Thời gian qua, các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn thành phố đã tích cực mở rộng thị trường, kênh phân phối để kích cầu tiêu thụ hàng hóa. Bên cạnh những kết quả đạt được, các DN vẫn còn gặp một số khó khăn, do đó cần có những giải pháp từ “bên trong” và “bên ngoài” để DN phát triển.
Mở rộng thị trường là thách thức lớn của doanh nghiệp. Ảnh: MAI QUẾ |
Ông Trần Văn Hòa, Giám đốc Công ty CP Khải Minh An: Cần đa dạng hóa sản phẩm trước khi mở rộng thị trường
Có rất nhiều sản phẩm tiêu thụ thành công trên một “đoạn” thị trường, nhưng chưa chắc đã thành công trên các “đoạn” thị trường khác hay ngược lại. Do đó, việc mở rộng thị trường giúp các DN tìm được các “đoạn” thị trường thích hợp cho từng chủng loại sản phẩm đối với các nhóm khách hàng khác nhau. Điều đó bắt buộc DN phải đa dạng hóa sản phẩm, thay đổi và sáng tạo sản phẩm mới, tạo ưu thế và tăng khả năng thích nghi cho sản phẩm trên thị trường.
Có thể nói, mở rộng thị trường là công cụ cần thiết trong việc tìm kiếm thị phần, khai thác cho cả sản phẩm đang có lẫn sản phẩm mới. Nếu sản phẩm mới có thể đáp ứng được thị trường và phù hợp với nghiên cứu trước đó, nhà sản xuất phải xem xét nguồn tài chính và nhân lực để xác định những chi phí kéo theo trước khi bước vào thị trường mới.
Ông Trần Ngọc Việt, Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ Things Changing: Nguồn vốn luôn là rào cản lớn
Việc mở rộng thị trường thông qua phân phối sản phẩm vào các siêu thị hay nhà sách đòi hỏi nhiều về thời gian đáp ứng yêu cầu như phải đạt các tiêu chuẩn chất lượng ISO 9001… Ngoài ra, muốn cung ứng đủ hàng hóa cho các đại lý, nhà phân phối thì phải có xưởng sản xuất. Mà xưởng sản xuất cũng đi kèm theo chi phí mặt bằng, chi phí nhân lực, máy móc.
Hiện nay, Chính phủ đã triển khai các chính sách, chương trình hỗ trợ vốn cho các DN nhỏ và vừa như bảo lãnh tín dụng và hỗ trợ tín dụng. Tuy nhiên, trên thực tế mới có một số lượng nhỏ các DN được thụ hưởng chính sách hỗ trợ. Phần lớn các DN còn gặp các trở ngại như thủ tục vay vốn hay các điều kiện vay vốn chưa phù hợp với DN nhỏ và vừa.
Bà Trương Thị Phương Linh, Công ty TNHH MTV Sản xuất & Thương mại Dana PlyWood: Cần nhiều hội chợ, triển lãm giới thiệu hàng hóa Việt
Thị trường của công ty chúng tôi từ trước đến nay là xuất khẩu sang các nước như Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc… và đang trong quá trình nghiên cứu mở rộng tại thị trường trong nước. Vừa qua, công ty tham dự triển lãm quốc tế xây dựng Vietbuild Đà Nẵng 2019 và nhận thấy người tiêu dùng trong nước quan tâm nhiều hơn đến các sản phẩm như gỗ công nghiệp, ván ép.
Vì vậy, theo tôi nghĩ, hội chợ là cơ hội kết nối để mở rộng kênh phân phối rất hiệu quả. Khi tham gia hội chợ thương mại quốc tế, DN có cơ hội tiếp xúc với đông đảo bạn hàng từ nhiều nơi khác nhau trên thế giới. Đây cũng là cơ hội để các DN theo dõi, tìm hiểu về tình hình kinh doanh cũng như những động thái chiến lược của các đối thủ cạnh tranh đến từ các nước khác.
Bà Trịnh Thị Hồng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Công nghệ sinh học Minh Hồng: Bảo vệ thương hiệu là yếu tố quan trọng
Mặt hàng chủ lực của công ty tôi là nước rửa chén và nước lau nhà được chế biến từ rác thải bằng công nghệ sinh học. Hiện nay, công ty có ý định mở rộng thêm những ngành hàng hóa phẩm chăm sóc cá nhân và sau đó, chuyển giao công nghệ cho một số đơn vị.
Chính vì vậy, đăng ký sở hữu trí tuệ là yếu tố quan trọng để tránh bị sao chép ý tưởng. Ngoài ra, tình trạng hàng giả, hàng nhái cũng phổ biến, gây thách thức cho các DN chân chính. Giá những mặt hàng này thường rẻ hơn so với hàng thật cùng loại nên dễ thu hút người tiêu dùng.
Vì vậy, các cơ quan có thẩm quyền cần quyết liệt hơn nữa trong việc kiểm soát thị trường, xử lý hàng giả, kém chất lượng nhằm bảo vệ người tiêu dùng. Bên cạnh đó, giúp DN tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để phát triển sản xuất; tăng cường tuyên truyền, quảng bá hàng Việt đến người tiêu dùng.
Ông Lê Thanh Hạ, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại: Đề án khuyến công tạo điều kiện cho doanh nghiệp mở rộng thị trường
Thời gian qua, từ nguồn kinh phí khuyến công và xúc tiến thương mại, Trung tâm đã triển khai các đề án khuyến công quốc gia và khuyến công địa phương; qua đó, tạo điều kiện cho các DN quảng bá thương hiệu, mở rộng kênh phân phối, phát triển thị trường. Bên cạnh đó, Trung tâm còn phối hợp với phương tiện thông tin đại chúng xây dựng các chuyên đề về hoạt động khuyến công.
Năm 2018, đơn vị đã tạo điều kiện cho 700 đơn vị, doanh nghiệp tham gia 4 hội chợ với hơn 1.650 gian hàng; hỗ trợ 320 DN, HTX tham gia hội chợ, hội nghị giao thương, kết nối cung cầu trong và ngoài nước. Sở còn phối hợp các đơn vị tổ chức tập huấn nâng cao năng lực ứng dụng thương mại điện tử, quản trị kho, website… để các DN giới thiệu sản phẩm.
Năm 2019, Sở Công thương đã phê duyệt phân bổ hoạt động khuyến công địa phương với tổng kinh phí gần 1,4 tỷ đồng với tổng số 16 đề án; đồng thời liên tục thông tin về thị trường, các hội chợ để DN nắm bắt, tham gia…
MAI QUẾ (ghi)