Bà Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam dự báo đến năm 2020, nguồn nhân lực khối ngành này sẽ thiếu khoảng 3,2 triệu lao động qua đào tạo.
Thu hoạch lúa Đông Xuân. (Ảnh: TTXVN) |
Ngày 21-4, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Tọa đàm “Gắn kết cơ sở giáo dục đại học và doanh nghiệp để phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp trình độ cao.”
Bà Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam dự báo đến năm 2020, nguồn nhân lực khối ngành này sẽ thiếu khoảng 3,2 triệu lao động qua đào tạo. Không những vậy, lao động nông nghiệp Việt Nam đang ở độ tuổi cao và thiếu lao động có trình độ tay nghề, công nhân kỹ thuật bậc cao.
Trong khi đó, thực tế một số ngành nông nghiệp chưa thực sự thu hút được người học, tuyển sinh gặp khó khăn. Việc đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao để phát triển nền nông nghiệp, nông thôn là yêu cầu cấp bách và là thách thức lớn nhất đối với các cơ sở đào tạo nông nghiệp.
Việt Nam tuy có nhiều lợi thế để phát triển nông nghiệp nhưng đa số nguồn nhân lực trong nông nghiệp (với tỷ trọng khoảng 46%) chưa đáp ứng được yêu cầu của việc ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ mới.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhận định, việc đào tạo nguồn nhân lực có đủ kiến thức và kỹ năng, phẩm chất và thái độ đáp ứng các yêu cầu và đòi hỏi của nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nền nông nghiệp thông minh có vai trò quan trọng, mang tính quyết định đến sự nghiệp công nghiệp hóa-hiện đại hóa nông nghiệp.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, các cơ sở giáo dục đại học có đào tạo nguồn nhân lực nông-lâm-ngư nghiệp cần xây dựng kế hoạch đào tạo cần sát hơn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn mới.
Các cơ sở giáo dục đại học có đào tạo nguồn nhân lực nông-lâm-ngư nghiệp cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Bộ gắn kết đào tạo với thực hiện các chương trình phát triển nông nghiệp, nông thôn mà Bộ đang triển khai tạo điều kiện để sinh viên tiếp cận với thực tế sớm, để kiến thức, kỹ năng gắn liền với cuộc sống, để khi ra trường các em có thể phát huy ngay trong điều kiện thực tiễn.
Bên cạnh đó, việc doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo của cơ sở giáo dục đại học là rất cần thiết. Do đó, cần phải nhận thức rõ sức ảnh hưởng và tác động của việc gắn kết giữa cơ sở giáo dục đại học và doanh nghiệp; cần thay đổi chiến lược về đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực nông-lâm-ngư nghiệp để có thể thích ứng với sự phát triển doanh nghiệp nông nghiệp, đảm bảo cho nền nông nghiệp nước nhà phát triển nhanh và bền vững.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cũng cho rằng, vấn đế kết nối giữa nhà trường-doanh nghiệp không phải là mới. Đây là hoạt động thường xuyên, tất yếu trong đào tạo, kết nối cung-cầu về nhân lực.
Việc kết nối nhà trường-doanh nghiệp không chỉ dừng lại ở việc cấp học bổng hay tạo cơ hội thực tập cho sinh viên tốt nghiệp, mà còn phải ở nhiều phương diện khác như: xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học và đặt hàng đào tạo, xác định chuẩn đầu ra… Có như vậy mối gắn kết mới đi vào thực chất, hiệu quả.
Bà Nguyễn Thị Lan cho biết, hiện Học viện đã hợp tác với trên 150 doanh nghiệp nhằm tạo điều kiện thực thành thực tập thực tế cho sinh viên.
Học viện đã tăng tương thời gian thực hành của các học phần. Đặc biệt là các học phần thực tập nghề nghiệp tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Các sinh viên được cử đi thực tập tại các cơ sở sản xuất kinh doanh. Điều này sẽ giúp sinh viên sẽ tiếp cận và làm chủ các trang thiết bị, công nghệ, kỹ thuật hiện đại và tăng khả năng thích ứng sau khi ra trường.
Bên cạnh đó, Học viện đã xây dựng được các hợp tác chặt chẽ với các đối tác Nhật Bản, Israel, Hàn Quốc… trong đào tạo ngắn hạn cho sinh viên và các thành phần trong chuỗi sản xuất nông nghiệp tại nước ngoài.
Sau diễn đàn, đã có hơn 30 biên bản thỏa thuận hợp tác thiết thực giữa các cơ sở giáo dục đại học và các doanh nghiệp trong đào tạo và đào tạo bổ sung nguồn nhân lực nông nghiệp trình độ cao.
Theo vietnamplus