Kỳ vọng công nghiệp hỗ trợ - Bài 1: Công nghiệp hỗ trợ dần khởi sắc

.

Trong 2 năm trở lại đây, khi Đà Nẵng đẩy mạnh hoạt động thu hút đầu tư với hàng loạt các dự án sản xuất, kinh doanh dịch vụ lớn khởi công xây dựng, công nghiệp hỗ trợ (CNHT) bắt đầu có những khởi sắc đáng kể. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều việc phải làm để thúc đẩy CNHT phát triển mạnh mẽ hơn nữa, nhất là phù hợp với định hướng về vai trò của Đà Nẵng trong thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính tị về xây dựng và phát triển Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Năm 2018 và 2019, cùng với việc thực hiện chủ trương “Năm đẩy mạnh thu hút đầu tư”, thành phố chuyển hướng thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao. Đồng thời, thành phố có động thái tích cực trong việc rà soát lại tình hình hoạt động tại các khu công nghiệp (KCN), đẩy nhanh tiến độ hình thành mới các cụm công nghiệp nhằm chuẩn bị nguồn quỹ đất cho doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư. Đây chính là cơ sở quan trọng để vực dậy CNHT.

Trong vài năm trở lại đây, ngành công nghiệp hỗ trợ của Đà Nẵng đã có nhiều bước khởi sắc.Ảnh: KHÁNH HÒA
Trong vài năm trở lại đây, ngành công nghiệp hỗ trợ của Đà Nẵng đã có nhiều bước khởi sắc.Ảnh: KHÁNH HÒA

Định hình hệ thống công nghiệp hỗ trợ

Theo kết quả khảo sát của Sở Công thương, trên địa bàn thành phố có khoảng 100 DN hoạt động trong ngành CNHT (chiếm 5,8% tổng số DN công nghiệp toàn thành phố), thu hút khoảng 37.680 lao động làm việc. Số lượng DN CNHT tập trung chủ yếu ở lĩnh vực cơ khí - chế tạo (chiếm khoảng 40%), bao bì (25%), điện - điện tử (15%), ô-tô, xe máy (11%), dệt may, da giày (9%). Nhìn chung, số lượng DN hoạt động trong ngành CNHT còn khiêm tốn, trong đó các DN CNHT ngành cơ khí chế tạo và sản xuất bao bì chiếm phần lớn; còn lại các lĩnh vực khác chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ. Sản phẩm CNHT chủ yếu phục vụ cho tiêu thụ nội địa khoảng 40%, chủ yếu là xuất khẩu 60%.

Cụ thể, toàn thành phố có 11 DN chuyên sản xuất linh kiện, phụ tùng ô-tô với sản lượng lớn, trong đó có 2 DN trong nước và 9 DN FDI, chủ yếu đến từ Nhật Bản; có 15 DN tham gia hoạt động trong ngành điện và điện tử, phần lớn là các DN vốn FDI; ngành dệt may - da giày có 9 DN tham gia sản xuất vải, sợi…; khoảng 25 DN tham gia sản xuất các loại bao bì cứng và mềm bằng nhựa.

Nhìn nhận về ngành CNHT của thành phố, bà Nguyễn Thị Thúy Mai, Phó Giám đốc Sở Công thương cho rằng, đến thời điểm này, kế hoạch phát triển ngành CNHT cơ bản đạt được nhiều mục tiêu đề ra tại “Chương trình phát triển sản phẩm CNHT thành phố Đà Nẵng đến năm 2020” về số lượng, chất lượng cũng như định hình rõ nét các ngành để phát triển. Bên cạnh đó, thành phố tập trung thu hút đầu tư nước ngoài nhằm hỗ trợ phát triển CNHT, tạo cơ hội để thúc đẩy DN nhỏ và vừa đi lên.

Tuy vậy, cần thẳng thắn nhìn nhận, trong một thời gian dài, ngành CNHT thiếu được quan tâm dẫn đến chững lại. DN hoạt động ở lĩnh vực này còn lạc hậu về thiết bị, công nghệ, chỉ có khoảng 20-25% số DN (chủ yếu là DN FDI và một số DN lớn) có trình độ công nghệ tiên tiến tương đương các nước trong khu vực. Hoạt động gia công là chủ yếu, trong khi nguồn nguyên liệu phần lớn nhập khẩu dẫn tới công suất còn thấp, giá thành cao, chất lượng chưa ổn định nên gặp khó khăn khi tham gia vào một sản phẩm nào đó trong chuỗi giá trị... Đơn cử, ở ngành sản xuất ô-tô, xe máy, các DN phần lớn nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài chiếm 85-90%, nguyên liệu trong nước từ 10-15%. Ở ngành điện - điện tử, các DN trong nước chủ yếu sản xuất công-tơ điện tử với công nghệ trung bình. Các cụm công nghiệp chậm được tiến hành trong khi diện tích đất ở nhiều (KCN) sử dụng chưa đúng mục đích, gây lãng phí nguồn lực về đất đai.

