Khát vọng phổ biến cà-phê sạch

.

Không ồn ào hay quy mô như các doanh nghiệp hay tập đoàn lớn trong ngành cà-phê, tuy nhiên, suốt hơn 4 năm qua, E’Mayaca từng bước vững chắc để dần định vị thương hiệu “cà-phê sạch”.

Anh Hồ Đức Tiến (bìa phải) cùng các nhân viên E’Mayaca.
Anh Hồ Đức Tiến (bìa phải) cùng các nhân viên E’Mayaca.

Được sinh ra và lớn lên trên vùng đất cà-phê Tây Nguyên, anh Hồ Đức Tiến, Giám đốc Công ty TNHH MTV Cà-phê Mayaca chia sẻ, từ khi còn trên giảng đường đại học, anh đã nghiên cứu rất nhiều về cà-phê. Sau khi ra trường, anh vào làm ở một nhà máy sản xuất cà-phê và tiếp cận với những tài liệu từ châu Âu về cách pha chế cà-phê rang xay sạch. Cảm giác đây mới đúng là “bản chất” của cà-phê nên anh quyết định nghỉ việc để dồn tâm huyết tìm hướng phát triển cà-phê sạch do chính anh làm chủ.

“Sau khi nghỉ việc vào năm 2015, tôi mày mò nghiên cứu tự “chế” một chiếc máy rang thủ công. Khi rang ra thành phẩm, ngoài tôi không ai uống được vì vừa đắng vừa chát, hàm lượng caffein cao, ai uống vào cũng choáng và “say” cà-phê. Tuy vậy, tôi vẫn kiên trì học hỏi, tìm cách pha chế sao cho phù hợp, “nói không” với hóa chất và các nguyên vật liệu khác nhằm bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng. Sau một thời gian cũng có khách hàng hiểu được”, anh Tiến cho biết.

Năm 2016, anh Tiến đã xây dựng được cơ sở sản xuất cà-phê đầu tiên của mình ở phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu. Anh Tiến tâm sự: “Bằng cách bán cà-phê cho khách hàng đến thưởng thức tại quán của mình là cách làm hay và nhanh nhất để giới thiệu và quảng bá chất lượng cà-phê sạch do mình sản xuất. Đây là cách tiếp thị gần gũi và thiết thực đến người tiêu dùng”.

Bên cạnh đó, dù bước đầu còn nhiều khó khăn, anh Tiến cũng mạnh dạn vay mượn để đầu tư mua sắm nhiều trang thiết bị với giá hàng trăm triệu đồng để sản xuất cà-phê như máy pha cà-phê, máy rang cà-phê, máy xay cà-phê…

Anh Tiến phân tích, khó khăn lớn nhất của E’Mayaca là nguồn vốn để xây dựng xưởng sản xuất và mua sắm thêm trang thiết bị, tăng tốc độ để nâng sản lượng. Bên cạnh đó, cũng đã có khá nhiều thương hiệu cà-phê trên thị trường cả nước nói chung và Đà Nẵng nói riêng, chính vì “sinh sau đẻ muộn”, anh Tiến luôn cố gắng phát triển để ra đời các dòng sản phẩm mới, đáp ứng yêu cầu của khách hàng.

Anh Tiến chia sẻ, tất cả những gì liên quan đến cà-phê anh đều kinh doanh, vì mình hiểu rõ những gì mình làm. Sau 4 năm hoạt động trên thị trường, đến thời điểm hiện tại, E’Mayaca đã đạt được những kết quả nhất định với trên 800 khách hàng lắp đặt máy pha cà-phê, cung cấp gần 5 tấn hạt cà-phê espresso cho thị trường Đà Nẵng và miền Trung. Để kiểm soát chặt chẽ nguồn nguyên liệu đầu vào và giảm giá thành sản phẩm, E’Mayaca liên kết với các nhà máy sản xuất nguyên liệu tại Tây Nguyên và thành lập nông trại E’Mayaca Farm tại Mang Yang, Gia Lai.

“Đây là một vòng khép kín, E’Mayaca liên kết và tìm kiếm nguyên liệu ngay trong cộng đồng dân cư để hợp tác, phát triển một cách bền vững”, anh Tiến chia sẻ.

Đầu năm 2019, anh Tiến khai trương thêm một quán cà-phê mang tên Mayaca Garden Coffee tại quận Sơn Trà, với thiết kế mang đậm nét làng quê Việt Nam như cây sen, cây cau, bụi chuối… Đặc biệt hơn là lối vào quán được phủ bởi hàng rào tre, gợi nhớ nét quê nhà mộc mạc, thân thuộc như đang sống trong ngôi nhà ở vùng quê.

Nói về định hướng phát triển trong thời gian tới, anh Tiến cho biết, ngoài việc xây dựng E’Mayaca hoàn thiện về nhân sự, anh mong muốn thực hiện được mục tiêu đặt ra là “phổ biến cà-phê sạch” đến với nhiều khách hàng, đồng thời liên kết với các doanh nghiệp cà-phê khác để bao tiêu cà-phê chất lượng cao do bà con nông dân sản xuất ra.

Nói về thương hiệu  E’Mayaca - Emissary Mayaca, theo anh Tiến, mayaca là một loại thực vật của người Maya ở châu Mỹ, những người  được biết đến với việc khai phá văn minh từ thời kỳ cổ xưa. Chính vì vậy, khi đặt tên theo loại thực vật này, anh mong muốn thực hiện được “sứ mệnh” mang tới cà-phê “văn minh” và sạch nhất.

Bài và ảnh: MAI QUẾ

;
;
.
.
.
.
.