Vì sự an toàn của người tiêu dùng

.

Thời gian qua, nhiều vụ việc liên quan đến vấn đề an toàn thực phẩm, mới nhất là việc 18.000 chai tương ớt Chinsu bị Nhật Bản thu hồi do liên quan đến việc sử dụng chất acid benzoic - chất bị cấm dùng ở nước nhập khẩu, một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo cho các doanh nghiệp trong việc thận trọng khi sử dụng các chất dễ gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng.

Người tiêu dùng mong muốn cơ quan chức năng sớm làm rõ những thông tin liên quan đến sản phẩm tương ớt Chinsu.
Người tiêu dùng mong muốn cơ quan chức năng sớm làm rõ những thông tin liên quan đến sản phẩm tương ớt Chinsu.

Về việc sử dụng acid benzonic trong tương ớt Chinsu, ông Nguyễn Minh Tiến, Phó Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố cho hay, acid benzonic là chất được sử dụng để chống nấm mốc trong thực phẩm và được phép sử dụng tại nhiều quốc gia trên thế giới. Cụ thể, trong quy định do Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm của Liên Hiệp Quốc (CAC) cho phép sử dụng acid benzonic ở mức dưới 1g/1kg sản phẩm. Tuy nhiên, nếu ăn nhiều acid benzoic, cơ thể sẽ bị ảnh hưởng vì glucocol dùng để tổng hợp protein sẽ bị mất do tác dụng với acid benzoic để giải độc. “Nhiều người quan tâm hàm lượng, nồng độ của chất phụ gia này mà chưa chú ý tới lượng ăn vào. Ví dụ, ở ngưỡng dưới 1g/1kg sản phẩm, acid benzoic có trong thực phẩm là an toàn, nhưng chúng sẽ không còn an toàn nếu lượng ăn vào quá nhiều, vượt hàm lượng cho phép”, ông Tiến nói.

Hiện nay, 189 quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam và Nhật Bản cùng tham gia vào CAC. Riêng tại Việt Nam, Bộ Y tế có Thông tư 27/2012/TT BYT cho phép sử dụng chất phụ gia này nhằm bảo quản thực phẩm với hàm lượng theo tiêu chuẩn chung mà CAC đặt ra. Tuy nhiên, một số nước phát triển như Nhật Bản, Mỹ, châu Âu có những đánh giá riêng và bên cạnh quy định của CAC thì khi xây dựng tiêu chuẩn, các nước này đánh giá trên tổng quan lượng tiêu thụ thực phẩm của người dân nước đó để có tiêu chuẩn riêng. “Tôi cho rằng, người dân cần bình tĩnh khi tiếp cận thông tin, không nên quá hoang mang mà cần tìm hiểu kỹ vấn đề và chờ cơ quan chức năng công bố kết luận cuối cùng. Qua sự việc này, người dân khi mua và sử dụng thực phẩm cũng cần tìm hiểu kỹ về nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ cũng như các chỉ số thành phần cấu thành sản phẩm trên bao bì để có thể tiêu dùng thông minh, an toàn”, ông Tiến khuyến cáo.

Là một khách hàng thường xuyên sử dụng tương ớt Chinsu, bà Phan Thị Thúy Diễm (trú quận Hải Châu) cho rằng, nên tuyên truyền, làm rõ về vụ việc này vì do sản phẩm được sử dụng rất phổ biến trong đời sống hiện nay, trong đó có các em nhỏ. Các cơ quan quản lý Nhà nước cần có sự kiểm soát chặt chẽ hơn nữa đối với quy định về hàm lượng các loại chất phụ gia được sử dụng trong thực phẩm; đồng thời, phải làm rõ đến cùng sự việc này nhằm rộng đường dư luận. “Hiện ở nước ta, kiến thức, sự am hiểu cũng như truyền thông về an toàn thực phẩm còn chưa nhiều.

Đơn cử, nếu không xảy ra việc 18.000 chai tương ớt Chinsu bị trả về thì bản thân người tiêu dùng như tôi sẽ chẳng biết đến trong sản phẩm tương ớt có sử dụng acid benzonic và ảnh hưởng của nó đến sức khỏe con người”, bà Thúy Diễm nói.

Ở một khía cạnh khác, ông Trần Hoàng Vũ (trú quận Sơn Trà) bày tỏ ý kiến: “Một sản phẩm chỉ có thể tồn tại và duy trì sự phát triển bền vững khi nó đặt lợi ích người tiêu dùng lên trên lợi ích của doanh nghiệp. Nếu những sản phẩm đã được cộng đồng ủng hộ, nhưng khi phát hiện ra sự dối trá, không vì lợi ích của người tiêu dùng thì nó sẽ sớm bị người dân quay lưng”.

Trong khi đó, đại diện một số siêu thị, cửa hàng kinh doanh trên địa bàn thành phố cho biết, sản phẩm tương ớt Chinsu vẫn được bày bán như trước đây do đến thời điểm này, mọi việc vẫn chưa có kết quả cuối cùng.

Bài và ảnh: KHÁNH HÒA


 

;
;
.
.
.
.
.