Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU: Mở ra nhiều cơ hội đi kèm thách thức

.

Sau Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực, sắp tới đây, ngày 30-6  Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được ký kết, sẽ mở ra thêm nhiều cơ hội hợp tác, gia nhập thị trường sâu rộng cho doanh nghiệp Việt Nam. Trước sự kiện này, nhiều doanh nghiệp, hiệp hội, hội doanh nghiệp Đà Nẵng có những phân tích, nhìn nhận cụ thể về những cơ hội và thách thức từ EVFTA.

Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU được ký kết và có hiệu lực sẽ mang lại những điều kiện thuận lợi hơn cho hàng hóa Việt Nam.
Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU được ký kết và có hiệu lực sẽ mang lại những điều kiện thuận lợi hơn cho hàng hóa Việt Nam.

Nguyễn Thị Hồng Ngọc, Phó Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Chi nhánh Đà Nẵng:

Mở rộng thị trường, tăng kim ngạch xuất khẩu

Với việc ký kết EVFTA, thị trường cho doanh nghiệp Việt Nam, nhất là hàng hóa xuất khẩu, sẽ tiếp tục được mở rộng toàn diện hơn, nhất là cơ hội gia tăng xuất khẩu cho những mặt hàng Việt Nam có lợi thế như dệt may, da giày, nông thủy sản, đồ gỗ... Theo nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020; 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với việc không có hiệp định này.

Đến nay, trong khối ASEAN mới chỉ có Việt Nam và Singapore kết thúc đàm phán với EU, như vậy các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có lợi thế hơn trong việc cạnh tranh, tiếp cận thị trường này. Hiệp định cũng mở ra những cơ hội thu hút các nhà đầu tư lớn từ 28 thành viên thuộc khối EU. Đặc biệt, việc thực thi các cam kết trong EVFTA sẽ bảo đảm một môi trường kinh doanh và pháp lý ổn định, thông thoáng cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư của cả hai bên.

Riêng tại Đà Nẵng, thị trường EU chiếm tỷ trọng hơn 15% trên tổng kim ngạch xuất khẩu của thành phố hằng năm và ở hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chủ lực trên địa bàn thành phố như: dệt may, thủy sản, thiết bị điện và linh kiện điện tử, đồ chơi trẻ em, thủ công mỹ nghệ, sản phẩm gỗ…; nên EVFTA sẽ tạo thuận lợi rất lớn cho các doanh nghiệp, góp phần gia tăng kim ngạch xuất khẩu, tiếp cận thị trường.

Người tiêu dùng thành phố cũng sẽ thêm nhiều cơ hội để được tiếp cận nguồn cung các sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao từ EU trong các lĩnh vực như dược phẩm, chăm sóc sức khỏe…

Trong xu thế đó, các doanh nghiệp Đà Nẵng cần chủ động tìm hiểu thấu đáo về các quy định và lộ trình cam kết của EVFTA; chủ động dựa vào sự hỗ trợ của các cơ quan, tổ chức để đưa sản phẩm đến với thị trường EU; tận dụng cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt trong hợp tác đầu tư; điều chỉnh quy trình sản xuất và nguồn cung nguyên liệu để thỏa mãn Quy tắc xuất xứ nội khối, tận dụng lợi ích thuế quan trọng EVTTA; chủ động đề xuất những biện pháp để bảo vệ sản xuất (chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ…) trong nước phù hợp với các quy định của EV FTA.

Ông Nguyễn Đức Trị, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Dệt may Hòa Thọ:

Doanh nghiệp dệt may có nhiều lợi thế

EVFTA có hiệu lực, trong đó thuế suất của nhiều mặt hàng giảm dần về 0% theo lộ trình, sẽ tạo cơ hội lớn cho các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam; trong đó có ngành dệt may và da giày. Nhiều năm nay, sản phẩm may mặc, của Việt Nam đã phần nào khẳng định được thương hiệu tại thị trường EU và vẫn giữ ưu thế cạnh tranh về nguồn lao động, chi phí sản xuất thấp so với các quốc gia lân cận.

