Cần linh hoạt trong cải cách thủ tục hành chính

.

Hướng tới mục tiêu xây dựng Đà Nẵng thành đô thị hiện đại, văn minh, xứng tầm là điểm đến về thu hút đầu tư thì hoạt động cải cách thủ tục hành chính phải đi vào chiều sâu, trong đó lấy yếu tố con người, công nghệ thông tin và sự linh hoạt làm nền tảng.

Doanh nghiệp cho rằng thủ tục hành chính áp dụng đúng luật nhưng phải trên tinh thần linh hoạt.
Doanh nghiệp cho rằng thủ tục hành chính áp dụng đúng luật nhưng phải trên tinh thần linh hoạt.

Ông Phan Hải, Giám đốc Công ty TNHH Giày BQ: Phải có tư duy và khát vọng cao hơn nữa

Với kinh nghiệm của mình, tôi khẳng định Đà Nẵng là một trong những địa phương được cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân đánh giá cao trong công tác cải cách thủ tục hành chính. Thành phố rất linh hoạt trong việc xử lý các hồ sơ, thủ tục cho doanh nghiệp, so với nhiều địa phương khác, đây là điểm cộng của thành phố.

Tuy nhiên, với yêu cầu của giai đoạn phát triển mới, thành phố cần đặt ra cho mình mục tiêu cao hơn nữa. Khi mà dư địa cũng như nguồn lực về đất đai để phát triển đã không còn dồi dào như trước, thì bài toán đưa ra lúc này là thành phố phải tập trung phát triển vào chiều sâu, tăng hàm lượng chất xám cũng như giá trị của các sản phẩm, dịch vụ. Trong đó, công tác cải cách thủ tục hành chính cần tiếp tục đẩy mạnh việc rà soát, rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính; tư vấn cho nhà đầu tư, người kinh doanh làm đúng luật nhưng phải trên cơ sở linh hoạt.

Đà Nẵng phải đặt cho mình một mục tiêu cao hơn khi muốn vươn lên trở thành điểm đến của khu vực và quốc tế về thu hút đầu tư, du lịch và dịch vụ thì có 2 vấn đề cần quan tâm, đó là công nghệ thông tin và thái độ, tư duy của người cán bộ, công chức, viên chức. Hiện nay, việc áp dụng công nghệ thông tin vào thực hiện thủ tục hành chính đã được Đà Nẵng làm khá tốt, nhưng trong tương lai, với yêu cầu kết nối sâu rộng, vượt qua biên giới quốc gia thì thành phố cần đẩy mạnh hơn nữa các ứng dụng này.

Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức phải có sự chuyển biến mạnh mẽ trong tư duy để theo kịp với sự phát triển của xã hội, xu thế mới và trên hết, rất cần những con người có tinh thần tận hiến, làm việc vì cái chung nhiều hơn tư lợi riêng. Đây chính là chìa khóa góp phần tạo nên sức mạnh mềm cho Đà Nẵng bên cạnh những lợi thế về vị trí địa lý, điều kiện về cơ sở hạ tầng.

Ông Lê Minh Phúc, Tổng Giám đốc Công ty CP Vinacapital, Phó Chủ nhiệm CLB FDI Đà Nẵng: Luật phải đi trước để kiến tạo cho thị trường

Vướng mắc nhất của cải cách hành chính ở Đà Nẵng hiện nay là trong khi thị trường đầu tư của thành phố rất phát triển, tiệm cận nhiều xu thế của thế giới thì luật hay các cơ chế quản lý Nhà nước lại đi sau, nên khi muốn linh hoạt cho các nhà đầu tư để triển khai dự án sẽ dễ rơi vào rủi ro. Ví dụ, thời gian qua, xu thế phát triển condotel rầm rộ tại nhiều tỉnh, thành phố, trong đó có Đà Nẵng, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có luật quy định khiến nhiều nhà đầu tư gặp khó khăn.

Thị trường luôn rất năng động, sáng tạo, phát triển và đi trước so với luật. Trong bối cảnh như vậy, tôi cho rằng, để phát triển bền vững, Đà Nẵng phải làm một cách chắc chắn, “luật đi trước, nhà đầu tư đi sau”. Riêng với các dự án, nên phân loại từng cấp độ để có hướng giải quyết hợp lý. Như loại A là những dự án ít sai sót nhất, có thể giải quyết nhanh thì làm nhanh để dự án có thể triển khai ngay. Còn dự án nào khó quá thì chấp nhận chờ đợi thôi.

Ông Nguyễn Trọng Khải, Giám đốc Công ty TNHH K&H: Cần có sự linh hoạt để doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ

Tôi cho rằng Đà Nẵng là một trong những địa phương đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính và đạt được nhiều kết quả. Tuy nhiên, đâu đó vẫn còn một số đơn vị khá cứng nhắc trong việc áp dụng các quy định của luật khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, ức chế. Đơn cử, thời gian qua, công ty chúng tôi gặp một số vướng mắc trong việc thực hiện nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội tại cơ quan Bảo hiểm xã hội Chi nhánh quận Thanh Khê. Cụ thể, theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội thì hằng tháng doanh nghiệp phải đóng đủ tiền BHXH trong tháng (không được gối đầu qua tháng sau)...

Tuy nhiên nếu doanh nghiệp vì lý do tài chính nên chưa đóng trong tháng đó mà phải qua nửa tháng tiếp theo mới đóng đủ thì sẽ bị bảo hiểm phạt tiền nộp chậm và cắt toàn bộ thẻ bảo hiểm y tế của người lao động. Bên cạnh đó, một tháng có nhiều văn bản thông báo của cơ quan bảo hiểm gửi xuống đơn vị. Theo tôi nghĩ, trong khi thành phố đang đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính nhằm hướng đến cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tốt hơn cho doanh nghiệp hoạt động thì với cách làm “cứng nhắc” này sẽ vô tình tạo nên áp lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; đồng thời, ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của người lao động.

KHÁNH HÒA ghi

;
;
.
.
.
.
.