Khai thác tiềm năng từ thị trường Nhật Bản

.

Thời gian qua, trong khi nhiều thị trường khách du lịch có biến động thất thường thì riêng lượng khách Nhật Bản đến Đà Nẵng vẫn giữ được sự ổn định. Chính vì vậy, dù được đánh giá là “khó tính”, nhưng đây là dòng khách mà thành phố ưu tiên đẩy mạnh thu hút thông qua các hoạt động xúc tiến, quảng bá.

Khách du lịch Nhật Bản tham quan tại Đà Nẵng.
Khách du lịch Nhật Bản tham quan tại Đà Nẵng.

Thống kê từ Sở Du lịch cho thấy, năm 2018, có khoảng 132.788 lượt khách Nhật Bản đến tham quan, du lịch tại Đà Nẵng, chiếm 4,96% trên tổng số khách quốc tế đến Đà Nẵng. Riêng trong Tuần lễ Vàng của Nhật Bản (từ 27-4 đến 2-5 vừa qua), Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng đã đón 7.053 lượt khách từ các thành phố lớn của Nhật Bản như: Tokyo, Osaka, Nagoya, Saporo, Sendai, Niigata, Fukuoka đến Đà Nẵng để du lịch, tham quan, nghỉ dưỡng...

Xu hướng chung của dòng khách này là lựa chọn các gói sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch di sản văn hóa, du lịch sinh thái làng quê, làng nghề theo mô hình cộng đồng... Thời điểm đón khách du lịch Nhật Bản đông nhất trong năm là các tháng 4, 5, giữa tháng 8 và cuối tháng 12.

Qua phân tích từ Trung tâm Xúc tiến du lịch thành phố, Việt Nam, trong đó có Đà Nẵng là thị trường truyền thống của nhóm khách du lịch lớn tuổi của Nhật Bản, chiếm đến 40% lượng khách Nhật ở độ tuổi này. Kỳ nghỉ của khách thường kéo dài từ 5-7 ngày.

Bà Huỳnh Thị Hương Lan, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch thành phố cho biết, lý do du khách Nhật Bản lựa chọn Đà Nẵng do có sân bay quốc tế, bờ biển đẹp với nhiều khách sạn hạng sang cũng như nhiều điểm tham quan phù hợp với xu hướng du lịch gia đình. Bên cạnh đó, mặt bằng giá cả ở Đà Nẵng vừa phải, môi trường du lịch an ninh, ít kẹt xe và có hạ tầng wifi tốt. Những điểm đến được người Nhật yêu thích nhất là bãi biển Mỹ Khê, khu danh thắng Ngũ Hành Sơn và bán đảo Sơn Trà.

Một số doanh nghiệp khai thác khách du lịch Nhật Bản đánh giá, so với 2,87 triệu lượt khách quốc tế đến Đà Nẵng trong năm 2018, thì lượng khách Nhật Bản vẫn đứng ở vị trí khá khiêm tốn. Tuy nhiên, ưu điểm của dòng khách này là sự ổn định qua từng năm và còn nhiều tiềm năng để khai thác, thu hút.

Ông Đoàn Hải Đăng, Giám đốc Công ty Du lịch Vietravel - Chi nhánh Đà Nẵng bày tỏ, thị trường khách Nhật Bản luôn được nhìn nhận là “khó tính” trong việc lựa chọn điểm đến, nhưng khi đã tin tưởng, họ có sự gắn kết lâu dài.

Tuy nhiên, số lượng khách còn hạn chế do các sản phẩm du lịch mà người Nhật yêu thích chưa phát triển mạnh ở Đà Nẵng. Ngoài ra, việc  hạn chế đường bay cũng khiến việc thu hút dòng khách này gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, mới chỉ có hai đường bay trực tiếp từ Đà Nẵng đến Nhật Bản và ngược lại là Đà Nẵng - Narita (Tokyo) và Đà Nẵng - Osaka với tần suất 7 chuyến/tuần.

“Đà Nẵng cũng có những chuyến bay charter (bay thẳng thuê chuyến) đưa khách sang các thành phố của Nhật Bản, nhưng các chuyến bay này thường kín khách cả chiều đi và chiều về nên rất khó để khách Nhật đặt được vé đến Đà Nẵng. Để cải thiện tình trạng trên thì thành phố phải sớm có kế hoạch mở rộng sân bay, có thêm các chỗ đậu để mở thêm các đường bay thẳng mới”, ông Đăng gợi ý.

