Chiều 8-5, tại hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Văn Miên cho biết, đang giao các sở, ngành liên quan phân loại nhà đầu tư tại các dự án có liên quan theo Kết luận số 137/QĐ-TTCP của Thanh tra Chính phủ để xử lý các vướng mắc có liên quan đến quyền sử dụng đất trong giao dịch tín dụng.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức hội nghị kết nối ngân hàng-doanh nghiệp năm 2019. |
Theo đó, UBND thành phố đã nhiều lần làm việc với các bộ, ngành, Chính phủ và nghiêm túc thực hiện các nội dung kết luận của Thanh tra Chính phủ. Hiện thành phố giao các sở, ngành rà soát toàn bộ các nhà đầu tư dự án để phân loại nhà đầu tư chính, nhà đầu tư thứ cấp và người sử dụng để đề xuất tháo gỡ về vấn đề tài chính, giao quyền sử dụng đất, cấp quyền sử dụng đất. Các đơn vị ngân hàng chủ động làm việc và báo cáo đến Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh Đà Nẵng để phối hợp với các sở, ngành xử lý hồ sơ vay vốn, giải chấp hay lập tín dụng hợp đồng cho vay để tháo gỡ những vướng mắc kéo dài hiện nay.
Trong năm 2018, các tổ chức tín dụng (TCTD) tại Đà Nẵng đã cam kết cho vay mới gần 6.965 tỷ đồng, trong đó đã thực hiện giải ngân gần 4.682 tỷ đồng cho 1.249 doanh nghiệp trên địa bàn, thực hiện hỗ trợ giảm lãi suất cho 6 doanh nghiệp với tổng số nợ được hỗ trợ là trên 533 tỷ đồng. Kết quả triển khai các chương trình, chính sách tín dụng và chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp đã góp phần giúp thành phố đạt tốc độ tăng trưởng tín dụng cuối năm 2018 là 26,59%, dư nợ cho vay DNNVV đạt 41.433 tỷ đồng, từ đó hỗ trợ tăng trưởng kinh tế của thành phố đạt 7,86%.
Tính đến cuối tháng 3-2019, tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn thành phố trên 130.000 tỷ đồng, thực hiện cho vay đạt dư nợ gần 160.000 tỷ đồng; trong đó, khối doanh nghiệp nhỏ và vừa ở thành phố Đà Nẵng đạt trên 44.000 tỷ đồng.
Kết luận tại hội nghị, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú cho biết trong thời gian tới, ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 7-1-2013 của Chính phủ, tạo điều kiện thuận lợi cho DN tiếp cận nguồn vốn ngân hàng. Bên cạnh đó, ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ TCTD mở rộng tín dụng có hiệu quả, chú trọng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên; đồng thời kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; thường xuyên phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương các tỉnh, thành phố để tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp; chỉ đạo các TCTD đẩy mạnh triển khai các chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, NHNN góp phần hạn chế, đẩy lùi tín dụng đen như: cho vay hỗ trợ lãi suất để tăng cường cơ giới hóa và giảm tổn thất trong nông nghiệp; cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch; cho vay các chương trình tín dụng chính sách tại NHCSXH...; tiếp tục rà soát, cải tiến quy trình cho vay, thủ tục vay vốn, rút ngắn thời gian giải quyết cho vay, đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ ngân hàng; triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ DNNVV, đặc biệt là chính sách về bảo lãnh tín dụng cho DNNVV vay vốn TCTD, hỗ trợ vốn thông qua Quỹ phát triển DNNVV.
Tin và ảnh: TRIỆU TÙNG