Vận hội mới sân bay Đà Nẵng

.

Mở rộng sân bay, phát triển cảng biển được chính quyền thành phố chú trọng khi triển khai quy hoạch phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Từ một căn cứ quân sự phục vụ chiến tranh, sân bay Đà Nẵng trở thành một cực phát triển kinh tế cho thành phố với việc gia tăng lượng khách du lịch, doanh nhân đến tham quan và làm ăn tại Đà Nẵng. Dư địa phát triển của sân bay Đà Nẵng đang tiếp tục mở ra nhiều cơ hội phát triển mới.

Sân bay quốc tế Đà Nẵng cần được mở rộng.
Sân bay quốc tế Đà Nẵng cần được mở rộng.

Sân bay Đà Nẵng do thực dân Pháp xây dựng từ năm 1940. Trong kháng chiến chống Mỹ, sân bay Đà Nẵng là căn cứ không quân của quân đội Mỹ và quân đội Việt Nam Cộng hòa. Từ 29-3-1975, sau ngày thành phố Đà Nẵng được giải phóng, sân bay Đà Nẵng là sân bay quân sự phục vụ quốc phòng-an ninh.

Trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, sân bay Đà Nẵng đã dần được đưa vào khai thác dân dụng để phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của Đà Nẵng nói riêng và miền Trung - Tây Nguyên. Tầm vóc sân bay được nâng lên thành Cảng hàng không quốc tế có 2 đường cất hạ cánh, được trang bị hệ thống đèn tín hiệu, các hệ thống phụ trợ dẫn đường và hạ cánh chính xác.

Qua nhiều lần đầu tư mở rộng, tháng 12-2011, nhà ga hành khách T1 được đầu tư với tổng mức đầu tư 1.300 tỷ đồng, tổng diện tích sử dụng 36.100m2, công suất phục vụ tối đa 6 triệu khách/năm, tiếp nhận 400.000 - 1 triệu tấn hàng hóa/năm và có thể nâng cấp thêm.

Theo Quyết định số 3066/QĐ-BGTVT ngày 26-8-2015 của Bộ Giao thông vận tải phê duyệt điều chỉnh quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng (giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030), Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng được quy hoạch là cảng hàng không quốc tế dùng chung giữa dân dụng và quân sự.

Về dân dụng, Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng được quy hoạch là cảng hàng không cấp 4E theo tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO). Ngày 19-5-2017, sân bay Đà Nẵng tiếp tục hoàn thành đầu tư nhà ga hành khách T2 với kinh phí 3.500 tỷ đồng, với công suất 6 triệu hành khách/năm, đáp ứng 1.600 hành khách/giờ cao điểm, khai thác được các loại tàu bay code E (tàu bay có sải cánh từ 52-65m, chiều rộng bộ càng đáp từ 9-14m).

Trong những năm qua, lượng khách đi máy bay thông qua Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng không ngừng tăng cao, tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 15%/năm. Hiện nay, bình quân một ngày có khoảng 150 lần chuyến bay hạ cất cánh và khoảng 15.000 khách thông qua nhà ga.

Theo Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị khóa XII về xây dựng và phát triển Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Đà Nẵng giữ vai trò là cực tăng trưởng, hạt nhân của cả vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, vì vậy cần đẩy mạnh hơn nữa sự liên kết với các tỉnh trong vùng. Thành phố cũng đã xây dựng đề án cơ cấu lại ngành du lịch, xác định ngưỡng phát triển du lịch trong thời kỳ mới để đầu tư, nâng cấp hạ tầng cơ sở, giải quyết vấn đề áp lực về môi trường.

Xác định vị trí địa kinh tế của sân bay Đà Nẵng, thành phố đã đề xuất với bộ, ngành Trung ương, Chính phủ để điều chỉnh quy hoạch chung và được Chính phủ đồng ý. Trong điều chỉnh quy hoạch chung có đặt ra yêu cầu sẽ xây dựng thêm nhà ga T3 với công suất 13-15 triệu hành khách/năm; quy hoạch cũng xác định phát triển sân bay Đà Nẵng thành đô thị sân bay.

Ông Kris Pauwels, Giám đốc Nghiên cứu và chiến lược sân bay của Tập đoàn NACO (Hà Lan) khi tháp tùng đoàn công tác của chính phủ Hà Lan đến thành phố Đà Nẵng làm việc vào đầu tháng 4-2019 đã rất ủng hộ ý tưởng phát triển đô thị sân bay ở sân bay Đà Nẵng.

Tại cuộc làm việc này, ông Kris Pauwels nói: “Khi tôi mới tới Đà Nẵng, tôi đã nói với đồng nghiệp là tôi như đang đi nghỉ ngơi chứ không phải đi làm việc, bởi vì không khí ở sân bay Đà Nẵng làm cho tôi cảm thấy rất thoải mái. Đó là một tiềm năng rất lớn để hình thành đô thị sân bay Đà Nẵng. Đồng thời, Đà Nẵng đang đặt mục tiêu phát triển ngành logistics, ngành công nghệ thông tin, giáo dục - những ngành rất quan trọng để phát triển đô thị sân bay và phát triển kinh tế thành phố”.

Được biết, đầu năm 2018, Cục Hàng không Việt Nam có chủ trương thực hiện, điều chỉnh quy hoạch chi tiết Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng để làm cơ sở triển khai các dự án đầu tư. Đề cương quy hoạch dự kiến đến năm 2020, lượng hành khách thông qua Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng đạt 13 triệu lượt/năm, lượng hàng hóa thông qua là 50.000 tấn; đến năm 2030 là 28 triệu lượt hành khách/năm, 200.000 tấn hàng hóa. Vốn đầu tư nhà ga hành khách T3 ước 3,8 tỷ đồng.

Hành khách làm thủ tục lên máy bay tại Sân bay quốc tế Đà Nẵng.
Hành khách làm thủ tục lên máy bay tại Sân bay quốc tế Đà Nẵng.

Với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố như hiện nay, tốc độ tăng trưởng hành khách qua Cảng hàng không Đà Nẵng rất lớn, dự báo tăng 10 - 20%/năm và năng lực khai thác của nhà ga T1, T2 sẽ không thể đáp ứng trong vài năm đến. Theo đó, việc đầu tư mới nhà ga hành khách T3 (công suất 10-15 triệu khách/năm) và nâng cấp cơ sở hạ tầng khác rất cần thiết và cấp bách.

Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng là một trong ba cảng hàng không quan trọng và lớn nhất cả nước. Với vai trò là cảng hàng không trung tâm của khu vực miền Trung, Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng đã góp phần tích cực trong việc bảo đảm an ninh-quốc phòng và thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội trong khu vực.

Định hướng quy hoạch đến năm 2030, Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng sẽ tiếp tục nâng cấp, cải tạo, xây dựng các công trình như: đường lăn, sân đỗ tàu bay, nhà ga hành khách, hàng hóa, bảo dưỡng tàu bay, sửa chữa, bảo trì trang thiết bị mặt đất, kiểm định, chế biến suất ăn, quản lý điều hành bay, cứu nguy cứu hỏa, cấp nhiên liệu, approach (tiếp cận) lên CAT II và CAT III… và các công trình hạ tầng giao thông, cấp thoát nước, cấp điện, xử lý chất thải… để đáp ứng nhu cầu vận tải, bảo đảm chất lượng vận tải và dịch vụ được nâng cao, từ đó góp phần quan trọng thu hút đầu tư vào Đà Nẵng.

Bài và ảnh: TRIỆU TÙNG

 

;
;
.
.
.
.
.