Cần làm gì để nâng cao chất lượng hàng nội?

.

Một sản phẩm muốn cạnh tranh ở thị trường nước ngoài, trước hết phải có khả năng cạnh tranh ở thị trường trong nước về chất lượng và giá cả. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp chọn hướng nâng cao chất lượng sản phẩm, không phân biệt “hàng nội địa” hay “hàng xuất khẩu”.

Nâng cao chất lượng hàng Việt Nam để phục vụ tốt nhất cho người tiêu dùng Việt. Ảnh: M.QUẾ
Nâng cao chất lượng hàng Việt Nam để phục vụ tốt nhất cho người tiêu dùng Việt. Ảnh: M.QUẾ

Một sản phẩm muốn cạnh tranh ở thị trường nước ngoài, trước hết phải có khả năng cạnh tranh ở thị trường trong nước về chất lượng và giá cả. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp chọn hướng nâng cao chất lượng sản phẩm, không phân biệt “hàng nội địa” hay “hàng xuất khẩu”.

Ông Trần Việt Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố: Chất lượng sản phẩm cần đi đôi với giá thành hợp lý

Hàng Việt Nam (bao gồm hàng nội địa hay hàng xuất khẩu) cần có chất lượng tương đương. Người tiêu dùng mua hàng Việt ngày càng nhiều hơn. Chính sự cộng hưởng này tạo ra sự phát triển kinh tế và khẳng định được ý nghĩa của lòng yêu nước của người Việt được đặt đúng chỗ, là khuyến khích, ủng hộ hàng Việt chất lượng tốt, không chấp nhập hàng kém chất lượng.

Tuy nhiên, nếu chỉ chú trọng đến nâng cao chất lượng sản phẩm mà không quan tâm đến chi phí dẫn đến giá thành quá cao không được thị trường chấp nhận lại là một sai lầm. Vì vậy, khi các doanh nghiệp đưa ra các biện pháp nâng cao chất lượng sản phẩm cũng cần chú ý đến chi phí tạo ra sản phẩm đó, điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước, thu nhập trung bình của người tiêu dùng và thị hiếu của họ để sản xuất ra sản phẩm phù hợp.

Ông Hồ Đức Tiến, Giám đốc Công ty TNHH MTV Cà-phê Mayaca: Nâng chuẩn sản phẩm vì người tiêu dùng

Hiện nay, một số doanh nghiệp sản xuất thực phẩm có tình trạng lạm dụng việc sử dụng các chất bảo quản, chất phụ gia. Việc này có lợi cho người sản xuất, nhưng có hại cho người tiêu dùng. Đơn vị chúng tôi thành lập cũng vì mục tiêu “phổ biến cà-phê sạch” đến người tiêu dùng. Cà-phê “sạch” ở đây là không pha trộn phụ gia, tạp chất để bảo đảm sức khỏe cho khách hàng. Sau gần 5 năm thành lập, khi đã có thị trường ổn định ở khu vực Đà Nẵng và miền Trung - Tây Nguyên thì công ty chúng tôi mới tiến hành tìm hiểu thị trường Thái Lan.

Để tạo niềm tin cho người tiêu dùng, tiêu chuẩn Việt Nam cần được nâng cao hơn, đặc biệt đối với ngành hàng thực phẩm. Quá trình nâng chuẩn sản phẩm này cần sự nỗ lực rất lớn từ phía cơ quan quản lý, nhà sản xuất và cả sự thông thái của người tiêu dùng.

Ông Dương Hiển Tú, Giám đốc Công ty TNHH MTV Nông trại An Phú: Học tập những sản phẩm chất lượng của nước ngoài

Muốn nâng cao chất lượng sản phẩm nội địa, cụ thể là các sản phẩm nông nghiệp đạt chuẩn VietGAP, thì đại diện Nông trại An Phú cũng phải qua các nước có nền nông nghiệp phát triển để tìm hiểu thế nào là sản phẩm ngon, sạch và đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng. Khi đã học tập được kinh nghiệm thì việc áp dụng vào thực tế cũng phải bảo đảm quy trình sản xuất, chăm sóc nghiêm ngặt để có chất lượng sản phẩm tốt nhất.

Tuy nhiên, nhiều cơ sở, doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn còn e ngại khi sản xuất sản phẩm chất lượng cao nhưng lại không có đầu ra. Bởi lẽ, thị trường tiêu dùng sản phẩm sạch, được cấp chứng nhận VietGAP vẫn chưa rộng rãi. Vì vậy, cần có thêm sự hỗ trợ của Nhà nước để những người sản xuất sản phẩm sạch yên tâm về khâu tiêu thụ sản phẩm.

MAI QUẾ (thực hiện)

;
;
.
.
.
.
.