Đó là những nông dân làm mô hình trồng lan Mokara đầu tiên ở các xã miền núi Hòa Vang và là gương điển hình về nông dân thời đại công nghiệp 4.0.
Ông Thạnh chăm sóc lan Mokara. |
Ông Nguyễn Văn Thạnh, 54 tuổi, ở thôn Lộc Mỹ, xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang) sử dụng thành thạo vi tính, vận dụng nhiều tiến bộ khoa học vào thực tế trồng trọt, chăn nuôi, đạt danh hiệu “Nông dân sản suất-kinh doanh giỏi” nhiều năm liền.
Qua truy cập Internet và tham khảo thực tế cách trồng lan Mokara ở các tỉnh phía Nam, ông Thạnh cùng ông Trần Ngọc Ánh đã mạnh dạn đầu tư trồng vườn lan Mokara từ năm 2016 và trở thành mô hình trồng lan Mokara đầu tiên trên miền núi Hòa Vang.
Với quyết tâm vượt khó làm giàu, cả hai đầu tư hàng trăm triệu đồng để xây dựng nhà lưới, tường rào, lắp đặt hệ thống tưới nước tự động, xây nhà chứa vật tư, dụng cụ ngay tại vườn lan... Bước đầu, hai ông trồng 1.000 cây giống mua từ thành phố Hồ Chí Minh (giá 50.000 đồng/cây).
Lan trồng được 1 năm rưỡi, hai ông cắt phần ngọn trồng nhân giống, phần gốc lại mọc ra nhiều nhánh con; 3 tháng sau, tiếp tục cắt nhánh trồng nhân rộng, chỉ để lại 1 nhánh cho ra hoa. Chẳng bao lâu, ông Thạnh và ông Ánh đã trồng hết khu vườn rộng 1.500m2 với tổng số 10.000 cây giống.
Ông Thạnh cho biết, trồng lan Mokara phải bón lót bằng lớp vỏ đậu phụng dày 25cm và đóng ống nhựa cao 1,2 mét (phi 42) theo từng luống. Các luống cách nhau 0,5 mét; mỗi luống đóng 4 hàng ống nhựa với khoảng cách 35cm. Mỗi ống nhựa được bó vào 2 nhánh lan giống, đặt cách mặt đất 15cm.
Hằng ngày, tưới nước 2 lần, mỗi lần 10 phút. Sau 3 tháng trồng, rễ lan phát triển, hút dinh dưỡng trong lớp vỏ đậu cùng với dinh dưỡng từ phân hữu cơ được bón vào gốc và bón qua lá. Lan Mokara trồng khoảng 6 tháng là bắt đầu có hoa bán. Hoa có nhiều màu sắc óng ánh và có thể chưng được hàng tháng trời.
Thành thạo kỹ thuật, ông Thạnh và ông Ánh áp dụng công nghệ tưới phun sương điều khiển bằng điện thoại di động và bón phân bằng bình xịt, qua đó điều chỉnh cây ra hoa chuẩn về màu sắc và độ đồng đều cao cũng như giảm được chi phí chăm sóc. Cả khu vườn rộng nhưng hằng ngày chỉ có 3 lao động với giá tiền công mỗi người 250.000 đồng/ngày. Dù ở đâu, cả hai đều dễ dàng tưới nước cho lan theo đúng quy trình kỹ thuật.
Hoa lan Mokara dễ tiêu thụ bởi cung chưa đủ cầu nên sản phẩm của ông Thạnh và ông Ánh được các đại lý hoa ở chợ Hàn và chợ Cồn tiêu thụ thường xuyên, có bao nhiêu cũng bán hết. Không những vậy, các khách sạn, khu nghỉ mát, doanh nghiệp lớn cũng rất chuộng chưng lan Mokara. Đến năm 2018, sau khi trừ hết chi phí đầu tư, hai ông thu lãi hơn 100 triệu đồng và hiện đang tiếp tục mở rộng diện tích trồng lan thêm 2.000m2.
Rạng ngời niềm vui, ông Ánh chia sẻ: “Cây lan Mokara sống chục năm, có hoa bán liên tục hằng quý, mỗi cành hoa hiện có giá từ 5.000 - 7.000 đồng”.
Mô hình trồng lan Mokara của ông Thạnh và ông Ánh được chính quyền địa phương cùng các cơ quan chức năng của thành phố Đà Nẵng và huyện Hòa Vang đầu tư, hỗ trợ, tạo thuận lợi trong quá trình sản xuất. Đặc biệt, UBND xã Hòa Bắc hỗ trợ kinh phí, xây dựng vườn lan Mokara của hai ông thành vườn mẫu, tổ chức cho bà con nông dân đến tham quan và trao đổi kinh nghiệm trồng lan Mokara để học hỏi, vận dụng.
Theo Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Nguyễn Đình Khánh Vân, đây là mô hình trồng lan Mokara đầu tiên ở các xã miền núi Hòa Vang và là gương điển hình về trình độ nông dân thời đại công nghiệp 4.0.
Bài và ảnh: LÊ VĂN THƠM