Doanh nghiệp rộng cửa vào thị trường mới

.

Đối với Việt Nam, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) bắt đầu có hiệu lực từ tháng 1-2019 đã mở ra cơ hội hợp tác sâu rộng cho doanh nghiệp (DN) vào các thị trường mới.

Việc nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư đến từ các quốc gia tham gia Hiệp định CPTPP quan tâm đến Đà Nẵng kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội mới cho doanh nghiệp thành phố, tăng hiệu quả thu hút đầu tư.
Việc nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư đến từ các quốc gia tham gia Hiệp định CPTPP quan tâm đến Đà Nẵng kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội mới cho doanh nghiệp thành phố, tăng hiệu quả thu hút đầu tư.

Trong số 11 quốc gia, vùng lãnh thổ tham gia ký Hiệp định CPTPP, các DN Đà Nẵng đã đặt mối quan hệ làm ăn từ nhiều năm nay với Nhật Bản, Singapore…, và mới nhất là Canada, Chile. Những ngày cuối tháng 3 vừa qua, một phái đoàn gồm 15 DN hoạt động ở các lĩnh vực giáo dục, xây dựng, công nghệ cao Canada đã đến Đà Nẵng tìm hiểu cơ hội, liên kết đầu tư.

Dẫn đầu đoàn DN làm việc tại Đà Nẵng mới đây, cựu nghị sĩ Bryon Wilfert, thành viên Hội đồng Cố vấn Hoàng gia Canada, Chủ tịch HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc Viện Đào tạo Giám đốc DN Canada phát biểu, hiện nay có rất nhiều DN Canada quan tâm và háo hức muốn tìm hiểu, đầu tư vào Đà Nẵng lâu dài, bền vững.

Việc thông qua Hiệp định CPTPP đã tạo động lực mạnh mẽ hơn nữa trong việc phát triển mối quan hệ giữa hai quốc gia, mở ra nhiều cơ hội hợp tác đầu tư lớn, bởi những rào cản mà DN hay than thở như thuế quan đã có lộ trình được gỡ bỏ phần lớn.

Ông Bryon Wilfert cũng nhấn mạnh, Chính phủ của hai nước đã tạo cơ hội tốt cho DN, vấn đề bây giờ là sự chủ động của nhà đầu tư. 

Bày tỏ hy vọng có thể kết nối để đầu tư vào Đà Nẵng ở lĩnh vực xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng cao cấp, trao đổi với phóng viên Báo Đà Nẵng bên lề buổi làm việc của đoàn, ông Guido Rapone, Tổng Giám đốc Công ty Durabond Products Limited, một DN lớn của Canada có 50 năm hoạt động cho rằng, Đà Nẵng đang đẩy mạnh hoạt động xây dựng đô thị và đây chính là thế mạnh của DN.

Trong khi đó, ông Rashid Khan, Quản lý cấp trung Trường trung học tư thục CAN - Aim High School (thành phố Toronto) bày tỏ: “Tôi đến Đà Nẵng sau một chuyến bay dài và quan tâm, kỳ vọng lớn có thể mở ra cơ hội đầu tư tại đây. Tôi thực sự nghiêm túc khi đến Đà Nẵng”.

Theo ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản Thuận Phước, các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) nói chung và Hiệp định CPTPP nói riêng đều hướng đến đối tượng được hưởng lợi là DN. Trong đó, thuế quan là một yếu tố không thể không nhắc đến. Thế nhưng, điều lớn nhất mà DN được hưởng lợi không phải là thuế mà nằm ở sự thay đổi thể chế cho phù hợp, sự thông thoáng trong kinh doanh.

“Tham gia Hiệp định CPTPP hay các FTA nói chung đồng nghĩa với việc Việt Nam sẽ phải sẵn sàng thay đổi các văn bản pháp luật không còn phù hợp trong sân chơi hội nhập, phải tuân thủ các quy tắc của FTA. Chính điều này sẽ “cởi trói” cho DN. Các cơ quan công quyền sẽ phải dần từ bỏ tư tưởng kiểm tra, kiểm soát DN, thay vào đó là trở lại phục vụ DN. Tất nhiên, việc thay đổi này cần có thời gian, nhưng DN có quyền hy vọng sẽ có sự đột phá trong các chính sách thu hút đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh. Bên cạnh đó, Hiệp định CPTPP cũng mang lại sự công bằng cho DN quốc doanh và DN tư nhân”, ông Lĩnh nói.

Ông Nguyễn Tiến Quang, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Đà Nẵng cho rằng, việc các nước thành viên của Hiệp định CPTPP khi đầu tư vào Việt Nam không chỉ là cơ hội tiếp cận thị trường Việt Nam mà còn rộng ra khu vực Đông Nam Á, châu Âu; ngược lại, DN Việt Nam cũng được tiếp cận các thị trường mới, mở ra nhiều cơ hội hơn trong xúc tiến đầu tư.

Đánh giá về những thị trường mới như Canada, ông Nguyễn Tiến Quang cho biết, đây là thị trường lớn, nhiều DN trên địa bàn thành phố đã đặt quan hệ làm ăn ở các lĩnh vực dệt may, thủy sản... Hiện nay, quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Canada đang bước vào thời kỳ tốt đẹp, cả hai có điểm chung là rất chủ động trong hội nhập và xúc tiến những cuộc đàm phán để gia nhập với các đối tác lớn như EU.

Điều này là thuận lợi để tìm được tiếng nói chung trong kêu gọi và hợp tác đầu tư. Việc một loạt DN Canada lựa chọn Đà Nẵng là điểm đến cho thấy uy tín và cơ hội đầu tư của thành phố; đồng thời tạo tiền đề quan trọng cho việc hợp tác về sau. Những lĩnh vực Đà Nẵng đang ưu tiên phát triển như: hạ tầng, quản trị đô thị, đào tạo nguồn nhân lực, môi trường và biến đổi khí hậu, công nghệ cao… cũng là thế mạnh của Canada.

Ở khía cạnh khác, theo ông David Joseph Devine, cựu Đại sứ Canada tại Việt Nam, điều quan trọng sau Hiệp định CPTPP là làm sao để DN hai nước khai thác và tận dụng được các cơ hội.

“Tôi không thấy rào cản nào lớn, có chăng chỉ là các DN không tự đứng lên, không vươn mình ra để bắt tay nhau, cùng nhau nỗ lực khai thác lợi thế mà chính phủ các nước thành viên của Hiệp định CPTPP đã nỗ lực đàm phán và đạt được. Việt Nam đóng vai trò quan trọng, nhất là mối quan hệ của hai nước trong Hiệp định CPTPP, chúng tôi cam kết hỗ trợ cho DN Đà Nẵng có kế hoạch kinh doanh ổn định, mở rộng thị trường tại Canada”, ông Bryon Wilfert nói.

“Chúng tôi đánh giá cao tiềm năng phát triển của Đà Nẵng. Đà Nẵng không chỉ coi trọng về lĩnh vực du lịch và đầu tư, mà còn có chiến lược. Hiện nay, số lượng DN Nhật Bản trong Hiệp hội DN Nhật Bản tại Đà Nẵng đã tăng gấp đôi trong vòng 5 năm qua với 127 DN thành viên. 5 năm trước, chưa hề có đường bay trực tiếp Đà Nẵng - Nhật Bản, đến nay, một tuần có 14 chuyến bay. Số lượng khách du lịch Nhật Bản vào Đà Nẵng năm 2017 hơn 140.000 người”, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Kunio Umeda vui mừng cho hay. 

Bài và ảnh: KHÁNH HÒA
 

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.