Tuổi thơ gắn bó với ngôi nhà đơn sơ cũng chính là “xưởng” sản xuất đậu khuôn, tàu hũ... của cha mẹ, đến khi trưởng thành, từ giã vị trí trong các tập đoàn lớn, anh Bùi Như Mậu quay về với món tàu hũ đã từng nuôi anh ăn học và lập nên thương hiệu Tàu hũ CoVang.
Anh Trầm Nguyên Thành (ngoài cùng bên trái) và anh Bùi Như Mậu (ngoài cùng bên phải) trao đổi với các đại biểu tham quan gian hàng tại hội nghị Khoa học và Công nghệ vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. |
Trong 2 ngày triển lãm tại hội nghị Khoa học và Công nghệ vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên vừa được tổ chức ở Đà Nẵng giữa tháng 6 vừa qua, có một gian hàng lúc nào cũng thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu tham dự. Lý do đơn giản là các sản phẩm ở gian hàng này rất... ngon, thơm mát, ai nếm một miếng cũng có cảm giác cái nắng nóng đổ lửa của ngày hè tháng 6 như dịu bớt phần nào. Đó là gian hàng Tàu hũ CoVang của anh Bùi Như Mậu và anh Trầm Nguyên Thành.
Đối với người dân miền Trung, nhắc đến tàu hũ (hay còn gọi là đậu hũ, tào phớ) có lẽ nhiều người sẽ nghĩ ngay hình ảnh các bà, các cô đội nón gánh đôi quang gánh đi khắp các con phố, hoặc đẩy chiếc xe ngồi nơi góc chợ. Thức quà vặt giản dị ấy mùa hè ăn thì mát thanh vị đậu, mà mùa đông ăn lại ấm ngọt mùi gừng. Ngon bổ là vậy, song tàu hũ trước nay vẫn khép mình khiêm tốn trong hình ảnh đơn sơ, dân dã, ăn bằng cái chén ăn cơm thông thường nên chỉ có thể dùng tại chỗ chứ khó lòng mang đi xa.
Nhưng với “tấm áo” của CoVang thì tàu hũ “sang chảnh” hơn đôi chút. Tàu hũ được đựng trong chiếc hộp giấy nhỏ ngang kích cỡ một cái chén. Hộp có màu vàng tươi sáng của đậu nành, trên mặt in logo thương hiệu với hình ảnh người phụ nữ phúc hậu đầu đội nón lá, miệng mỉm nụ cười hiền lành. Khi cởi “tấm áo” ra, lớp tàu hũ mịn mượt hiện ra với mùi thơm thanh khiết của đậu non quyện với gừng, đủ sức khiến nhiều người bỗng nhớ về một thời tuổi thơ hồn nhiên bưng chén ngồi cạnh gánh đậu, miệng húp ngon lành.
Anh Bùi Như Mậu chia sẻ, vào những năm 1990 đầy khó khăn, cha mẹ anh tìm cách tăng gia sản xuất bằng nghề làm đậu khuôn, tào phớ, sữa đậu nành ngay trong căn nhà đơn sơ của cả gia đình. Những tháng ngày vất vả ấy đi sâu vào tâm trí của anh. Sau khi tốt nghiệp đại học chuyên ngành kinh tế và có thêm một bằng trung cấp dược sĩ, anh Mậu trở thành chuyên viên dinh dưỡng của Công ty Abbott Hoa Kỳ, sau đó làm giám đốc bán hàng cho Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) tại khu vực miền Trung.
Năm 2018, anh Mậu cùng người bạn thân là anh Trầm Nguyên Thành (lúc đó đang là kỹ sư điện) đi du lịch Singapore. Tình cờ ăn được món tàu hũ tươi bên đó, anh ấn tượng mãi với hương vị ngọt thanh, tan chảy vừa quen vừa lạ. Những ngày sau, hai người đàn ông không đi du lịch nữa mà dành thời gian tìm hiểu và mua lại công thức của nhà sản xuất tại Singapore. Bước ngoặt đầu tiên xuất hiện khi cả hai quyết định bỏ việc để khởi nghiệp với món tàu hũ tại quê nhà.
Tháng 4-2018, thương hiệu CoVang (đọc là Cô Vang) ra đời. Anh Mậu giải thích, Vang là tên ở nhà của mẹ anh, người đã từng vất vả sớm khuya bên những mẻ tàu hũ nuôi anh và các anh chị em ăn học. Đậu hũ CoVang được làm từ đậu nành giống Canada, tạo đông bằng nguyên liệu tảo biển nhập khẩu từ Singapore theo công thức giống hệt như món ăn anh từng thưởng thức ở nước bạn. Đặc biệt, trong tàu hũ còn có mùi gừng tươi ấm nồng, đậm chất Việt.
Hơn một năm qua, anh Mậu và anh Thành tập trung vào việc sản xuất, phát triển sản phẩm. Anh Mậu làm ở Khánh Hòa, còn anh Thành làm ở Đà Nẵng (tại đường Hoàng Đức Lương, quận Sơn Trà). Một ngày làm việc bắt đầu từ 6 giờ sáng. Sau khi thức dậy, việc đầu tiên là phải chuẩn bị nguyên liệu để làm những mẻ tàu hũ tươi đầu tiên, kịp giao cho các trường mầm non vào đúng 8 giờ 30 sáng. Xong đâu đó, các anh lại tiếp tục làm các mẻ khác để đúng 13 giờ giao cho các trường tiểu học.
Anh Thành cho biết, hiện mạng lưới khách hàng của Tàu hũ tươi CoVang bao gồm 42 trường mầm non, tiểu học, trong đó có 14 trường ở Đà Nẵng. “CoVang rất vinh dự được tham gia vào chương trình dinh dưỡng học đường tại các trường. Chúng tôi bảo đảm sản phẩm luôn sạch, tự nhiên, không chất bảo quản, thân thiện với môi trường, được kiểm nghiệm và cấp phép đầy đủ, nguyên liệu nhập khẩu có truy xuất nguồn gốc rõ ràng”, anh Thành nói. Hiện nay, CoVang cũng là lựa chọn trong thực đơn của các hội nghị, nhiều nhà hàng tiệc cưới, nhà hàng chay trên địa bàn thành phố.
Bên cạnh việc bỏ mối sỉ cho các trường học, nhà hàng, đậu hũ CoVang còn được bán cho khách hàng lẻ thông qua Facebook, gọi điện thoại hoặc qua các ứng dụng đặt thức ăn như: Now, GrabFood... Anh Thành cho hay: “Đối với những khách hàng ăn lần đầu, đích thân mình và Mậu sẽ làm người giao hàng để tranh thủ trao đổi, chia sẻ với khách. Nhiều khách ăn quen, tuần nào cũng gọi lấy sỉ để dành ăn cả tuần”. Anh Mậu và anh Thành tâm niệm, khi làm ăn, phải luôn lấy sự hài lòng của khách hàng làm động lực phấn đấu hằng ngày.
Bài và ảnh: PHONG LAN