Tạo sự khác biệt cho điểm đến

.

Để du khách quốc tế biết nhiều hơn về một điểm đến thì chính quyền địa phương của điểm đến đó cần kết nối thêm các đường bay thẳng, tăng cường quảng bá hình ảnh tại các hội chợ quốc tế, hay trên các phương tiện thông tin truyền thông đại chúng... Đà Nẵng cũng vậy, phải “khoe” được cho người ta thấy thành phố này có những sản phẩm gì, có nét gì hấp dẫn khác biệt so với các điểm đến khác... có như vậy, thì mới thu hút du khách trong nước và quốc tế.

Các đường bay thẳng trực tiếp góp phần thu hút khách quốc tế đến với Đà Nẵng trong những năm gần đây.
Các đường bay thẳng trực tiếp góp phần thu hút khách quốc tế đến với Đà Nẵng trong những năm gần đây.

Đó là quan điểm của một số đại diện các đơn vị lữ hành chuyên khai thác khách du lịch quốc tế đến Đà Nẵng. Quan điểm này hoàn toàn phù hợp với xu hướng chung của thế giới. Bởi trong khi chưa có cơ hội đặt chân đến điểm đến đó, thì du khách sẽ tìm hiểu về điểm đến dựa trên những nhận xét, đánh giá của những người đã đi, đã trải nghiệm thông qua các mạng xã hội, hoạt động quảng bá của điểm đến đó thông qua các chương trình, sự kiện, video…

Ông Trần Lực, Phó Giám đốc Công ty Dịch vụ lữ hành Saigontourist - Chi nhánh Đà Nẵng bày tỏ ý kiến, muốn được nhiều người biết đến thì phải giới thiệu cho khách biết được địa phương mình có những sản phẩm gì, có cái gì độc đáo. Người ta không chỉ nghe kể mà phải thấy được bằng những video, clip chân thực, hấp dẫn, thôi thúc họ phải tìm đến hoặc giới thiệu sản phẩm này cho khách của họ. Vì thế, việc tham gia xúc tiến, quảng bá du lịch ở các thị trường quốc tế tiềm năng là rất cần thiết.

Ông Nguyễn Dương Nguyên Vũ, Giám đốc Kinh doanh khách sạn Furama lại cho rằng, Đà Nẵng cần phải đẩy mạnh công tác xúc tiến, kết nối thêm các đường bay để đa dạng hóa được nguồn khách. Có thể mở rộng thêm các đường bay ở những quốc gia không cần visa hoặc mở những đường bay xa hơn bằng các chuyến bay charter (đường bay thuê chuyến). Đà Nẵng cũng cần quảng bá về du lịch hơn nữa trên các kênh, phương tiện truyền thông như: trên các chuyến bay có những đường bay trực tiếp hay có thể kết hợp với các chuỗi khách sạn thông qua các chương trình lớn của họ; hay quảng bá theo dạng gói sản phẩm (combo) kết hợp cả nghỉ dưỡng bãi biển và các tiện ích khác…

Thời gian gần đây, các hãng hàng không quốc tế liên tục mở các đường bay thẳng từ các thành phố lớn trong khu vực và trên thế giới đến Đà Nẵng như: Doha (Qatar), Bangkok, ChiangMai (Thái Lan), Osaka, Narita (Nhật Bản)… Từ những đường bay thẳng trực tiếp này, lượng khách đến Đà Nẵng tăng đáng kể. Các đường bay thẳng mở càng nhiều thì việc phát triển thị trường khách du lịch quốc tế càng thuận lợi. Theo đánh giá của các đơn vị khai thác dịch vụ lữ hành, đường bay thẳng thường thuận tiện cho khách do khách được hưởng giá dịch vụ rẻ hơn, tiết kiệm nhiều thời gian và không phải tốn thêm thời gian di chuyển, giảm các chi phí phát sinh khi phải thông qua các điểm trung chuyển.