Hiện nay, thị trường khách Nhật Bản có sự tăng trội của nhóm khách trẻ và nữ giới. Sự chuyển dịch về cơ cấu khách đòi hỏi Đà Nẵng cần đa dạng hóa sản phẩm du lịch phù hợp với nhóm khách mới và xem xét phương án thông tin cho nhóm khách này một cách hiệu quả. Để phát triển thị trường khách Nhật Bản, các doanh nghiệp, đơn vị lữ hành đề xuất tăng cường chuyến bay trực tiếp, mở các lớp hướng dẫn du lịch bằng tiếng Nhật, cải thiện việc gửi các thông tin về chương trình du lịch và sự kiện, tăng cường tổ chức các chương trình du lịch giáo dục...

Trong mùa hè năm nay, Trung tâm Xúc tiến du lịch đã chuẩn bị ấn phẩm, bản đồ tiếng Nhật, giới thiệu du lịch Đà Nẵng để cung cấp cho du khách Nhật Bản; đăng tải thông tin cho Wataba Wedding về việc triển khai chương trình cưới cho người Nhật tại Đà Nẵng, bắt đầu từ tháng 1-2019. Trung tâm cũng phối hợp với Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, sân bay Nagoya và các doanh nghiệp du lịch thành phố tổ chức chương trình giới thiệu du lịch Đà Nẵng tại Tokyo vào ngày 14-5, tại Nagoya ngày 15-5 và Osaka ngày 17-5; tổ chức đón đoàn famtrip, presstrip Nagoya đến Đà Nẵng vào tháng 6-2019... Tại các buổi xúc tiến sẽ có không gian kết nối giữa các doanh nghiệp du lịch của Đà Nẵng và Nhật Bản để họ trao đổi thông tin, kết nối, hợp tác...

Sở Du lịch thành phố tiếp tục tăng cường các lớp đào tạo hướng dẫn viên tiếng Nhật, bồi dưỡng kỹ năng giao tiếp cơ bản về tiếng Nhật cho cán bộ du lịch và nhân viên hỗ trợ du khách; nghiên cứu ứng dụng Audio Guide (thuyết minh bằng máy) dành cho khách Nhật tại điểm đến; phối hợp với Hội An và Huế tổ chức hội thảo cho các công ty lữ hành lớn của Nhật và các đại lý lữ hành online, tăng cường quảng bá chương trình du lịch giáo dục cho học sinh sinh viên Nhật Bản và du lịch tưởng thưởng dành cho công nhân viên Nhật Bản. “Lễ hội Việt Nam” tại Nhật Bản sẽ được tổ chức ở các điểm đến như Tokyo, Kanagawa (TP. Yokohama), Osaka (TP. Sakai)...; cùng với đó là tham gia Hội chợ JATA  để tăng cường kết nối với lữ hành và tiếp xúc trực tiếp du khách Nhật Bản; đầu tư quảng cáo độc quyền trên tàu điện ngầm và bên trong xe ở khu vực đô thị và vùng Kansai; hợp tác với JTB để giới thiệu thông tin du lịch Đà Nẵng, quảng bá các sự kiện quốc tế...

Bên cạnh đó, ngành du lịch tiếp tục phát triển sản phẩm du lịch mới như các chương trình tour giáo dục, tour tưởng thưởng cho người lao động; tour giá rẻ để thu hút khách mùa thấp điểm; tour trọn gói club tourism, trapics; xây dựng các sản phẩm và dịch vụ du lịch cho từng phân khúc thị trường, phù hợp với tâm lý và thị hiếu của từng độ tuổi; lồng ghép nét văn hóa của thành phố vào chương trình tour như: Lễ hội Cầu ngư, Lễ hội Quán Thế Âm, tour trải nghiệm ẩm thực của Đà Nẵng...

Phó Giám đốc Sở Du lịch thành phố Trương Thị Hồng Hạnh cho hay, thời gian qua, ngành du lịch Đà Nẵng đã xúc tiến, thúc đẩy mở rộng thị trường khách Nhật Bản và kết quả là quảng bá được sản phẩm du lịch của Đà Nẵng tới thị trường này dựa trên những lợi thế của địa phương và xây dựng được những sản phẩm mà thị trường khách quan tâm. Sở tạo lập tài khoản trên một số trang mạng xã hội phổ biến của Nhật Bản như Line để cập nhật thông tin, quảng bá hình ảnh du lịch Đà Nẵng; đồng thời đưa ứng dụng “Du lịch thông minh” Chatbot - Danang Fantasticity vào sử dụng nhằm cung cấp thông tin du lịch cho du khách một cách nhanh chóng, thuận tiện.

Bài và ảnh: HÀ KHUÊ - MẪU ĐƠN

;
;
.
.
.
.
.