Phát huy vai trò của khoa học và công nghệ trong phát triển kinh tế biển

.

Chiều 20-6, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với UBND thành phố tổ chức Hội nghị KH&CN phục vụ phát triển kinh tế biển vùng Duyên hải Nam Trung Bộ (DHNTB). Tham dự hội nghị có Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng, Phó Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn. Về phía địa phương có Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho biết, DHNTB là một trong 4 vùng trọng tâm chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển của cả nước. Trong những năm qua, đóng góp về kinh tế biển của các tỉnh trong khu vực luôn đạt tỷ lệ cao, đặc biệt là từ các vùng kinh tế, khu công nghiệp, cơ sở công nghiệp ven biển; các ngành công nghiệp - dịch vụ hàng hải, dầu khí, du lịch biển tại DHNTB… luôn giữ vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế quốc gia.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Trần Văn Tùng, khu vực này vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: phát triển kinh tế biển gắn liền với bảo vệ môi trường; các ngành kinh tế biển mũi nhọn chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn; suy giảm đa dạng sinh vật biển, sự liên kết giữa các vùng miền ven biển chưa cao…

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh, kinh tế biển Việt Nam nói chung và DHNTB nói riêng có nhiều tiềm năng như: giao thông thuận lợi, ngành thủy hải sản được quan tâm phát triển, du lịch biển đang được đẩy mạnh... Trong những năm qua, Đà Nẵng đã tăng cường các nghiên cứu biển đảo nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu về các hệ sinh thái, địa hình, tài nguyên sinh vật và khoáng sản biển, góp phần phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của thành phố, bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Theo đó, Đà Nẵng đã phê duyệt đề án phát triển kinh tế biển thành phố đến năm 2025, tầm nhìn đến 2030 với mục tiêu tăng trưởng bền vững đạt từ 12-15%/năm. Vì vậy, KH&CN đối với phát triển kinh tế biển, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập quốc tế, biến đổi khí hậu và cách mạng 4.0 đang có nhiều tác động đối với thành phố.    

Tại hội nghị, các đại biểu đã trình bày các tham luận về thực trạng và triển vọng phát triển kinh tế biển vùng DHNTB, các vấn đề quy hoạch phát triển kinh tế biển, KH&CN trong phát triển du lịch biển bền vững...

GS.TSKH Phạm Hoàng Hải (Viện Địa lý - Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) nhìn nhận, việc quy hoạch không gian biển cần phải lưu ý những tiêu chí khác với quy hoạch không gian trên đất liền. Ngoài các yếu tố tiềm năng tự nhiên, con người, cần phải xem xét đến vị thế trong phát triển kinh tế, an ninh-quốc phòng, sức chứa dân cư trên các đảo. Đối với việc phát triển kinh tế biển, bên cạnh xây dựng các mô hình riêng cho các ngành du lịch biển, ngư nghiệp, dịch vụ…, cần có mô hình chung liên kết để có sự nhất quán, tận dụng lợi thế của nhau.

Tại hội nghị, nhiều doanh nghiệp cũng bày tỏ băn khoăn về các vấn đề như: nhân sự các ngành kinh tế biển tại khu vực DHNTB đang hiếm hoi; quy hoạch ngành còn nhiều chồng chéo, gây khó khăn cho doanh nghiệp tham gia nghiên cứu khoa học; các sản phẩm làm từ tài nguyên biển đang đối mặt với tình trạng hàng giả, hàng nhái; thiết bị khai thác hải sản hiện đại có mức giá quá cao so với thu nhập của ngư dân…

Tổng kết hội nghị, Phó Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn đề nghị các địa phương trong khu vực DHNTB cần đẩy mạnh tuyên truyền, quát triệt nhận thức về kinh tế biển và vai trò của KH&CN đối với kinh tế biển. Cần cụ thể hóa Chiến lược Phát triển kinh tế biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của BCH Trung ương khóa XII bằng cách xây dựng chương trình, kế hoạch, lồng ghép phát triển kinh tế biển vào chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Chú trọng phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng lực doanh nghiệp vừa và nhỏ, đẩy mạnh khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực kinh tế biển.

PHONG LAN

;
;
.
.
.
.
.