Tăng khả năng tiếp cận chính sách hỗ trợ đổi mới công nghệ

.

Vừa qua, thành phố có nhiều chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp (DN) đổi mới công nghệ và đạt được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, theo nhìn nhận từ phía DN, việc tiếp cận chính sách hỗ trợ vẫn chưa thực sự hiệu quả.

Doanh nghiệp mong muốn tăng khả năng tiếp cận chính sách hỗ trợ đổi mới công nghệ.
Doanh nghiệp mong muốn tăng khả năng tiếp cận chính sách hỗ trợ đổi mới công nghệ.

Ông Phạm Bắc Bình, Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa: Việc tiếp cận kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ (KH&CN) vẫn gặp nhiều khó khăn

Các DN luôn nhận thức được lợi ích từ việc đổi mới, cải tiến công nghệ, nhưng hằng ngày luôn đối mặt với những khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Cụ thể là thị trường luôn biến động, giá cả đầu vào thay đổi theo hướng ngày càng tăng, hiệu quả kinh doanh thấp xuống, khó trụ vững trong thị trường.

Vì thế, DN nhỏ và vừa phải xử lý tình huống ngắn hạn để tồn tại, không thể có đầu tư để lo dài hạn được. Bên cạnh đó, DN nhỏ và vừa phần lớn không đủ vốn đầu tư đổi mới công nghệ, lại chưa nhận được sự giúp đỡ thiết thực từ tín dụng ngân hàng, quỹ hỗ trợ của Nhà nước, từ các DN lớn khi tham gia chuỗi giá trị.

Ngoài việc đề xuất các phương án hỗ trợ tới thành phố như: thành lập một quỹ hỗ trợ vay vốn cho DN, bản thân DN nhỏ và vừa cần mở rộng quan hệ với DN trong ngành và với khu vực công. Việc mở rộng hợp tác, quan hệ với DN cùng ngành không chỉ giúp DN có thêm thông tin kinh doanh mà còn giúp mở rộng nguồn vốn có khả năng tiếp cận.

Các DN nhỏ và vừa cũng nên xem xét việc áp dụng đổi mới công nghệ theo từng giai đoạn. Theo đó, DN có thể phân nhỏ quá trình đầu tư theo chu kỳ kinh doanh hoặc xem xét cải tiến từng công đoạn nhằm giảm sức ép về vốn đầu tư.

Ông Nguyễn Thành Minh, Phó Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Minh Thịnh Lợi: Nên tìm nguồn quỹ để hỗ trợ cho doanh nghiệp vay với lãi suất thấp

Hiện nay, với chính sách hỗ trợ theo từng dự án của thành phố đã giúp DN có khả năng thay đổi các phương tiện máy móc cũ để có khả năng sản xuất tốt hơn, nhưng như thế cũng chưa phải là tối ưu nhất. Bởi với thời buổi công nghệ 4.0 hiện nay, tất cả các ngành nghề, dịch vụ đều yêu cầu phải nhanh, phải chính xác, chất lượng tốt.

Tuy nhiên, DN mỗi một mô hình với số lượng máy móc khác nhau, khi đổi mới thì cần phải đổi mới đồng bộ, theo dây chuyền, chứ không thể đổi một hay hai cái được. Trong khi đó, chính sách chỉ hỗ trợ theo từng dự án một, mức hỗ trợ 30% trên tổng giá trị máy móc. Đơn cử như công ty chúng tôi, tổng giá trị đầu tư của máy phay công nghệ cao là 3,6 tỷ đồng, được hỗ trợ 30% đã là rất tốt, nhưng không thấm vào đâu cả.

Chính vì vậy, phía công ty mong rằng, thành phố nên tìm nguồn quỹ để hỗ trợ cho DN vay với lãi suất thấp để DN có khả năng đi xuyên suốt trong quá trình đổi mới. Có như vậy, chính sách của thành phố sẽ rất thiết thực và có khả năng đồng hành cùng DN trong thời gian tiếp theo.

Ông Trần Văn Hoàng, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ: Đã có định hướng và nội dung sửa đổi chính sách hỗ trợ công nghệ

Qua 5 năm triển khai các chính sách hỗ trợ đổi mới công nghệ, đã có 56 lượt DN được hỗ trợ với tổng số kinh phí hơn 4 tỷ đồng. Vừa qua, sở cũng tiếp nhận một số ý kiến của DN về sự cần thiết phải sửa đổi chính sách hỗ trợ đổi mới công nghệ của thành phố. Hiện tại, sở đã có định hướng và nội dung sửa đổi chính sách hỗ trợ đổi mới công nghệ.

Cụ thể, bổ sung đối tượng hoạt động chuyển giao công nghệ; bổ sung đối tượng ươm tạo công nghệ, ươm tạo DN KH&CN, hỗ trợ đào tạo bồi dưỡng cho cá nhân khởi nghiệp, nhóm khởi nghiệp; bổ sung thêm loại hình công nghệ được hỗ trợ; điều kiện ưu tiên cho DN có hoạt động chuyển giao công nghệ thuộc danh mục công nghệ khuyến khích chuyển giao theo quy định của Chính phủ; bổ sung nhiệm vụ cho Sở KH&CN kiểm tra, đánh giá tình hình hoạt động của đối tượng nhận hỗ trợ để đánh giá và báo cáo UNBD thành phố về hiệu quả của chính sách.

MAI QUẾ ghi

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.