Lâu nay, trao đổi hàng hóa trong ngành dệt may, da giày những năm qua chủ yếu theo chiều xuất khẩu từ Việt Nam sang EU. Vì vậy, khi những hàng rào về thuế quan dần được tháo gỡ theo lộ trình khi hiệp định này được ký kết thì kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may và da giày Việt Nam được dự đoán sẽ tăng lên đáng kể, trong đó có doanh nghiệp tại Đà Nẵng.

Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước:

EU là thị trường rất khắt khe

Với kinh nghiệm 25 năm xuất khẩu các mặt hàng thủy sản sang nhiều nước thuộc khối EU, tôi khẳng định đây là thị trường có hệ thống hàng rào kỹ thuật rất khắt khe với các quy định chi tiết, rõ ràng ở nhiều cấp độ và được áp dụng quyết liệt.

Doanh nghiệp khi muốn đem hàng vào các nước thuộc khối EU, ngoài việc đáp ứng các tiêu chuẩn chung của toàn khối, còn phải thỏa mãn các tiêu chuẩn khác của từng quốc gia thành viên, các tổ chức, hiệp hội ngành nghề khác. Bên cạnh đó, họ đòi hỏi trách nhiệm và uy tín của doanh nghiệp rất cao.

Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU được ký kết và có hiệu lực sẽ mang lại những điều kiện thuận lợi hơn cho hàng hóa Việt Nam.
Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU được ký kết và có hiệu lực sẽ mang lại những điều kiện thuận lợi hơn cho hàng hóa Việt Nam.

EVFTA được ký kết sẽ mở ra những cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam nói riêng, doanh nghiệp ngành thủy sản nói chung, nhưng đi kèm đó sẽ là những thách thức, buộc doanh nghiệp phải không ngừng nỗ lực để lớn mạnh, thông qua việc đổi mới công nghệ, tự nâng cao khả năng cạnh tranh.

Doanh nghiệp muốn nhập cuộc, tham gia vào chuỗi cung ứng nguồn hàng hóa thuộc thị trường EU không có cách nào khác ngoài việc phải trung thực, thực hiện một cách quyết liệt các yêu cầu cũng như phải có đủ tiềm lực để duy trì sự ổn định, lâu dài khi ký kết các đơn hàng. Trong tình hình đó, Nhà nước cần tuyên truyền rộng rãi, chính xác và cụ thể thông tin về thị trường, các tiêu chuẩn, quy định khi muốn gia nhập thị trường EU để mọi doanh nghiệp biết đến.

Ông Phạm Bắc Bình, Giám đốc Công ty CP Bình Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Đà Nẵng:

Cần có chính sách cụ thể để hiệp định phát huy được giá trị

Thời gian qua, nước ta đã ký nhiều hiệp định thương mại tự do, cho thấy xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng; tuy nhiên, điều doanh nghiệp quan tâm nhất là thông tin liên quan về hiệp định cũng như việc triển khai thực hiện các hiệp định này như thế nào nhằm khai thác hiệu quả những giá trị mà nó đem lại.

Tôi cho rằng, các cơ quan chức năng liên quan từ Trung ương đến địa phương cần có các cơ chế hỗ trợ tích cực, các văn bản hướng dẫn cụ thể, sát sườn nhất cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận các cơ hội đầu tư, kết nối thương mại từ hiệp định.

Bên cạnh đó, cần phát huy vai trò của các tham tán ngoại giao tại các nước thuộc khối EU trong việc nắm bắt các xu thế sử dụng sản phẩm của 28 thành viên thuộc EU để cung cấp và định hướng thông tin cho doanh nghiệp.

Ở mặt khác, doanh nghiệp cần tích cực tìm hiểu thông tin, đầu tư đổi mơi công nghệ, mạnh dạn tiếp cận thị trường, tham gia tích cực các chuyến đi xúc tiến thương mại ở thị trường mới do các ngành chức năng tổ chức… nhằm tìm kiếm thông tin, cơ hội ký kết làm ăn.

KHÁNH HÒA thực hiện
 

;
;
.
.
.
.
.