Thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển bằng những cơ chế, chính sách đột phá

.

Khu vực kinh tế tư nhân (KTTN) đã đóng góp rất lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian qua; tuy vậy, khối doanh nghiệp tư nhân (DNTN) hiện nay còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế vai trò động lực. Trước thực trạng đó, nhiều ý kiến doanh nghiệp (DN), hiệp hội DN cho rằng, cần có những giải pháp để khu vực KTTN thực sự trở thành nền tảng của mô hình phát triển trong giai đoạn mới.

* Ông Trương Đình Đức, Ủy viên Ban Chấp hành (BCH) Trung ương Hội DNTN Việt Nam khóa II, Tổng Giám đốc Công ty CP Thương mại Dịch vụ Văn hóa Sự kiện Việt D.A.C (Vietgroupad): DNTN nhanh chóng đổi mới quản trị và nâng cao năng suất lao động

Là đại biểu tham dự Diễn đàn DNTN Việt Nam 2019 tại Hà Nội, tôi được cộng đồng DNTN thành phố và khu vực miền Trung gửi gắm nhiều ý kiến, kiến nghị đóng góp chung vào tiếng nói của DNTN với Chính phủ.

Nhằm giúp DNTN phát triển hơn nữa trong thời gian tới, Hội DNTN Việt Nam đề xuất, kiến nghị các cơ quan chức năng cần nhanh chóng xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về kinh doanh minh bạch, công bằng, lành mạnh, rõ ràng, một hệ thống thủ tục hành chính đơn giản, thuận tiện cho DN.

Hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các DNTN được tiếp cận các nguồn lực (đất đai, tài chính, lao động, khoa học công nghệ...) để phát triển sản xuất kinh doanh. Cùng với đó là hỗ trợ xây dựng chiến lược phát triển và có chương trình, kế hoạch hành động cụ thể để khuyến khích; hỗ trợ nhóm DNTN lớn có tiềm năng phát triển kinh doanh ra thị trường khu vực và thế giới, xây dựng được sản phẩm uy tín, thương hiệu tầm quốc tế; hỗ trợ xây dựng chiến lược phát triển và có chương trình kế hoạch hành động cụ thể trong việc khuyến khích, hỗ trợ các nhóm lập nghiệp, khởi nghiệp đổi mới và sáng tạo để phát triển cộng đồng doanh nhân tư nhân cả về số lượng và chất lượng; đẩy mạnh công tác tuyên truyền góp phần nâng cao nhận thức của các DN, doanh nhân trong việc thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW về phát triển KTTN; thường xuyên cập nhật và truyền thông các thành tựu phát triển KTTN đạt được, phát huy những mặt tích cực và phòng ngừa, hạn chế tiêu cực.

Về phía Hội DNTN khu vực miền Trung, chúng tôi mong muốn trong quản lý Nhà nước về phát triển kinh tế cần tạo ra sự giám sát giữa DN và chính quyền. Khi DN có kiến nghị cần được cơ quan quản lý giải quyết thấu đáo; trường hợp vượt quá thẩm quyền giải quyết ở cấp sở, ngành thì quy định về thời hạn chuyển tiếp kiến nghị của DN đến cơ quan quản lý cao hơn. Thậm chí là sự tham gia giải quyết của cấp bộ, ngành và Chính phủ khi DN chưa thống nhất nội dung giải quyết ở cấp chính quyền địa phương.

Trong bối cảnh phát triển của đất nước và địa phương hiện nay, DNTN phải thay đổi tư duy về cách cạnh tranh bằng năng suất, chất lượng và công nghệ 4.0. DN muốn nâng cao năng suất lao động thì không gì khác là phải chủ động tiếp cận công nghệ hiện đại; thay đổi hệ thống quản trị theo tư duy chủ động hội nhập, công nghệ số và cải thiện chất lượng nguồn nhân lực.

* Ông Nguyễn Tiến Quang, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Chi nhánh Đà Nẵng: Cần tạo ra một môi trường kinh doanh công bằng hơn

Nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều nghị quyết, chính sách về xây dựng, nhìn nhận vai trò, vị trí của khối DNTN. Tuy nhiên, việc thực thi hóa các nghị quyết này còn chưa quyết liệt, cần phải cụ thể mạnh mẽ hơn nữa bằng luật hóa để tạo điều kiện cho KTTN phát triển.

