Cần ổn định thị trường khách du lịch

.

Sáng 19-6, tại buổi làm việc với Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố về kết quả hoạt động của ngành trong 6 tháng đầu năm 2019, Sở Du lịch cho biết, trong 6 tháng đầu năm, Đà Nẵng đón 4,32 triệu lượt khách, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, khách quốc tế ước đạt 1,82 triệu lượt, tăng 26,1% so với cùng kỳ 2018, khách nội địa khoảng 2,50 triệu lượt, tăng 8,3% so với cùng kỳ. Tổng thu du lịch khoảng 14.978 tỷ đồng.

Trong 6 tháng đầu năm, Thanh tra Sở xử phạt vi phạm hành chính trên 152 triệu đồng, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2018... Đến cuối năm, ngành du lịch thành phố phấn đấu đạt 8,19 triệu lượt khách, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó 3,19 triệu lượt khách quốc tế, tăng 11% và 5 triệu lượt khách nội địa, tăng 4,5%.

Tổng thu du lịch ước 27.400 tỷ đồng, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm 2018, chiếm 23,86% trong GRDP. Theo đó, sẽ khai trương thêm 4 đường bay quốc tế trực tiếp là Đà Nẵng - Cao Hùng (Đài Loan), Đà Nẵng - Jakarta (Indonesia), Đà Nẵng - Busan (Hàn Quốc) và Đà Nẵng - Hàng Châu (Trung Quốc)...

Sở Du lịch thành phố cũng kiến nghị, để kiểm soát tốt “tour 0 đồng” cần có biện pháp đánh giá, bóc tách cụ thể việc thu ngân sách từ các lĩnh vực như: lữ hành, nhà hàng, khách sạn, vận chuyển du lịch, cơ sở mua sắm, nhà hàng...; kiểm tra hồ sơ khai thuế, đưa vào danh sách thanh tra, kiểm tra đối với các cơ sở kinh doanh có dấu hiệu khai báo thấp doanh thu so với quy mô, dữ liệu thuế thu thập từ thực tế để kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi gian lận về thuế.

Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố Trần Chí Cường cho rằng, ngành cần nghiên cứu chỉ tiêu về tốc độ tăng trưởng của lượng khách trong nước và quốc tế, tổng doanh thu, chi tiêu bình quân của khách... Trong 6 tháng đầu năm, tàu biển đến Đà Nẵng giảm 19 chuyến đã ảnh hưởng rất lớn đến lượng khách chung. Ngành du lịch phải xem xét lại công tác xúc tiến về thị trường khách này; trong đó hai thị trường Trung Quốc và Hàn Quốc đang có dấu hiệu giảm, cần nghiên cứu ngay các thị trường khách khác để bổ sung; đồng thời cần nâng cao chất lượng khách, tích cực hướng đến loại bỏ “tour 0 đồng”... (THU HÀ)

l Ngày 19-6, Ban Pháp chế HĐND thành phố có buổi làm việc với Tòa án nhân dân (TAND) thành phố về kết quả thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm nhằm chuẩn bị nội dung cho kỳ họp thứ 11 HĐND thành phố khóa IX.

Theo báo cáo của TAND thành phố, về công tác xét xử án hình sự, ngành đã giải quyết 431 vụ, với 638 bị cáo, đạt tỷ lệ 71% về số vụ và 68% về số bị cáo. Số vụ trả hồ sơ điều tra bổ sung là 19 vụ, không có án hủy do sai, có 2 bản án sửa do sai. Qua công tác xét xử án hình sự sơ thẩm cho thấy tình hình diễn biến của các loại tội phạm rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng thuộc thẩm quyền xét xử TAND cấp tỉnh, thành phố ngày càng diễn ra nhiều hơn. Đặc biệt các loại tội phạm về ma túy, giết người, cố ý gây thương tích, lừa đảo, trộm cắp, chiếm đoạt tài sản có xu hướng tăng mạnh.

Trong đó, tội phạm về ma túy 123 vụ, 183 bị cáo (tăng 38 vụ, 62 bị cáo so với cùng kỳ năm 2018); tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản 30 vụ, 40 bị cáo (tăng 11 vụ, 20 bị cáo); tội trộm cắp tài sản 146 vụ, 191 bị cáo (tăng 39 vụ, 14 bị cáo); tội giết người 22 vụ, 38 bị cáo (tăng 12 vụ, 24 bị cáo, trong đó 15 vụ phạm tội chưa đạt); tội cướp tài sản 7 vụ, 14 bị cáo (tăng 2 vụ, 8 bị cáo). Độ tuổi tội phạm ngày càng trẻ, có những bị can, bị cáo là người chưa thành niên cũng tham gia mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy. 6 tháng qua, ngành Tòa án đã thụ lý, giải quyết 1 vụ án về tội tham nhũng tại Trường mầm non Tuổi Ngọc, quận Liên Chiểu.

Về án dân sự, ngành Tòa án đã giải quyết 1.716 vụ, việc dân sự, đạt tỷ lệ 59%. So với cùng kỳ, án hủy do sai tăng 1 vụ, án sửa do sai tăng 5 vụ. Về án hành chính, ngành Tòa án đã giải quyết 16 vụ, đạt tỷ lệ 38%, không có án bị hủy do sai. Thực hiện chủ trương thí điểm về đổi mới, tăng cường đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại Tòa án, ngành đã thành lập 6 trung tâm hòa giải, đối thoại và đã thụ lý, đối thoại, hòa giải xong 1.787 vụ việc; trong đó hòa giải thành 1.207 vụ, chiếm 67,54%.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo TAND thành phố nêu một số hạn chế như án bị hủy, sửa còn chiếm tỷ lệ cao, tập trung vào lĩnh vực dân sự, kinh doanh thương mại; tỷ lệ giải quyết các vụ việc dân sự còn thấp, một số vụ việc giải quyết còn kéo dài... TAND thành phố kiến nghị thành phố hỗ trợ kinh phí để kéo dài việc thí điểm hòa giải, đối thoại trong giải quyết tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại Tòa án đến tháng 10-2019. (S.TRUNG)


 

;
;
.
.
.
.
.