Hành trình xây dựng thương hiệu đặc trưng

.

Với mong muốn cung cấp tiêu chuẩn dịch vụ 3 sao dành cho khách lưu trú ở phân khúc hostel (nhà nghỉ có mức giá rẻ, phù hợp với các bạn trẻ, nhóm người thích đi du lịch bụi), anh Mạc Bảo Khánh, Giám đốc Công ty TNHH Mạc Bảo Gia, chủ thương hiệu The Vietnam Hostel (22-24-26 Hùng Vương, Đà Nẵng) đang từng bước tạo dựng thương hiệu đặc trưng dành cho cơ sở lưu trú của đơn vị mình.

Không chỉ lưu trú, The Vietnam Hostel còn là nơi để du khách gặp gỡ, giao lưu… (Ảnh: The Vietnam Hostel cung cấp).
Không chỉ lưu trú, The Vietnam Hostel còn là nơi để du khách gặp gỡ, giao lưu… (Ảnh: The Vietnam Hostel cung cấp).

The Vietnam Hostel là dự định được anh Mạc Bảo Khánh ấp ủ từ rất lâu. Ngay từ những ngày còn là du học sinh tại Anh, anh Khánh đã dành thời gian đi du lịch khắp châu Âu, châu Mỹ… và thấy hình thức hostel dành cho khách du lịch, đặc biệt là những bạn trẻ thích đi du lịch bụi ở các quốc gia phát triển, đang là xu hướng ưa chuộng. Loại hình lưu trú này vừa tiết kiệm được không gian vừa tiết kiệm chi phí cho du khách; đặc biệt, loại hình này không chỉ đơn thuần là lưu trú mà du khách nghỉ tại đây còn có thể giao lưu trao đổi, tìm hiểu văn hóa, gặp gỡ được nhiều người từ khắp nơi trên thế giới…

Sau 7 năm xa quê hương, Mạc Bảo Khánh quyết định về lại Đà Nẵng, nơi anh sinh ra và lớn lên để khởi nghiệp. Khánh và các cổ đông của Công ty TNHH Mạc Bảo Gia đã xây dựng nên thương hiệu The Vietnam Hostel, một phân khúc lưu trú dành cho du khách trong nước và quốc tế. Hiện tại, The Vietnam Hostel đang là một trong những cơ sở lưu trú có nhiều phòng nhất dành cho khách ở phân khúc hostel với 2 căn hộ (mỗi căn 2 phòng ngủ), 6 phòng riêng và 7 dorm (viết tắt của dormitory, một kiểu phòng ở tập thể), mỗi dorm từ 8-14 giường.

Theo anh Khánh, The Vietnam Hostel nhắm đến giá trị cốt lõi là cung cấp những tiêu chuẩn dịch vụ 3 sao dành cho khách lưu trú ở phòng dorm và quảng bá văn hóa địa phương thông qua loại hình lưu trú này. Lượng khách của The Vietnam Hostel khoảng 50% là khách châu Âu, Mỹ, 30% là khách Hàn Quốc, còn lại khoảng 20% là khách Việt Nam và các thị trường khách khác. Vì thế, ngay từ cái tên thương hiệu, anh cũng muốn mang đậm chất Việt và The Vietnam Hostel được hình thành.

Điều này còn được các thành viên trong công ty thể hiện ngay từ cái logo mang đậm tinh thần Việt Nam, đó là hình ảnh bản đồ Việt Nam hình chữ S có hai dấu chấm thể hiện hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ngoài ra, các phòng trong hostel đều được đặt tên theo địa danh của Việt Nam như: phòng Đà Nẵng, Hội An, Tây Bắc, Tây Nguyên, Trường Sa, Hoàng Sa, Lý Sơn, Côn Đảo, Cát Bà, Hạ Long, Phú Quốc…

Mạc Bảo Khánh cho biết, The Vietnam Hostel lựa chọn những cái tên này vì muốn du khách biết đến các địa danh nổi tiếng của Việt Nam - những địa danh không chỉ nổi tiếng về du lịch mà còn đậm dấu ấn lịch sử. Trong mỗi phòng đều có bảng thuyết minh ngắn gọn về các địa điểm này. Trong thời gian tới, công ty sẽ bổ sung thêm mã QR để du khách nếu muốn có thể tìm hiểu kỹ hơn về lịch sử, văn hóa của các địa danh, điểm đến này. Một trong những điểm nhấn của The Vietnam Hostel là những bức tranh treo tại các sảnh, hành lang của cơ sở lưu trú đều do các hoạ sĩ trẻ tuổi nổi tiếng của Việt Nam vẽ dựa trên nền tảng là các tranh dân gian. Các bức tranh được thể hiện lại theo một cách hoàn toàn hiện đại và có chú thích rõ ràng để du khách có thể hiểu được phần nào văn hóa dân gian của Việt Nam.

Sau 6 tháng đi vào hoạt động, The Vietnam Hostel có được lượng khách ổn định. Tuy nhiên anh Khánh cho rằng, bên cạnh việc tạo được điểm nhấn trong việc xây dựng thương hiệu, thì cần phải có chiến lược và định hướng kinh doanh để phát triển thương hiệu. Cái khó hiện nay của các đơn vị kinh doanh hostel chính là công tác quản lý về lưu trú ở Đà Nẵng vẫn còn nhiều bất cập, khó kiểm soát về giá nhất là ở phân khúc 3 sao trở xuống.

Chưa kể hiện nay có nhiều loại hình lưu trú homestay, hostel tự phát nhiều, giá bán lại quá thấp so với mặt bằng chung do những cơ sở chủ yếu kinh doanh theo mô hình gia đình, tự làm chủ nên họ không tính đến biên độ lợi nhuận như: chi phí khấu hao tài sản, chi phí cho nhân viên... Đây là nguyên nhân dẫn tới tình trạng cạnh tranh không lành mạnh về giá khiến cho các doanh nghiệp cùng phân khúc gặp khó trong việc bán sản phẩm. Nếu doanh nghiệp bán giá quá thấp thì chất lượng dịch vụ sẽ không được bảo đảm; dịch vụ tốt, chất lượng cao giá thành cao thì khách không mua…

Theo anh Khánh, The Vietnam Hostel và một số hostel khác trên địa bàn thành phố mong muốn mang đến cho khách hàng những dịch vụ chất lượng tiêu chuẩn nên sẽ bắt tay với nhau bằng cách cùng giữ và nâng cao chất lượng dịch vụ, ổn định về giá; qua đó định hướng thị trường khách bằng những giá trị sản phẩm cụ thể như: muốn có chất lượng dịch vụ tốt, thì phải trả số tiền tương xứng với dịch vụ khách sẽ sử dụng.

NHẬT HẠ

;
;
.
.
.
.
.