Thường xuyên tham gia các chuyến xúc tiến, quảng bá tại các thị trường quốc tế, bà Huỳnh Thị Hương Lan, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch Đà Nẵng nhìn nhận, tại các hội chợ du lịch quốc tế lớn như châu Âu, việc giới thiệu, kết nối với các doanh nghiệp quốc tế tham gia hội chợ thông qua các buổi gặp gỡ, hội thảo… sẽ giúp cho doanh nghiệp ở các nước hiểu thêm về Đà Nẵng.

Chẳng hạn, khi tham gia gian hàng chung của 3 địa phương Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam, ngoài những sản phẩm chung của 3 địa phương, Đà Nẵng đã mang theo các ấn phẩm là cẩm nang du lịch, tập gấp ẩm thực và sự kiện, bản đồ, móc khóa, bưu ảnh… của Đà Nẵng để gửi tặng khách đến tham quan tại gian hàng hội chợ. Đây cũng là một cách để khách tìm hiểu rõ hơn về điểm đến Đà Nẵng nói riêng và 3 địa phương nói chung.

Trở về từ Hội chợ du lịch quốc tế ITB Berlin - Đức 2019 diễn ra mới đây, bà Hương Lan cho hay, các thông tin được du khách quan tâm nhiều, đó là đường bay nối chuyến từ Tây Âu và Bắc Mỹ đến Đà Nẵng; hay mức giá khách sạn và khu nghỉ dưỡng tại Đà Nẵng, các dịch vụ nghỉ dưỡng về văn hóa và giải trí tại Đà Nẵng, dịch vụ đi lại tại điểm đến…

“Thực tế là tiếp xúc với các hãng lữ hành và du khách châu Âu cho thấy, điểm đến Đà Nẵng nói riêng cũng như ba địa phương và Việt Nam nói chung vẫn còn mờ nhạt, chưa có hình ảnh, điểm nhấn riêng, tạo khác biệt so với các điểm đến khác”, bà Lan nói.

Vì thế bà Hương Lan đề xuất, ngành du lịch thành phố nên tiếp tục phối hợp với Tổng cục Du lịch và các địa phương Thừa Thiên Huế và Quảng Nam để xúc tiến du lịch quốc gia, tạo thương hiệu của du lịch Việt Nam trước khi xúc tiến du lịch địa phương riêng lẻ; đồng thời đẩy nhanh các thủ tục cho đoàn đi, đặc biệt là thủ tục cho doanh nghiệp địa phương tham gia các hội chợ kết nối với đối tác quốc tế. Từ đó, tạo tiền đề cho việc thực hiện chương trình giới thiệu du lịch Đà Nẵng và ba địa phương trong tương lai gần.

Bên cạnh đó, thành phố nên thực hiện video và hình ảnh đẹp để quảng bá du lịch Đà Nẵng đến các phân khúc thị trường khách, cụ thể là khách M.I.C.E, khách nghỉ dưỡng gia đình từ Tây Âu. Các hình ảnh và video cần truyền tải thông điệp cụ thể, có tính tương tác cao, thể hiện lý do tại sao nên chọn Đà Nẵng là điểm đến, thay vì đơn thuần chỉ thể hiện số liệu và vẻ đẹp Đà Nẵng một cách chung chung thiếu định hướng.

Các video và hình ảnh này cần được đăng tải thường xuyên và liên tục trên các kênh truyền thông mạng xã hội của du lịch Đà Nẵng (như các chức năng Insta Stories trên Instagram, Facebook,...) cũng như trong các chương trình quảng bá, roadshow, các kênh truyền hình lớn của Tây Âu và Bắc Mỹ. Ngoài ra cũng nên phối hợp với hãng hàng không Qatar Airways để đẩy mạnh xúc tiến quảng bá du lịch Đà Nẵng và miền Trung Việt Nam đến Tây Âu thông qua việc đón các đoàn famtrip, presstrip từ Tây Âu và Bắc Mỹ...

Bài và ảnh: THU HÀ

;
;
.
.
.
.
.