Theo tôi, có hai nội dung lớn cần giải quyết tốt. Đó là tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và môi trường đầu tư kinh doanh công bằng, minh bạch nhằm giúp DN tư nhân có cơ hội nhiều hơn để phát triển; cần giúp họ thuận lợi hơn khi gia nhập thị trường, nhất là vấn đề về chi phí hoạt động phải thấp hơn nữa nhằm tăng sức cạnh tranh ở thị trường trong và ngoài nước; tháo gỡ bớt những ràng buộc về thể chế để kích thích DN, doanh nhân đổi mới, sáng tạo, nhất là với khối DN siêu nhỏ, cơ hội tiếp cận vốn, đất đai rất khó khăn nên cần hỗ trợ họ tốt hơn để tiếp cận được; thay đổi chính sách thuế...

Hiện nay, nước ta có nhiều chính sách hỗ trợ DN, trong đó có DNTN, nhưng các chính sách còn mang tính cào bằng, khiến nhiều DN nhỏ và vừa khó có cơ hội tiếp cận. Vì vậy, cần chọn lọc theo từng lĩnh vực, ngành nghề cụ thể để việc hỗ trợ đúng, trúng và sâu hơn. Nhất là cần tập trung vào những lĩnh vực Việt Nam có thế mạnh để có thể tạo ra những “cánh chim đầu đàn” vững mạnh.

Bên cạnh đó, cần phổ biến, hỗ trợ DN nâng cao năng lực hội nhập quốc tế, nhất là tuyên truyền, phổ biến nhiều hơn nữa về các hiệp định thương mại thế hệ mới như Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Thực tế, hiện nay, phần lớn các ưu đãi từ các hiệp định này hầu như chỉ có khối DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) được hưởng lợi mà DN trong nước chưa tiếp cận và nhận diện được nhiều.

* Ông Lê Văn Hiểu, Tổng Giám đốc Công ty Máy và Thiết bị phụ tùng Seatech, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam: Phải đặt KTTN vào vị trí quan trọng

Để KTTN thực sự phát triển, phát huy nội lực trong nhân dân, cần thay đổi nhận thức, nhất là trong bộ máy Nhà nước về vai trò, đóng góp của khối KTTN. Chính vì nhận thức chưa đúng nên nguồn lực dành cho KTTN chưa phù hợp, ví dụ nguồn lực về chính sách, môi trường đầu tư kinh doanh, tiếp cận nguồn vốn vay… DNTN khó tiếp cận về vốn vay, đất đai, ưu đãi thuế, lao động và vẫn có sự phân biệt lớn. Ví dụ với khối DN FDI, thực tế các nhà đầu tư nước ngoài vào nước ta đầu tư sẽ đem lại nhiều điều tốt như vốn, khoa học kỹ thuật, tư duy chiến lược... nhưng sự ưu đãi như hiện nay vẫn quá lớn, quá chênh lệch so với KTTN.

Phải đưa ra những mô hình của từng lĩnh vực, nhóm ngành và có giải pháp cụ thể để phát triển; cũng nên chấp nhận hy sinh một số ngành, lĩnh vực để KTTN tham gia làm như: điện, nước và tham gia vào nền hành chính công. Ưu tiên xây dựng và phát triển các tập đoàn KTTN lớn, có tính chất tiên phong; đầu tư công nghệ quản lý miễn phí cho khối KTTN; đào tạo bài bản cho các cá nhân, tổ chức muốn khởi nghiệp, nhất là sử dụng các công nghệ 4.0 để chia sẻ kinh nghiệm giữa thế hệ đi trước với người tiếp nối. Đầu tư vào các ngành kinh tế mới như trí tuệ nhân tạo, kinh tế chia sẻ, kinh tế đi trước; cần có hệ thống tiêu chuẩn hóa quốc gia cho từng ngành, lĩnh vực để tạo thuận lợi cho DN, giảm chí phí nhân công; chính sách hỗ trợ giữa các vùng miền còn có sự thiếu thống nhất; bộ máy lãnh đạo cần chuyên nghiệp trong quản lý.

KHÁNH HÒA - TRIỆU TÙNG Thực hiện

;
;
.
.
.
.
.