Kỳ vọng công nghiệp hỗ trợ - Bài cuối: Liên kết vùng để cùng phát triển

.

Theo Nghị quyết 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 đề ra, sự phát triển của Đà Nẵng phải nằm trong tổng thể tương hỗ với sự phát triển của các địa phương lân cận trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên; là trung tâm cung ứng các dịch vụ cho cả khu vực. Với định hướng này, cùng với sự hỗ trợ từ các chính sách, thì việc phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ của thành phố cần có sự liên kết vùng chặt chẽ nhằm mở rộng phạm vi, quy mô hoạt động.

Sản phẩm của Công ty CP Cơ khí Hà Giang Phước Tường cung cấp cho dự án của Công ty CP Hòa Phát tại Khu Khu Kinh tế Dung Quất (tỉnh Quảng Ngãi).
Sản phẩm của Công ty CP Cơ khí Hà Giang Phước Tường cung cấp cho dự án của Công ty CP Hòa Phát tại Khu Khu Kinh tế Dung Quất (tỉnh Quảng Ngãi).

Thúc đẩy phát triển từ chính sách

Để thúc đẩy ngành CNHT phát triển, Đà Nẵng sớm ban hành “Chương trình phát triển sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thành phố Đà Nẵng đến năm 2020”, trong đó cụ thể hóa bằng các mục tiêu cụ thể như: đến năm 2020, nâng tỷ trọng giá trị sản xuất ngành CNHT lên 30-45% so với tổng giá trị sản xuất công nghiệp của thành phố; đáp ứng tốt hơn nhu cầu cung cấp vật liệu, phụ tùng, linh kiện… hạn chế nhập siêu, gia tăng tỷ trọng xuất khẩu của thành phố đạt mức bình quân từ 13-15%; đạt số lượng 100 doanh nghiệp CNHT; tiếp tục tập trung ở các lĩnh vực điện tử - tin học, công nghiệp ô-tô, cơ khí chế tạo, dệt may, da giày…

Nhằm thực hiện được mục tiêu này, thời gian qua, thành phố đã đưa ra nhiều giải pháp liên quan đến thu hút đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng, đầu tư nguồn nhân lực, đẩy mạnh xúc tiến thương mại và kết nối doanh nghiệp (DN)… Đặc biệt, trong 2 năm 2018-2019, thành phố đã có những động thái tích cực, rốt ráo trong việc rà soát lại tình trạng cơ sở hạ tầng của các khu công nghiệp (KCN), nhanh chóng khắc phục các tồn tại và có kế hoạch đầu tư mới hạ tầng còn thiếu, tạo điều kiện cho nhà đầu tư yên tâm sản xuất, kinh doanh.

Với các KCN mới, thành phố rà soát quy hoạch các nhóm ngành cần thu hút trên cơ sở phân tích và xem xét kỹ lợi thế cạnh tranh đối với các vùng lân cận và trong khu vực; có lộ trình khẩn trương tìm kiếm nhà đầu tư hạ tầng (cả hạ tầng giao thông kết nối) để đáp ứng kịp thời nhu cầu của nhà đầu tư; đồng thời, tiếp tục minh bạch và công khai quy hoạch các vị trí đất mà thành phố đang thu hút đầu tư...

Ông Phạm Trường Sơn, Phó ban phụ trách Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các KCN Đà Nẵng cho hay, thành phố đã có nhiều chính sách trong việc chuẩn bị cơ sở hạ tầng ở các KCN nhằm thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia đầu tư, tạo điều kiện cho các DN CNHT phát triển. Đơn cử, để giải quyết nhu cầu nhà ở, trường mầm non, thiết chế văn hóa cho lực lượng công nhân và người dân trên địa bàn, thành phố đã triển khai Đề án Phát triển nhà ở công nhân trong các KCN trên địa bàn thành phố đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030, diện tích ước tính lên đến 20ha với khoảng 4.000 căn hộ, có thể đáp ứng chỗ ăn, ở cho khoảng 7.400 công nhân.

Tại KCN Hòa Khánh (quận Liên Chiểu) có dự án “Khu chung cư Nhà ở xã hội KCN Hòa Khánh đã tổ chức bán, cho thuê giai đoạn 1; đưa vào hoạt động Trường mầm non Nốt Nhạc Xanh. Tại KCN Hòa Cầm (quận Cẩm Lệ) có dự án nhà ở công nhân với tổng diện tích gần 40.000m2 bao gồm 8 block nhà ở 5 tầng, siêu thị mini, nhà trẻ, nhà xe…dự kiến giải quyết chỗ ăn, ở cho khoảng 1.600 công nhân…

Bên cạnh đó, theo bà Nguyễn Thị Thúy Mai, Phó Giám đốc Sở Công thương, ngay sau khi Trung ương ban hành các chính sách về phát triển ngành CNHT, từ năm 2016 đến nay, thành phố đã hiện thực hóa bằng nhiều văn bản, nghị quyết và triển khai vào thực tế nhằm hỗ trợ DN CNHT như Nghị quyết số 20/2016/NQ-HĐND ngày 11-8-2016 của HĐND thành phố quy định nội dung và mức kinh phí hỗ trợ đầu tư phát triển CNHT thành phố Đà Nẵng; sau đó được sửa đổi, bổ sung thành Nghị quyết số 206/2018/NQ-HĐND ngày 19-12-2018…

