Kinh doanh ví điện tử không dễ

.

Cả nước hiện có gần 30 ví điện tử được cấp phép nhưng số lượng ví có người dùng thật sự chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết nhận được nhiều ý kiến góp ý cho dự thảo sửa đổi, bổ sung Thông tư 39/2014/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán. Trong đó, tập trung vào các quy định yêu cầu người dùng ví điện tử bổ sung thông tin, kiểm soát mở tài khoản, quy định hạn mức giao dịch cụ thể…

Cuộc chơi tốn kém

Theo thống kê của NHNN, số lượng giao dịch tài chính qua kênh điện thoại di động trong năm 2018 là 122 triệu lượt với giá trị giao dịch gần 1,1 triệu tỉ đồng, tăng 128% so với cùng kỳ năm trước.

Một cửa hàng tiện lợi ở TP HCM cho phép thanh toán qua ví điện tử Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Một cửa hàng tiện lợi ở TP HCM cho phép thanh toán qua ví điện tử Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Hiện cả nước có gần 30 tổ chức không phải là NH được cấp giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán (có dịch vụ ví điện tử) như MoMo, Payoo, Moca, Air Pay, Vimo, Viettel Pay, Zalo Pay, 1Pay... với khoảng 4,2 triệu ví đã liên kết với tài khoản NH. Ví điện tử đang dần phổ biến ở các đô thị lớn, ngay cả những điểm bán hàng rong cũng nhận thanh toán bằng ví. Nhưng thực tế, cuộc chơi thật sự chỉ diễn ra với khoảng vài ví điện tử. Mới đây nhất, Công ty CP People Care đã phải bán lại ví điện tử MonPay cho Công ty CP VinID sau hơn một năm ra đời nhưng hoạt động không có nhiều nổi bật và phải cạnh tranh với nhiều ví lớn khác.

Dù đang dẫn đầu về thị phần ví điện tử nhưng ông Phạm Thành Đức, Tổng Giám đốc MoMo, thừa nhận đây là ngành cạnh tranh rất khốc liệt và không dễ cho các doanh nghiệp (DN) trung gian thanh toán (fintech). Bởi với mức hoa hồng dưới 1% thì phải có hàng triệu người dùng và tỉ lần giao dịch, DN mới có lợi nhuận như kỳ vọng. Do đó, thị trường thanh toán của ví điện tử không phải là miếng bánh béo bở như nhiều người nghĩ. "Đầu tư ví điện tử cần xác định lâu dài. Gần 30 công ty fintech được cấp phép hoạt động dịch vụ ví điện tử nhưng chỉ có 5-6 ví hoạt động tích cực và khoảng 3-4 ví có số người dùng đáng kể" - ông Đức bày tỏ.

Khó cho người dùng lẫn doanh nghiệp

Ví điện tử không chỉ cạnh tranh với nhau mà còn cạnh tranh với các kênh thanh toán không tiền mặt khác như NH điện tử, NH số… Do đó, việc NHNN dự thảo sửa đổi Thông tư 39 có nhiều quy định mới khiến không ít công ty fintech lo ngại, có thể đẩy khó cho người dùng.

Công ty CP 1Pay (ví điện tử 1Pay) băn khoăn việc dự thảo thông tư quy định hạn mức giao dịch qua ví đối với cá nhân là 20 triệu đồng/ngày và 100 triệu đồng/tháng; với tổ chức 100 triệu đồng/ngày và 500 triệu đồng/tháng là không khả thi vì có những hàng hóa, dịch vụ hợp pháp như hóa đơn thanh toán vé máy bay, hóa đơn tiền điện của doanh nghiệp, các sản phẩm công nghệ như laptop, điện thoại… thường lớn hơn rất nhiều so với hạn mức được cho phép cho một lần giao dịch. Việc quy định hạn mức giao dịch đối với các giao dịch này là gián tiếp làm giảm khả năng cạnh tranh của ví so với các kênh thanh toán khác.

Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (Vafi) cho rằng hiện không có quy định nào về việc ví chỉ được sử dụng cho giao dịch nhỏ. NHNN có thể không quy định hạn mức hoặc áp dụng giống thẻ NH, cho phép người dùng tùy chọn hạn mức.

Ngay cả quy định mỗi người chỉ được mở 1 ví tại 1 tổ chức cung ứng dịch vụ cũng chưa hợp lý, bởi trường hợp người dùng có nhiều tài khoản NH muốn kết nối với ví sẽ gặp khó, hoặc người dùng đã mở nhiều ví kết nối với nhiều tài khoản khác nhau phải xử lý ra sao? Vafi đề xuất không hạn chế số lượng ví để bảo đảm quyền lợi của người dùng và phát triển kênh thanh toán này.

Việc xác thực người dùng, các công ty fintech và NH thương mại nhận xét việc dự thảo quy định người dùng phải khai báo thông tin cá nhân khi mở ví có thể trùng lắp và không cần thiết. Vì khi liên kết ví với tài khoản NH, có thể sử dụng thông tin tài khoản để xác minh. Việc khai báo này chỉ nên áp dụng với trường hợp ví không kết nối tài khoản NH. 

Dung hòa giữa quản lý và kiến tạo

TS Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính NH, cho rằng việc sửa đổi thông tư là cần thiết nhằm khuyến khích, quản lý ví điện tử, thúc đẩy thanh toán điện tử tại Việt Nam. Tuy nhiên, dự thảo quy định tổng hạn mức giao dịch của một ví tối đa 100 triệu đồng/tháng, 20 triệu đồng/ngày sẽ gây khó cho những người có chi tiêu lớn. Vì vậy, NHNN cần cân nhắc mức tối đa giao dịch trong tháng nhiều hơn. Với yêu cầu hồ sơ mở ví phải có căn cước công dân, CMND hoặc hộ chiếu… cũng nên xem xét trường hợp chủ ví đã có tài khoản NH sẽ được miễn trừ. Hoặc tính đến khả năng xác thực số như sinh trắc học.

"Nguồn lực của các đơn vị trung gian thanh toán khi thực hiện yêu cầu của NHNN để hoạt động ví cũng cần được đánh giá, cân nhắc nhằm tạo môi trường thích hợp cho sự phát triển của những phương thức thanh toán điện tử. Cần mở và dung hòa giữa kiến tạo, kiểm soát, quản lý" - TS Cấn Văn Lực nói.

Theo Báo Người Lao động

;
;
.
.
.
.
.