Quy hoạch, thiết kế Bảo tàng Đà Nẵng và Công viên APEC mở rộng: Nhiều ý tưởng mới lạ, sáng tạo

.

Ngày 8-6, Hội đồng tuyển chọn cuộc thi phương án quy hoạch, thiết kế Công viên APEC mở rộng và cải tạo, nâng cấp cơ sở số 42, 44 Bạch Đằng và 31 Trần Phú thành Bảo tàng Đà Nẵng, nghe các đơn vị tư vấn báo cáo thuyết trình phương án dự thi.

Phương án giữ nguyên các công trình hiện trạng số 42 Bạch Đằng để nâng cấp kết cấu, tích hợp giải pháp triển lãm công nghệ số và trưng bày truyền thống tại Bảo tàng Đà Nẵng mới được đánh giá cao tại cuộc thi.
Phương án giữ nguyên các công trình hiện trạng số 42 Bạch Đằng để nâng cấp kết cấu, tích hợp giải pháp triển lãm công nghệ số và trưng bày truyền thống tại Bảo tàng Đà Nẵng mới được đánh giá cao tại cuộc thi.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đặng Việt Dũng, Trưởng Ban tổ chức, Chủ tịch Hội đồng tuyển chọn cuộc thi, đánh giá, 14 phương án tham gia đều có chất lượng cao; việc tổ chức cuộc thi tuyển chọn phương án quy hoạch, thiết kế Bảo tàng Đà Nẵng và Công viên APEC mở rộng đã có bước chuẩn bị chu đáo, thu hút sự quan tâm đầu tư nghiên cứu, xây dựng phương án dự thi từ các đơn vị tư vấn thiết kế trong và ngoài nước. Đây là 2 công trình văn hóa rất có ý nghĩa phục vụ cho sự phát triển kinh tế - văn hóa và đô thị trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Cuộc thi quy hoạch và thiết kế kiến trúc Bảo tàng Đà Nẵng tại số 42-44 Bạch Đằng và số 31 Trần Phú (quận Hải Châu) có 8 đơn vị tư vấn thiết kế trong và ngoài nước tham gia dự thi. Các phương án dự thi đã được trưng bày triển lãm từ ngày 2 đến ngày 8-6 tại Trung tâm Hành chính thành phố.

Ông Trần Văn Nam, Giám đốc Trung tâm Tư vấn kỹ thuật xây dựng Đà Nẵng, thành viên Ban tổ chức cuộc thi cho biết, yêu cầu về cuộc thi được Ban tổ chức xác định về giải pháp quy hoạch thực hiện nghiên cứu tổng thể phương án tại khu vực số 42-44 Bạch Đằng và 31 Trần Phú bảo đảm khớp nối với quy hoạch chung của khu vực và đặc biệt khớp nối với ý tưởng quy hoạch quảng trường xung quanh khu vực thành Điện Hải, Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng và quy hoạch cảnh quan bờ tây sông Hàn. Trong đó, lưu ý có giải pháp đậu đỗ xe và dừng đón trả cho khách tham quan bảo tàng, cho cán bộ, nhân viên bảo tàng.

Về giải pháp kiến trúc, nghiên cứu tạo thành quần thể kiến trúc - cảnh quan công trình, bảo đảm công năng sử dụng hài hòa, bảo đảm sự liên kết giữa các công trình hiện trạng và công trình bổ sung mới. Trong đó, cần đặc biệt lưu ý việc giữ lại bảo tồn hai công trình (tòa nhà số 42 và số 44 Bạch Đằng) đã được xây dựng hơn 100 năm, là công trình chứng tích qua nhiều thời kỳ lịch sử của thành phố.

Hình thức kiến trúc công trình dự kiến xây mới bảo đảm sự hài hòa với các công trình hiện trạng cần bảo tồn, các công trình xung quanh, bảo đảm sự thống nhất về hình thức và công năng, tính hiện đại phù hợp với xu hướng phát triển của một thành phố năng động. Giải pháp thiết kế công năng cần bảo đảm nhu cầu sử dụng hiện tại (từ cơ sở vật chất và con người của bảo tàng cũ chuyển sang) và dự báo nhu cầu phát triển trong tương lai. 

Tại buổi thuyết trình, báo cáo phương án quy hoạch, thiết kế Bảo tàng Đà Nẵng của các đơn vị tư vấn tham gia cuộc thi đã thực hiện đúng yêu cầu về giải pháp quy hoạch và giải pháp thiết kế. Qua đó, nhiều ý tưởng quy hoạch, thiết kế táo bạo được hội đồng tuyển chọn đánh giá có chất lượng như: phương án xác định Bảo tàng Đà Nẵng được kết nối với các công trình phụ cận để hình thành một không gian cộng cộng.

