Nghiên cứu tài nguyên vịnh Đà Nẵng phục vụ phát triển kinh tế biển

.

Ngày 30-7, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Tổ chức Đối tác về quản lý môi trường biển Đông Á (PEMSEA) và Viện Nghiên cứu biển Plymouth (PML) thuộc Vương quốc Anh tổ chức hội thảo nghiên cứu, đánh giá khả năng tiếp nhận, tự xử lý các chất hữu cơ, carbon từ đất liền và giá trị kinh tế-xã hội của vịnh Đà Nẵng.

Theo KTS Bùi Huy Trí, Trưởng phòng Quản lý quy hoạch - Phát triển đô thị, Sở Xây dựng thành phố, vịnh Đà Nẵng có vai trò quan trọng trong vận tải biển với cảng Liên Chiểu, cảng Tiên Sa và cũng như có vị trí chiến lược quan trọng về an ninh-quốc phòng. Thành phố bắt đầu phát triển đô thị ven bờ vịnh Đà Nẵng kể từ năm 2000, khởi đầu với việc đầu tư xây dựng tuyến đường Liên Chiểu - Thuận Phước (nay là đường Nguyễn Tất Thành). Tuy nhiên, giá trị ven bờ vịnh Đà Nẵng không cao bằng ven bờ biển phía đông (quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn) do chịu tác động lớn của các hiện tượng thiên tai, xây dựng đường quá sát bờ biển…

 Ông Nguyễn Hồng An, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho hay, dưới tác động của biến đổi khí hậu và tiến trình đô thị hóa, biển Đà Nẵng nói chung và vịnh Đà Nẵng nói riêng đang phải đối mặt với các áp lực lớn như: suy giảm tài nguyên, ô nhiễm môi trường, xung đột trong sử dụng không gian và tài nguyên biển… Hiện nay, PEMSEA và PML hỗ trợ Đà Nẵng nghiên cứu, đánh giá khả năng tiếp nhận, tự xử lý các chất hữu cơ, carbon từ đất liền và giá trị kinh tế-xã hội của vịnh Đà Nẵng. Nghiên cứu này nhằm tìm ra các bằng chứng khoa học, sự hiểu biết về các quá trình động lực học, nguồn tài nguyên và vai trò của vịnh Đà Nẵng trong việc hỗ trợ phát triển kinh tế biển của thành phố cũng như phục vụ cho công tác quản lý, quy hoạch, sử dụng tài nguyên và không gian biển.

Giáo sư Steve Widdicomble, chuyên gia về sinh thái học của PML cho biết, theo kế hoạch nghiên cứu, từ tháng 7-2021 đến tháng 12-2021 sẽ tiến hành báo cáo về hệ sinh thái biển và đánh giá về kinh tế -xã hội của vịnh Đà Nẵng.

HOÀNG HIỆP
 

;
;
.
.
.
.
.