Để chợ đêm độc đáo, hấp dẫn

Bài 1: Sản phẩm mới cho du lịch

.

Đối với những thành phố có ngành du lịch phát triển mạnh thì việc hình thành những khu chợ đêm phục vụ hoạt động vui chơi, giải trí, mua sắm là nhu cầu bức thiết. Đây cũng là nơi thể hiện rõ nét văn hóa đời sống của người dân địa phương từ cung cách giao tiếp, mua bán đến sự độc đáo về ẩm thực. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để chợ đêm độc đáo, hấp dẫn, ngày càng thu hút nhiều người dân và du khách.

Việc chợ đêm Sơn Trà, chợ đêm Thanh Khê, phố đi bộ An Thượng đi vào hoạt động đã phần nào giải “cơn khát” về điểm vui chơi, giải trí kết hợp mua sắm về đêm cho người dân và du khách khi đến Đà Nẵng. Có thêm những điểm đến này, khách du lịch lưu lại Đà Nẵng lâu hơn, nhu cầu chi tiêu cũng tăng lên trong khi nhiều người dân có thêm nguồn thu nhập.

Du khách nước ngoài mua sắm tại chợ đêm Sơn Trà.
Du khách nước ngoài mua sắm tại chợ đêm Sơn Trà. Ảnh: THU HÀ

Nhộn nhịp những “điểm hẹn” về đêm

Gần một năm nay, mỗi khi màn đêm buông xuống, đoạn đường Lý Nam Đế, Mai Hắc Đế, Trần Hưng Đạo (đoạn dưới chân cầu Rồng, thuộc phường An Hải Tây, quận Sơn Trà) lại trở nên nhộn nhịp với từng đoàn người di chuyển về phía khu vực chợ đêm Sơn Trà.

Có người chỉ tản bộ, có người ghé quán nước giải khát và số khác mua sắm; trong đó đông hơn cả vẫn là khách du lịch đến từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Anh, Pháp. Gần 160 gian hàng bày bán tại chợ đêm này có đầy đủ mọi mặt hàng từ áo quần, giày dép, quà lưu niệm, đồ thủ công mỹ nghệ, ẩm thực trong và ngoài nước.

Ông Đỗ Ngọc Thi Ca, Giám đốc Công ty DHTC Đa Năng cho biết, hơn 9 tháng đi vào hoạt động, vào các đêm trong tuần, trung bình khu chợ này đón 5.000 - 6.000 lượt người đến tham quan, mua sắm; riêng thứ bảy, chủ nhật, nhất là các dịp lễ, Tết có thể lên đến 8.000 - 9.000 lượt người/đêm.

Cùng với khu vực vỉa hè thoáng đãng dưới chân cầu Rồng, việc hình thành chợ đêm Sơn Trà đã góp phần biến nơi đây trở thành không gian sinh hoạt, giải trí công cộng nhộn nhịp hằng đêm, trở thành “điểm hẹn” quen thuộc của du khách và người dân trên địa bàn thành phố.

Theo đánh giá từ Phòng Kinh tế quận Sơn Trà, chợ đêm Sơn Trà đã góp phần thúc đẩy phát triển thương mại dịch vụ trên địa bàn phường An Hải Tây; tạo công ăn việc làm cho một bộ phận lao động, tiểu thương, hộ kinh doanh và doanh nghiệp trên địa bàn quận.

Ông Nguyễn Doãn Đông, Chủ tịch HĐQT Công ty DHTC Đa Năng, chủ đầu tư dự án này cho biết, điều đáng mừng nhất khi các khu chợ đêm đi vào hoạt động là giải quyết được phần nào bài toán điểm đến về đêm cho người dân và khách du lịch; đồng thời tạo được việc làm cho hàng trăm hộ với mức thu nhập trung bình 6-10 triệu đồng/quầy hàng/tháng. Riêng chợ đêm Sơn Trà hiện có khoảng 600 người dân tham gia kinh doanh mua bán.