Trong đó, khu vực sân trong bảo tàng được thiết kế để làm khu quảng trường vừa để triển lãm, vừa là nơi tổ chức sự kiện ngoài trời; khu vực vỉa hè được trang trí bằng chữ viết kể câu chuyện về thành phố qua thơ ca… để hình thành không gian tương tác cũng vừa để triển lãm. Lối đi bộ được mở rộng ra không gian chung quanh để tạo nên sự kết nối mạnh mẽ với khu vực bờ sông, thành Điện Hải, thư viện và trường học.

Cũng có phương án nêu ý tưởng quy hoạch giữ nguyên các công trình xây dựng hiện trạng; hình thành khu trưng bày ngoài trời, khu trưng bày trong nhà, khu trưng bày phi vật thể và khu phụ trợ. Phương án này đưa ra 6 cụm trưng bày theo chủ đề. Ý tưởng khác là bổ sung các khối nhà để hình thành các trung tâm trưng bày thường xuyên và trưng bày theo chuyên đề có không gian cảnh quan kết nối với các mặt đứng công trình với 3 trục Bạch Đằng, Trần Phú và Quang Trung. Hay ý tưởng sử dụng các tòa nhà hiện trạng, xây dựng đường hầm qua đường Bạch Đằng, sử dụng không gian sân vườn và đầu tư bổ sung thêm toà nhà mới đa chức năng.

Về cuộc thi tuyển chọn phương án quy hoạch, thiết kế mở rộng Công viên APEC, các phương án tham gia dự thi đều thể hiện giải pháp quy hoạch, thiết kế kết nối được khu công viên vườn tượng hiện tại tạo thành Công viên APEC mở rộng liền khối, khớp nối tài tình về quy hoạch; đồng thời có tính hệ thống, chuyển tiếp về thiết kế cảnh quan công viên.

Công viên APEC mở rộng được thiết kế xanh tạo điểm nhấn đặc sắc cảnh quan bờ tây sông Hàn gắn với cầu Rồng và Bảo tàng Điêu khắc Chăm.
Công viên APEC mở rộng được thiết kế xanh tạo điểm nhấn đặc sắc cảnh quan bờ tây sông Hàn gắn với cầu Rồng và Bảo tàng Điêu khắc Chăm.

Về quy hoạch, các phương án dự thi đã phát huy tối đa hạ tầng giao thông sẵn có để tối ưu hóa phần diện tích công viên, giảm bê-tông hóa lên không gian cảnh quan. Trong thiết kế cảnh quan, lấy mảng cây xanh, vườn hoa, thảm cỏ để tối ưu hóa không gian; tỷ lệ cây xanh bao phủ trên 70%. Các phương án tham gia dự thi cũng chú trọng việc khai thác yếu tố nước để tạo nên sự giao thoa, mở rộng và kết nối với dòng sông Hàn.

Trong đó có phương án tiếp tục khai thác hình tượng “rồng” của cầu Rồng để hình thành những tiểu cảnh... rồng con là đường hoa lẫn lối đi dạo. Có phương án tích hợp công năng công cộng tài tình bởi hạ tầng công trình ngầm với bề mặt nổi công viên để phục vụ cho hoạt động tổ chức sự kiện, vui chơi giải trí làm cho công viên có sức thu hút du khách cả ngày lẫn đêm.

Hay có phương án thiết lập bể bơi hai đáy để tối ưu hóa các công năng trên diện tích hẹp để vừa làm được sân khấu biểu diễn ngoài trời, nhưng cũng có thể làm đài phun nước. Từ đây, bổ sung vào điểm đến cho người dân và du khách khi đến tham quan Bảo tàng Điêu khắc Chăm, ngắm cầu Rồng và đi dạo vãng cảnh cùng vui chơi, giải trí tại Công viên APEC.

Đặc biệt, có phương án đề cập sự cần thiết đưa Công viên APEC thành khu vực trung tâm sáng tạo với việc tích hợp các công nghệ thông tin về phát triển đô thị thông minh để vừa giới thiệu vừa ứng dụng thực tiễn. Tuy nhiên, các phương án quy hoạch, thiết kế Công viên APEC mở rộng chưa xác định rõ chức năng công viên chủ đề; chưa giải quyết căn bản phương án bảo đảm giao thông tại khu vực.

Hội đồng tuyển chọn tiến hành chấm chọn theo các tiêu chí về các giải pháp quy hoạch, kiến trúc, kỹ thuật, kinh tế và phần thuyết minh phương án. Ban tổ chức tiếp tục làm việc và công bố phương án đoạt giải để trao thưởng theo quy định.

Bài và ảnh: TRIỆU TÙNG

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.