiêu dùng.

Trong lĩnh vực vận tải, xăng là nguyên liệu đầu vào của sản xuất nên việc tăng giá xăng tác động trực tiếp đến ngành này. Ông Mai Minh Vương, Giám đốc Công ty CP Nhất Phong Vận cho biết, hiện nay đơn vị quản lý 80 đầu xe hoạt động vận chuyển.

Tỷ trọng nhiên liệu chiếm 40 - 50% cơ cấu chi phí giá thành của doanh nghiệp (DN); trong đó, chi phí vận chuyển chiếm 10% giá thành sản phẩm tiêu dùng. Giá nguyên liệu tăng sẽ kéo theo giá sản phẩm tăng khoảng 5%. Nhiều hợp đồng làm tự động nên khi giá nguyên liệu tăng 10% thì tự động giá cước vận tải tăng lên.

Tuy nhiên, nhiều DN cho biết, họ rất ngại điều chỉnh giá vì tốn thời gian, kinh phí, đặc biệt nguy cơ làm giảm sức cạnh tranh. Là đơn vị có hơn 100 đầu xe hoạt động vận chuyển du lịch, ông Ngô Tấn Nhị, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Liên hợp vận tải và du lịch Vitraco cho biết, giá xăng tăng liên tục khiến đơn vị phải điều chỉnh nhiều loại chi phí khác nhưng bảo đảm không tăng giá cước do hiện nay, sự cạnh tranh trong hoạt động vận chuyển du lịch rất lớn.

“Nếu giá xăng cứ tăng thì áp lực cạnh tranh của DN sẽ rất lớn và về lâu dài chúng tôi bắt buộc phải có động thái đối với giá cước vận chuyển của mình”, ông Nhị nói.

Đại diện một DN chế biến gỗ xuất khẩu cũng bày tỏ lo lắng khi xăng dầu và điện đều tác động rất lớn tới chi phí sản xuất. Nhất là với các DN hoạt động xuất khẩu thì chi phí đầu vào tăng trong khi giá xuất khẩu sản phẩm không thể thay đổi vì đã ký hợp đồng từ trước.

Nhiều DN cho rằng, việc điều chỉnh giá xăng nên phù hợp và có lộ trình để DN, người dân không bị tác động quá nhiều. Vì thực tế, tất cả mặt hàng tiêu dùng đều phải đăng ký và kê khai giá, khi điều chỉnh giá phải thông báo trước và được sự chấp thuận của cơ quan Nhà nước. Trong khi đó, việc điều chỉnh giá xăng, dầu thường sau khi có quyết định tăng giá, DN và người tiêu dùng mới biết, dẫn đến xoay xở không kịp.

Tính đến ngày 17-4, Liên bộ Công Thương - Tài chính đã 2 lần điều chỉnh tăng và công bố giá bản lẻ các mặt hàng xăng dầu. Như vậy, tính đến nay, xăng E5RON92 tăng lên mức 19.703 đồng/lít; xăng RON95-III có giá bán lẻ không quá 21.235 đồng/lít. Dầu diesel 0.05S tăng lên mức 17.384 đồng/lít; dầu hỏa tăng 16.262 đồng/lít; dầu mazut 180CST 3.5S có giá bán lẻ không cao hơn 15.617 đồng/kg.
Từ ngày 20-3, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chính thức tăng giá điện ở mức 8,36%. Mức giá bán lẻ điện bình quân là 1.864,44 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế GTGT).


                                                            Bài và ảnh: KHÁNH HÒA

 

;
;
.
.
.
.
.