Gỡ khó cho doanh nghiệp khoa học và công nghệ

.

Nhằm khuyến khích cá nhân, doanh nghiệp (DN) thành lập và chuyển đổi sang mô hình DN khoa học và công nghệ (KH&CN), Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành nhiều ưu đãi về thuế, tín dụng và các chính sách hỗ trợ.

Doanh nghiệp khoa học và công nghệ được hưởng nhiều ưu đãi.
Doanh nghiệp khoa học và công nghệ được hưởng nhiều ưu đãi.

Theo Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011-2020, đến năm 2020 sẽ hình thành 5.000 DN KH&CN trên cả nước. Tuy nhiên, đến tháng 8-2018, mới có 386 DN được cấp giấy chứng nhận DN KH&CN. Tại Đà Nẵng hiện mới chỉ có 6 DN KH&CN, trong khi đó mục tiêu hết năm 2020, con số này nâng lên 10-15 DN thì vẫn chiếm con số khá nhỏ so với cả nước.

Các DN KH&CN cho biết, một trong những “nút thắt” là việc tiếp cận nguồn vốn để đầu tư thiết bị, công nghệ mới cũng như chi phí cho việc nghiên cứu cải tiến công nghệ sản xuất đang còn gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, để nhận được hỗ trợ thì DN KH&CN phải chứng minh được sản phẩm đăng ký hình thành từ kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; chứng minh quyền sở hữu; giải trình quá trình ươm tạo và làm chủ công nghệ… mà không phải DN nào cũng sẵn sàng chia sẻ bí quyết công nghệ. Hơn nữa, trong quá trình nghiên cứu hoàn thiện sản phẩm thì DN KH&CN phải tự bỏ chi phí và chỉ nhận được hỗ trợ khi chứng minh tính hiệu quả hay điểm mới của công nghệ (điều này chỉ khi nghiên cứu hoàn tất mới đánh giá được).

Để gỡ khó cho DN KH&CN, Bộ Khoa học và Công nghệ đã xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định 13/2013/NĐ-CP (gọi tắt là Nghị định 13) về DN KH&CN, có hiệu lực thi hành từ ngày 20-3-2019. Bà Vũ Thị Bích Hậu, Phó Giám đốc Sở KH&CN cho biết, theo Nghị định 13, DN KH&CN được Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia, Quỹ phát triển KH&CN… tài trợ, cho vay với lãi suất ưu đãi và bảo lãnh vay vốn để thúc đẩy ứng dụng vào sản xuất thực tế và rất nhiều ưu đãi khác…

Theo bà Bích Hậu, ngoài 6 DN KH&CN, hiện đang có 2 DN KH&CN đang làm thủ tục để chuyển đổi thành DN KH&CN. Sở đã tập trung hỗ trợ các DN nghiên cứu, ứng dụng, đổi mới và chuyển giao công nghệ; tập trung phát triển các sản phẩm theo chuỗi giá trị sản xuất. Ngoài ra, để có kinh phí, DN KH&CN có thể tham gia các chương trình như: Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020, Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020, Chương trình tìm kiếm và chuyển giao công nghệ nước ngoài đến năm 2020…

Ông Hà Đức Hùng, Giám đốc Công ty CP Cơ khí Hà Giang Phước Tường (một trong hai DN đang làm thủ tục để chuyển đổi thành DN KH&CN) cho hay, Nghị định 13 có hiệu lực tạo điều kiện cho DN thuộc mọi lĩnh vực đều có thể đăng ký trở thành DN KH&CN. Hiện nay, việc chuyển đổi đang thuận lợi.

“Trước đây, các tổ chức muốn đăng ký thành lập DN KH&CN phải thuộc một trong bảy lĩnh vực được quy định. Bên cạnh đó, hiện nay chỉ cần tối thiểu 30% doanh thu hằng năm từ việc sản xuất, kinh doanh sản phẩm hình thành từ kết quả KH&CN (ngoại trừ các DN mới thành lập dưới 5 năm), so với điều kiện 70% doanh thu trước đây thì con số mới này được coi là phù hợp hơn rất nhiều. Các DN KH&CN sẽ được miễn thuế thu nhập trong 4 năm đầu và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo”, ông Hùng chia sẻ.

Những điều kiện chứng nhận và ưu đãi thuế nêu trên cho phép DN vừa linh động xác lập mục tiêu kinh doanh sản phẩm KH&CN theo năng lực và biến động thị trường (nhưng vẫn cần đáp ứng mức tối thiểu 30% doanh thu) vừa có động cơ mở rộng đầu tư vào KH&CN để thu được lợi ích thuế cao hơn trên phần doanh thu sản phẩm KH&CN được ưu đãi.

Về cơ bản, Nghị định 13 không thay đổi quá nhiều so với Nghị định 80/2007/NĐ-CP về DN KH&CN, nhưng đã tạo điều kiện để giải quyết tốt hơn việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính liên quan đến việc thành lập DN KH&CN. Một số chính sách ưu đãi của Nhà nước cũng đã được quy định rõ ràng và dễ đáp ứng hơn.

Tuy nhiên, vẫn tồn tại một số vướng mắc đòi hỏi phải được điều chỉnh ở các văn bản quy định cao hơn. Ví dụ, chính sách ưu đãi tín dụng cho hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và sản xuất kinh doanh trong Nghị định 13 có nguồn tài trợ từ Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia; Quỹ Phát triển KH&CN của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; quỹ bảo lãnh tín dụng DNNVV; cho vay với lãi suất ưu đãi, bảo lãnh vay hoặc hỗ trợ lãi…

Các DN muốn tiếp cận ưu đãi phụ thuộc rất nhiều vào cơ chế hoạt động và năng lực phân bổ của từng quỹ. Các quỹ công lập bị ràng buộc bởi điều kiện “bảo toàn vốn Nhà nước”, trong khi đó đầu tư vào KH&CN vẫn đang là một lĩnh vực có tính rủi ro cao, khả năng thu hồi thấp và kéo dài nhiều năm. Do đó, khả năng DN KH&CN tiếp cận được nguồn vốn từ các quỹ trên vẫn còn khó khăn.

Nghị định 13 như một “cú hích” cho các DN KH&CN và các tổ chức, cá nhân muốn trở thành DN KH&CN. Tuy nhiên, để những quy định mới thật sự mang lại hiệu quả và có sức lan tỏa trong đời sống, các cơ quan quản lý liên quan cần tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách phù hợp.

Bài và ảnh: KHANG NINH

;
;
.
.
.
.
.