Là đơn vị từng nhiều lần dẫn khách đến chợ đêm Sơn Trà, ông Lê Tấn Thanh Tùng, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Du lịch Việt Nam (Vitour) tại Đà Nẵng nhìn nhận: “Một trong những “điểm nghẽn” của du lịch Đà Nẵng lâu nay là khách đến đông nhưng chi tiêu rất ít, do đó đóng góp từ ngành du lịch cho ngân sách thành phố chưa đạt như kỳ vọng. Phần lớn du khách chỉ lưu trú tại thành phố 1-2 đêm rồi di chuyển vào Hội An (tỉnh Quảng Nam) hoặc Thừa Thiên Huế. Trước thực trạng đó, chợ đêm Sơn Trà ra đời mặc dù chưa thực sự đẳng cấp như mong muốn nhưng đã cho thấy nỗ lực của chính quyền các cấp. Đây là cơ sở để chúng ta hy vọng một số khu chợ đêm kết hợp phố đi bộ hoành tráng và chuyên nghiệp hơn”.

Theo Ban quản lý chợ đêm Sơn Trà, mặc dù mới đi vào hoạt động vài tháng nhưng khu chợ đã quá tải, nhất là vào các dịp lễ, Tết hay cuối tuần. Thậm chí có thời điểm khách phải chen chân mới di chuyển được. Công ty DHTC đang trình UBND quận Sơn Trà phương án mở rộng không gian tại khu chợ thêm 100 gian hàng cùng ở hai tuyến đường Mai Hắc Đế và Lý Nam Đế.

Trong khi đó, gần đây, khu vực trung tâm phía tây thành phố, chợ đêm Thanh Khê (phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê) đã hình thành và xác định rõ phân khúc phục vụ là đối tượng người dân, học sinh, sinh viên và công nhân sinh sống trên địa bàn quận.

Từ đây, chợ đêm đã đón nhiều lượt khách đến vui chơi, giải trí và mua sắm. Khu chợ này đã góp phần cải thiện đời sống tinh thần cho người dân ở khu vực xung quanh cũng như giải quyết việc làm và tăng thêm thu nhập cho hàng trăm hộ dân; đồng thời “thắp sáng” cả một đoạn đường hơn 1km dọc tuyến kênh Phú Lộc.

Hàng hóa, dịch vụ còn đơn giản, đại trà

Việc hình thành các khu chợ đêm Sơn Trà, Thanh Khê, phố đi bộ An Thượng mặc dù là tín hiệu đáng mừng cho thành phố nói chung, ngành du lịch nói riêng; tuy nhiên, theo đánh giá của du khách cũng như các đơn vị kinh doanh lĩnh vực này thì chất lượng các mặt hàng tại chợ đêm chưa cao, mẫu mã còn đơn điệu.

Chị Vũ Thị Huế, du khách đến từ thành phố Hồ Chí Minh cho hay: “Các sản phẩm bày bán tại các chợ đêm cũng giống như nhiều chợ hay quầy hàng lưu niệm với mũ, túi cói, giày dép, bao lưng điện thoại nên không mua ở đây chúng tôi có thể đến chỗ khác”. Trong khi đó, nhiều đơn vị kinh doanh du lịch phản ánh ở chợ đêm chưa có những sản phẩm đặc trưng của Đà Nẵng.

Tham gia bán hàng từ những ngày mới đi vào hoạt động, theo đánh giá của chị Hương, chủ ki-ốt bán vòng đeo tay, hoa tai, trang sức chợ đêm Sơn Trà, các gian hàng cơ bản mới chỉ thu hút khách du lịch trong nước, chủ yếu là những người trẻ tuổi, sức mua chưa nhiều. Du khách nước ngoài đa số đến tham quan, chỉ những món đồ thật riêng, thật độc đáo mới tiêu thụ tốt.

Chợ đêm Sơn Trà hút khách sau gần 9 tháng đi vào hoạt động.                                                                    Ảnh: Khánh Hòa
Chợ đêm Sơn Trà hút khách sau gần 9 tháng đi vào hoạt động. Ảnh: Khánh Hòa

Mặt khác, vấn đề vệ sinh môi trường ở các khu chợ này cũng còn nhiều hạn chế cần khắc phục. Ông Hồ Ngọc Thi Ca thẳng thắn bày tỏ, mặc dù đơn vị đã hợp đồng với Công ty CP Môi trường đô thị về việc dọn vệ sinh từ thời điểm kết thúc buổi chợ lúc 2 giờ đến 5 giờ sáng nhằm trả lại mặt bằng sạch đẹp vào sáng hôm sau, đồng thời lắp 2 khu nhà vệ sinh công cộng nhưng vẫn có thời điểm công tác dọn dẹp chưa đạt yêu cầu.