Song song với việc thúc đẩy sự phát triển của ngành CNHT của địa phương, Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam đã sớm có kế hoạch liên kết để phát triển ngành CNHT nhằm hỗ trợ nhau xây dựng nên chuỗi cung ứng giá trị trong khu vực, hướng đến mục tiêu xây dựng Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Theo đó, ngày 11-7-2016, UBND thành phố Đà Nẵng đã có Quyết định số 4593-QĐ/UBND về việc ban hành “Kế hoạch hợp tác liên kết, hỗ trợ giữa thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam” nhằm triển khai thực hiện Kết luận số 26-KL/TUQN-TUĐN ngày 27-4-2016 của Thành ủy Đà Nẵng và Tỉnh ủy Quảng Nam. Trong đó có nội dung tích cực đẩy mạnh liên kết, kết nối hợp tác, đẩy mạnh kết nối cung cầu phát triển sản phẩm CNHT giữa Khu phức hợp lắp ráp ô-tô Chu Lai - Trường Hải và một số DN hỗ trợ trong ngành công nghiệp ô-tô ở Đà Nẵng như: Công ty CP Cao su Đà Nẵng, Công ty TNHH TCIE Việt Nam, Công ty CP Công nghiệp NBB.  

Sở Công thương hai địa phương tổ chức các buổi gặp mặt giữa các Công ty CP Công nghiệp NBB, Công ty CP Cơ khí Hà Giang Phước Tường với Công ty CP Ô-tô Trường Hải; Công ty TNHH Nhựa ABC với Công ty Giày Rieker Việt Nam; xây dựng cơ sở dữ liệu về năng lực của CNHT thành phố Đà Nẵng và nhu cầu của tỉnh Quảng Nam. Trong giai đoạn 2018-2020, hai địa phương tổ chức các hội nghị kết nối cung cầu về chuyên đề CNHT giữa Đà Nẵng và Quảng Nam, kết hợp triển lãm, trưng bày, giới thiệu về CNHT với mục tiêu đạt được 10 cặp kết nối thông qua hoạt động này; đồng thời, thúc đẩy đào tạo, chuyển giao công nghệ.

Trong giai đoạn từ năm 2015-2018, Đà Nẵng đã tăng cường công tác liên kết vùng qua việc tổ chức thành công các chương trình kết nối cung cầu trong nhiều lĩnh vực với sự tham gia trưng bày của gần 700 DN đến từ Đà Nẵng và 24 tỉnh, thành phố trên cả nước. Qua đó, đã có hơn 70 biên bản ghi nhớ được ký kết tại các hội nghị, nhiều cơ hội hợp tác được mở ra và triển khai thực hiện hiệu quả.

Mới đây nhất, ngày 5-7, thành phố phối hợp cùng Bộ Công thương tổ chức thành công Hội nghị kết nối CNHT - Đà Nẵng 2019 với sự tham gia của hơn 350 doanh nhân, DN, đại diện của hơn 14 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Tại đây, các DN có cơ hội giới thiệu về sản phẩm, tìm kiếm các đối tác lớn trên cả nước như: Công ty CP Trường Hải - Thaco, Công ty Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh VinFast (Tập đoàn Vingroup)…

Doanh nghiệp chủ động để bứt phá

Với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao từ Trung ương đến địa phương, ngành CNHT của Đà Nẵng tuy còn nhiều khó khăn, nhưng cũng mở ra nhiều cơ hội lớn để phát triển. Để tận dụng tốt cơ hội, nhiều DN cho rằng, yếu tố quan trọng nhất vẫn là sự chủ động của DN trong việc đổi mới công nghệ, tích cực tham gia kết nối cung cầu, mở rộng tìm kiếm thị trường cũng như đón đầu làn sóng đầu tư mới để tìm kiếm đối tác.

Ông Lê Trường Kỹ, Chủ tịch HĐQT Dinco Group chia sẻ, bên cạnh môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch và công bằng, bản thân DN cũng phải chủ động hoàn thiện hệ thống quản trị chuyên nghiệp, minh bạch về tài chính, chấp hành đúng pháp luật, hướng đến mô hình DN hiện đại, văn minh nhằm tạo niềm tin, uy tín đối với đối tác trong và ngoài nước.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Văn Tính, Thường trực Hội đồng thi đua khen thưởng, Công ty CP Cao su Đà Nẵng, hằng năm, đơn vị tích cực gắn kết các DN bằng cách liên kết tiêu thụ sản phẩm của nhau để cùng phát triển; tiếp tục nghiên cứu để nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của thị trường, đối tác.

