Khai thác tiềm năng đường thủy

.

Thời gian qua, ngành du lịch thành phố có nhiều nỗ lực trong phát triển du lịch đường thủy nội địa, tuy nhiên, sản phẩm đầy tiềm năng này lại chưa được khai thác một cách xứng tầm. Do đó, thời gian tới, ngành du lịch cũng như các đơn vị liên quan cần có sự thay đổi mạnh mẽ để du lịch đường thủy bứt phá.

Những dịp cuối tuần, các tàu trên sông Hàn thường đông khách hơn vì khách muốn ngắm cầu Rồng phun lửa, phun nước.
Những dịp cuối tuần, các tàu trên sông Hàn thường đông khách hơn vì khách muốn ngắm cầu Rồng phun lửa, phun nước.

Từng đi du lịch, tham gia xúc tiến và trải nghiệm các sản phẩm du lịch đường sông ở nhiều quốc gia, ông Nguyễn Ngọc Anh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại-Dịch vụ-Du lịch Omega (Omega tour) đánh giá, sông Hàn của Đà Nẵng rất đẹp, nhưng chưa có sản phẩm đường thủy phù hợp, chưa đạt tiêu chí để phục vụ dòng khách du lịch cao cấp.

Vấn đề dễ nhìn thấy nhất là cơ sở hạ tầng, cầu tàu, bến bãi đưa đón khách chưa có, các tàu chở khách cao cấp chưa đạt chuẩn. Bên cạnh dòng khách tầm trung có thể kêu gọi, hình thành thêm các sản phẩm dành cho đối tượng khách cao cấp và chi tiêu cao như có thêm các tàu hạng sang, tàu 5 sao. Ngoài chạy trên sông Hàn, tàu có thể đưa khách đi tham quan ở vịnh Đà Nẵng, lưu trú ngay trên vịnh với gói các sản phẩm: buổi sáng ngắm bình minh trên biển, chiều ngắm hoàng hôn, ban đêm ngắm toàn thành phố lên đèn...

Hiện nay, Đà Nẵng đang có 17 tàu (3 tàu trên 100 khách, 14 tàu từ 50-100 khách) đang hoạt động trên tuyến sông Hàn - cầu Trần Thị Lý; 6 tàu đủ điều kiện hoạt động tuyến sông Hàn - Hòn Chảo. Trước đó, UBND thành phố yêu cầu từ ngày 1-1-2019, các tàu du lịch dưới 50 chỗ chấm dứt hoạt động trên tuyến sông Hàn - cầu Trần Thị Lý để bố trí qua các tuyến còn lại nếu đủ điều kiện hoạt động.

Sau đó, UBND thành phố yêu cầu xem xét đóng mới tàu du lịch hoạt động kinh doanh trên địa bàn thành phố. Theo đó, các tổ chức, cá nhân không tự ý đóng mới phương tiện (kể cả mua bán, tặng, cho phương tiện thủy nội địa từ địa phương khác về Đà Nẵng dưới mọi hình thức).

Căn cứ vào quy hoạch và kế hoạch đóng mới phương tiện của từng năm, các tổ chức, cá nhân có nhu cầu đầu tư phương tiện để kinh doanh vận tải hành khách thủy nội địa phải có văn bản kèm theo phương án kinh doanh gửi về Sở Giao thông vận tải để báo cáo UBND thành phố quyết định.

Ông Huỳnh Đức Trung, Trưởng phòng Quản lý lữ hành (Sở Du lịch) cho hay, trên tuyến sông Hàn - cầu Trần Thị Lý cho phép đóng mới 20 tàu từ 50-100 khách; UBND thành phố đã thống nhất chủ trương cho phép triển khai đóng mới 18 tàu (theo kế hoạch, không đóng mới tàu trên 100 khách). Trên các tuyến đi vịnh Đà Nẵng cho phép đóng mới 8 tàu từ 30-250 khách; UBND thành phố cho phép đóng mới 8 tàu.

Tuyến sông Hàn - Cù Lao Chàm cho phép 2 tàu, nhưng không có đơn vị, cá nhân nào đề nghị đóng mới. Đến nay, đã có 17/26 tàu hoàn thành đưa vào hoạt động; 4 tàu dự kiến hoạt động trong tháng 4-2019; 4 tàu đang triển khai, chủ tàu cam kết hoàn thành trước ngày 30-6-2019; 1 tàu thông báo không triển khai.

Theo đánh giá của ông Trung, việc đầu tư đóng mới tàu theo tiêu chuẩn quy định hiện nay đã nâng cao chất lượng đội tàu du lịch về phương tiện, bảo đảm an toàn và đáp ứng được nhu cầu phục vụ khách du lịch trên các tuyến được công bố trong thời gian tới.

Là một trong những doanh nghiệp có tàu đang hoạt động trên tuyến sông Hàn - cầu Trần Thị Lý, anh Châu Anh Dũng, Trưởng phòng Khai thác kinh doanh, Công ty CP Đóng tàu Bảo Duy (đơn vị khai thác 2 tàu Marry Land và Happy Land 1) cho hay, hiện nay nhu cầu của du khách đi tham quan trên sông là khá cao, tuy nhiên, các sản phẩm dành cho khách vẫn chủ yếu là ngắm các cây cầu về đêm.

Để tăng sức hấp dẫn cho khách, đơn vị cũng đầu tư thêm sản phẩm múa Chăm, múa dân tộc và xen kẽ giữa các đêm là chơi nhạc để phục vụ khách. Song, anh Dũng cho rằng, thành phố nên sớm khai trương các bến mềm, thuận lợi cho việc đưa đón khách. Bên cạnh đó, nên có thêm các tiện ích, dịch vụ hai bên bờ hoặc ở các bến để khách có thể ghé tham quan, chụp hình, mua sắm... thay vì chỉ đi ngắm cảnh đơn thuần như hiện nay.

Để tập trung khai thác tiềm năng và thế mạnh của du lịch đường thủy nội địa, tạo sản phẩm hấp dẫn, thu hút và đáp ứng nhu cầu của khách khi đến Đà Nẵng, ngành du lịch thành phố đã xây dựng kế hoạch phát triển điểm đến, sản phẩm dịch vụ trên tuyến du lịch đường thủy nội địa thành phố giai đoạn 2019-2021; đầu tư hình thành dịch vụ, điểm đến trên tuyến du lịch thủy nội địa, làm phong phú sản phẩm tour tuyến du lịch đường thủy nội địa góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị về văn hóa, lịch sử phục vụ du lịch, tạo việc làm và thu nhập cho người dân địa phương.

UBND thành phố đã chỉ đạo Sở Du lịch chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông vận tải và các đơn vị liên quan tham mưu thành phố ban hành kế hoạch phát triển điểm đến, sản phẩm dịch vụ trên tuyến du lịch đường thủy nội địa thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2019-2021. Hiện Sở Du lịch đang tổng hợp ý kiến (lần 2) của các đơn vị liên quan để trình UBND thành phố xem xét, ban hành.

Cùng với đó, ngành du lịch cũng thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch, nghiệp vụ vận tải, tuyên truyền thực hiện pháp luật, bảo đảm an ninh trật tự... Đặc biệt, Chi hội Vận tải đường thủy nội địa (trực thuộc Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng) đã được thành lập năm 2017, bước đầu góp phần tích cực vào nâng cao chất lượng phục vụ khách và tăng cường hiệu lực quản lý của các ngành chức năng.

Bài và ảnh: THU HÀ

 

;
;
.
.
.
.
.