“Chúng tôi đang đề xuất quận để được sử dụng một khu nhà vệ sinh công cộng ở trường học gần đó, cam kết sẽ dọn dẹp sạch sẽ. Ngoài ra, đơn vị đã hợp đồng với tổ dọn vệ sinh của phụ nữ quận để sử dụng máy làm sạch đường vào các ngày thứ bảy hoặc chủ nhật hằng tuần; đồng thời, yêu cầu tất cả các quầy hàng ăn uống phải trải bạt phía dưới khu vực nấu nướng nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các loại dầu mỡ rơi xuống mặt đường. Thời gian tới, chúng tôi sẽ nỗ lực hơn nữa để hoàn thiện công tác vệ sinh môi trường cho khu chợ đêm này”, ông Ca khẳng định.

Tại chợ đêm Thanh Khê, vấn đề vệ sinh môi trường còn gắn với việc nghiêm cấm người bán, người dân và du khách vứt rác xuống hệ thống kênh Phú Lộc. Tại đây, Ban quản lý chợ yêu cầu mỗi quầy hàng phải có thùng rác và thường xuyên nhắc nhở người dân, du khách bỏ rác vào thùng. Bên cạnh đó, Ban quản lý tiến hành lắp đặt các nhà vệ sinh công cộng tại đây.

Đối với chất lượng nguồn hàng hóa, một tiểu thương kinh doanh tại chợ đêm Sơn Trà cho biết, hiện nay, nguồn hàng chủ yếu nhập về từ các chợ trên địa bàn thành phố như: chợ Hàn, chợ Cồn… nên chưa có nhiều sự khác biệt. Tuy nhiên, nhận thấy nhu cầu của du khách, nhất là khách quốc tế thích những sản phẩm độc lạ nên một số tiểu thương đã nhanh chóng tìm nguồn hàng ở các địa phương lân cận hoặc ở các công ty, đơn vị sản xuất hàng quà lưu niệm trên địa bàn thành phố.

Nổi bật và thu hút đông khách nước ngoài tại chợ đêm Sơn Trà phải kể đến sản phẩm vẽ trên quạt, trên nón lá, các món đồ gắn với hình ảnh cầu Rồng, cầu Sông Hàn, tòa nhà Trung tâm Hành chính thành phố được cắt, khắc bằng laser tại gian hàng lưu niệm, quà tặng Jimmy shop.

Theo ông Nguyễn Tiến Quang, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - Chi nhánh Đà Nẵng, sau một thời gian dài chờ đợi, việc hình thành hai khu chợ đêm Sơn Trà, chợ đêm Thanh Khê và trước đó là khu phố đi bộ An Thượng (quận Ngũ Hành Sơn) đã cho thấy động thái tích cực đầu tiên cho việc giải quyết vấn đề này ở Đà Nẵng. Ngoài ra, từ thất bại của chợ đêm Hùng Vương những năm trước, đến hình thành chợ đêm Sơn Trà và Thanh Khê được xem là bước tiến mới, tạo động lực cũng như kinh nghiệm để thúc đẩy việc hình thành những dự án chợ đêm, phố đi bộ khác chuyên nghiệp hơn.

Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận, các khu chợ này mới chỉ dừng lại ở mức thuần túy là nơi diễn ra hoạt động mua bán, chưa kết nối được nét văn hóa, ẩm thực của địa phương để thỏa mãn nhu cầu tìm hiểu, trải nghiệm của du khách, vốn là xu thế của du lịch hiện đại. “Tất nhiên, với vị thế xây dựng ở khu vực đó thì việc các chợ đêm thu hút được thường xuyên lượng lớn khách hàng như thời gian qua đã là thành công. Nhưng để phát triển và đáp ứng về lâu dài, bắt buộc phải mở rộng và nâng cấp hơn nữa về chất lượng dịch vụ, nguồn hàng hóa…”, ông Quang nói.

KHÁNH HÒA – THU HÀ

;
;
.
.
.
.
.