Nhiều năm nay, Công ty CP Cơ khí Hà Giang Phước Tường, một trong những DN cơ khí hàng đầu của Đà Nẵng, đã chủ động đầu tư cải tiến công nghệ, áp dụng sản xuất các sản phẩm mới với công suất sử dụng cao hơn, giá thành hợp lý. Đồng thời, DN chủ động mở rộng quan hệ hợp tác kinh doanh, đổi mới công nghệ, tham gia vào nhiều dự án quan trọng; chẳng hạn như tham gia làm nhà thầu thi công cho Công ty CP Thép Hòa Phát tại Khu Kinh tế Dung Quất (tỉnh Quảng Ngãi); tham gia gói thầu tại công trình dự án Nam Hội An (tỉnh Quảng Nam)…

Đánh giá cao tiềm năng phát triển và vai trò đầu tàu cho phát triển vùng của Đà Nẵng, ông Lee Jiunn Khyan, Tổng Giám đốc Công ty TNHH TCIE Việt Nam cho biết, mong muốn của công ty là tăng năng suất Nhà máy TCIE Việt Nam cũng như sớm đưa nhà máy xe khách và xe tải đi vào hoạt động, bên cạnh nhà máy sản xuất ô-tô Nissan hiện nay. DN cũng muốn xúc tiến mời gọi, thu hút thêm các nhà đầu tư trong lĩnh vực ô-tô đến đầu tư tại KCN để sớm triển khai thực hiện chiến lược đầu tư một tổ hợp sản xuất ô-tô tại Đà Nẵng.

Trong khi đó, theo ông Trần Hồng Sơn, Tổng Giám đốc Công ty CP Long Hậu, ngoài dự án nhà xưởng phụ trợ công nghệ cao Long Hậu - Đà Nẵng, dự án đầu tiên tại phân khu phụ trợ thuộc Khu công nghệ cao Đà Nẵng với số vốn đầu tư 1.050 tỷ đồng, công ty cũng đang tiến hành các thủ tục ban đầu để đầu tư các dự án KCN phụ trợ và KCN Hòa Ninh với tổng diện tích 400ha, tổng vốn đầu tư 3.000 tỷ đồng. Khi được lấp đầy, dự án sẽ là môi trường sản xuất, kinh doanh của khoảng 200 DN; tạo ra 25.000 việc làm và đóng góp hằng năm khoảng 2 tỷ USD vào kim ngạch xuất nhập khẩu của thành phố Đà Nẵng.

“Tôi đánh giá cao tiềm năng phát triển cũng như vai trò liên kết vùng của Đà Nẵng nên sẽ tập trung đầu tư lớn ở vùng đất này. Khi các dự án được hình thành, không chỉ giải quyết mặt bằng cho các DN trên địa bàn thành phố Đà Nẵng mà còn cho các DN ở những tỉnh, thành phố lân cận, nếu họ có nhu cầu”, ông Trần Hồng Sơn bày tỏ.

 Đồng quan điểm, ông Takizawa Saturo, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Đà Nẵng, Tổng Giám đốc Công ty Daiwa Việt Nam cho rằng, để CNHT tại Đà Nẵng phát triển hơn nữa, cần khơi thông “điểm nghẽn” trong việc liên kết để hoàn thiện nên chuỗi cung ứng, góp phần thúc đẩy những DN lớn vươn lên thành những “cánh chim đầu đàn” vững mạnh, từ đó sẽ tiếp tục tạo thêm việc làm cho các DN phụ trợ khác.

Là một nhà đầu tư mới vào Đà Nẵng, ông Kevin Loebbaka, Giám đốc điều hành cho Universal Alloy Corporation, Chủ tịch của Universal Alloy Corporation Châu Âu (UAC) nhìn nhận, Đà Nẵng đã có sự chuẩn bị rất tốt về cơ sở hạ tầng, các chính sách ưu đãi cho các nhà đầu tư. Việc đầu tư dự án vào Đà Nẵng sẽ giúp tập đoàn thuận lợi trong việc có thêm những cơ hội để tìm hiểu và lên kế hoạch kết nối với các đối tác khác tại địa phương cũng như các tỉnh, thành phố khác trong thời gian tới.

“Tôi mong rằng, thành phố Đà Nẵng tiếp tục chủ động tiên phong trong việc gắn kết trong khu vực để chúng tôi có thể nắm bắt được thông tin về dữ liệu DN CNHT trên địa bàn Đà Nẵng cũng như cả Việt Nam”, ông Kevin Loebbaka nói.

Đà Nẵng và Quảng Nam cần mạnh dạn thể hiện vai trò tiên phong trong việc liên kết vùng để tạo cơ hội cho các DN CNHT có cơ hội tìm kiếm, kết nối, chia sẻ kinh nghiệm hoạt động; hợp tác với các đơn vị, tập đoàn lớn trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp… dần thâm nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Việc liên kết này giúp hình thành nên chuỗi cung ứng - sản xuất - tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, nâng sức cạnh tranh cho DN trong xu thế hội nhập quốc tế.

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải phát biểu tại Hội nghị kết nối công nghiệp hỗ trợ - Đà Nẵng 2019

Bài và ảnh:  KHÁNH HÒA

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.