Bên cạnh đó, rất ít DN tiếp cận được các chính sách hỗ trợ do thủ tục còn rườm rà, chưa đủ hấp dẫn nhà đầu tư và cũng tốn nhiều thời gian chờ đợi để hưởng các chính sách ưu đãi đó. Đến nay, UBND thành phố chỉ mới phê duyệt kinh phí hỗ trợ đầu tư máy móc, thiết bị phục vụ phát triển sản xuất sản phẩm CNHT cho 1 đơn vị với số tiền gần 65 triệu đồng.

Tham gia vào chuỗi cung ứng  

Trước xu thế phát triển mới và chuyển đổi tư duy trong thu hút đầu tư, trong 2 năm trở lại đây, những hạn chế của ngành CNHT đã được nhận diện và từng bước khắc phục. Đi cùng với kết quả công tác thu hút đầu tư có nhiều khởi sắc thì ngành CNHT của thành phố đã bắt đầu được vực dậy, tạo đà để phát triển. Một số DN đã chủ động đầu tư vào công nghệ để mở rộng quy mô và năng lực sản xuất.

Một số sản phẩm CNHT có khả năng cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu và có chất lượng tốt, đáp ứng tốt thị trường trong nước và xuất khẩu, thành công khi tham gia vào chuỗi cung ứng (như sản phẩm của Công ty CP Cao su Đà Nẵng, Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ, Công ty TNHH Mabuchi Motor Đà Nẵng, Công ty TNHH Điện tử Foster’s, Công ty TNHH Công nghiệp Daeryang Việt Nam…). Các DN, nhất là các DN có vốn đầu tư nước ngoài, đã chú trọng đến việc tìm kiếm nhà cung cấp và đặt hàng đối với sản phẩm CNHT trong nước. Chất lượng nguồn nhân lực được nâng lên rõ rệt khi tỷ lệ lao động đã qua đào tạo của DN CNHT là 30-40%, trong khi mặt bằng chung là 15%.

Trong vài năm trở lại đây, ngành công nghiệp hỗ trợ của Đà Nẵng đã có nhiều bước khởi sắc. (Ảnh chụp tại công ty CP Dệt may 29-3)
Trong vài năm trở lại đây, ngành công nghiệp hỗ trợ của Đà Nẵng đã có nhiều bước khởi sắc. (Ảnh chụp tại công ty CP Dệt may 29-3)

Là một trong những DN cơ khí lớn mạnh hiếm hoi trên địa bàn thành phố có 100% vốn trong nước, Công ty TNHH Thương mại-Dịch vụ và Sản xuất Huỳnh Đức đi tiên phong trong việc xây dựng dự án sản xuất các sản phẩm khuôn mẫu, chi tiết máy có độ chính xác cao trên dây chuyền sản xuất hiện đại. Dự án này được xem là động lực thúc đẩy phát triển các dự án sản xuất sản phẩm CNHT cơ khí chế tạo khác, thúc đẩy liên kết phát triển với các lĩnh vực hạ nguồn như Công ty TNHH TCIE Việt Nam, Công ty CP Ô- tô Trường Hải...

Trong khi đó, sản phẩm của Công ty CP Cao su Đà Nẵng (DRC) đã thành công trong việc tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm cho các đơn vị sản xuất lắp ráp ô-tô trong nước như: cung cấp sản phẩm linh kiện cho Công ty CP Ô-tô Trường Hải (Chu Lai), cung cấp lốp cho Công ty Thành Công…

Một tín hiệu đáng mừng khác, đó là sau nỗ lực thu hút đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh, nhiều DN địa phương đã chủ động đón đầu để tham gia được vào chuỗi cung ứng giá trị. Đơn cử như Dinco Group đã thành công trong việc hợp tác xây dựng cơ sở vật chất cho Tập đoàn UAC, đơn vị vừa khởi công xây dựng nhà máy sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ với tổng vốn hơn 170 triệu USD. Ông Lê Trường Kỹ, Chủ tịch HĐQT Dinco Group đánh giá, ngành CNHT của Đà Nẵng thời gian gần đây bắt đầu có những chuyển biến tích cực. Uy tín và năng lực của DN Đà Nẵng đang dần được khẳng định trên thị trường. Để đạt được kết quả đó, DN Đà Nẵng phải đáp ứng được rất nhiều yêu cầu từ phía các nhà đầu tư về năng lực, quy mô, tài chính, công nghệ…, nhất là sự minh bạch trong quản trị DN.

    Bài và ảnh: KHÁNH HÒA
 

;
;
.
.
.
.
.