Nhận diện 'thương hiệu' sản phẩm công nghiệp nông thôn

.

Hiện nay, nhiều sản phẩm công nghiệp nông thôn (CNNT) tiêu biểu đang từng bước phát huy tiềm năng, giá trị để khẳng định vị thế của mình trên thị trường cũng như cất cánh vươn xa hơn thông qua hoạt động xuất khẩu.

Một góc ủ mắm của thương hiệu nước mắm Hương Làng cổ của Công ty TNHH Mắm Hồng Hương (nước mắm Nam Ô, Hương Làng Cổ, ở tổ 97 phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu).                              Ảnh: K.HÒA
Một góc ủ mắm của thương hiệu nước mắm Hương Làng cổ của Công ty TNHH Mắm Hồng Hương (nước mắm Nam Ô, Hương Làng Cổ, ở tổ 97 phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu). Ảnh: K.HÒA

Sản phẩm CNNT tiêu biểu là những sản phẩm công nghiệp, thủ công mỹ nghệ được bình chọn từ hệ thống sản phẩm của các cơ sở sản xuất CNNT trên địa bàn thành phố. Đó phải là sản phẩm mới, có chất lượng cao, có sức cạnh tranh tốt, thị trường ổn định và đặc biệt, giải quyết việc làm cho nhiều lao động trên địa bàn.

Trong số 14 sản phẩm CNNT tiêu biểu được công nhận năm nay, có nhiều sản phẩm đến từ các làng nghề truyền thống nổi tiếng trên địa bàn thành phố như “bánh khô mè Bà Liễu mẹ” (làng nghề bánh khô mè ở quận Cẩm Lệ); mắm nhỉ Bình Minh và nước mắm Nam Ô - Hương Làng Cổ (từ làng nghề nước mắm Nam Ô, quận Liên Chiểu); sản phẩm đá mỹ nghệ điêu khắc hình vỏ sò (làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước, quận Ngũ Hành Sơn)… Điều này cho thấy, các làng nghề truyền thống vẫn là cái “nôi” quan trọng để hình thành và nuôi dưỡng nên những sản phẩm chất lượng, mang đậm dấu ấn của địa phương, khẳng định được nét riêng biệt của Đà Nẵng trên thị trường.

Đơn cử, sản phẩm mắm nhỉ Bình Minh của Cơ sở mắm Bình Minh (ở tổ 51, phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu) được chế biến bằng phương pháp ủ chượp truyền thống với nguồn nguyên liệu là cá tươi được đánh bắt từ vùng biển Đà Nẵng và một số địa phương lân cận, không sử dụng hóa chất. Sản phẩm có sản lượng 10.000 lít/năm, dự kiến đến năm 2021 sẽ đạt sản lượng 20.000-30.000 lít/năm, dự kiến doanh thu năm 2019 của đơn vị đạt 1 tỷ đồng và sẽ tăng lên từ 2-3 tỷ đồng vào năm 2021.

Để phát triển sản phẩm của làng nghề, vài năm trở lại đây, Công ty TNHH Mắm Hồng Hương (nước mắm Nam Ô, Hương Làng Cổ, ở tổ 97 phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu) đã kết hợp giữa kinh doanh với tổ chức điểm đến cho khách du lịch tham quan, mua sắm. “Chúng tôi mong muốn gìn giữ và phát triển mạnh hơn nữa sản phẩm của làng nghề nước mắm Nam Ô cũng như góp phần tạo việc làm cho người lao động, nhất là lao động từ sau 50 tuổi trở lên trên địa bàn quận”, ông Bùi Thanh Phú, Giám đốc Công ty TNHH Mắm Hồng Hương cho biết.

Điểm mạnh của các sản phẩm CNNT tiêu biểu, đó là đều có nguồn gốc nguyên liệu 100% trong nước, chất lượng và mẫu mã không ngừng được cải tiến qua từng năm, có được doanh thu ấn tượng. Nhiều sản phẩm đã vươn ra xuất khẩu ở nhiều thị trường quốc tế, đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu hằng năm.

Sản phẩm nến trang trí của Công ty TNHH nến Nguyên Quang Minh (tại tổ 10, phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn) là một ví dụ. Công ty đã xuất khẩu qua nhiều quốc gia, có quy mô sản xuất 130 container 40HQ/năm, doanh thu năm 2019 ước đạt 87 tỷ đồng, đến năm 2021 ước đạt 110 tỷ đồng, nộp ngân sách năm 2018 là 500 triệu đồng.

Hay sản phẩm ván ép coppha/phủ phim của Công ty TNHH MTV Sản xuất và Thương mại Dana Plywood (ở thôn Phú Sơn, xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang) có 50% sản lượng xuất khẩu, còn lại tiêu thụ ở thị trường nội địa. Đây là sản phẩm ván ép được đánh giá cao tại Đà Nẵng. Quy mô sản xuất năm 2019 của đơn vị là 8.000m3, dự kiến đến 2021 là 15.000m3; doanh thu năm 2019 dự kiến đạt gần 60 tỷ đồng, nộp ngân sách 180 triệu đồng, giải quyết việc làm cho 50 lao động trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Nói về ưu thế của sản phẩm, ông Trương Phú Thịnh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Sản xuất và Thương mại Dana Plywood cho biết, sản phẩm có nguồn gốc nguyên liệu 100% trong nước, không bị thấm nước, bị hở trong quá trình sử dụng do được sản xuất từ công nghệ hiện tại, sử dụng keo kết dính loại tốt... Việc được bình chọn là sản phẩm CNNT tiêu biểu có ý nghĩa khích lệ quan trọng để đơn vị không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh.

Dù được đánh giá vượt trội về chất lượng, thẩm mỹ và đặc biệt là mang đậm nét đặc trưng văn hóa của địa phương, nhưng độ phủ sóng của các sản phẩm CNNT tiêu biểu chưa thực sự sâu rộng. Đặc biệt, sản phẩm chưa khai thác được triệt để những giá trị văn hóa, lịch sử cũng như tính độc đáo của sản phẩm địa phương vào phát triển du lịch làng nghề.

Theo bà Nguyễn Thị Thúy Mai, Phó Giám đốc Sở Công thương, trong thời gian qua, Sở đã triển khai nhiều chương trình, kế hoạch cụ thể để hỗ trợ phát triển sản phẩm CNNT. Trong đó, việc tổ chức bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu hằng năm là một trong những giải pháp đã phát huy hiệu quả để khuyến khích, quảng bá sản phẩm CNNT ra thị trường trong và ngoài nước. Nhiều sản phẩm qua vài lần tham gia bình chọn, nhận được sự góp ý từ các cơ quan chức năng đã có những cải tiến rõ rệt và hiệu quả về mẫu mã, chất lượng, xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường.

Bên cạnh đó, với chương trình khuyến công được triển khai hằng năm, đã có nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ở nông thôn nhận được sự hỗ trợ tích cực về vốn, công nghệ, kiến thức quản trị. Theo báo cáo từ Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại thành phố, dự toán kinh phí thực hiện chương trình khuyến công quốc gia và địa phương của Đà Nẵng trong năm 2019 gần 3 tỷ đồng.

Từ nguồn kinh phí này, đơn vị triển khai nhiều chương trình xúc tiến thương mại, tổ chức các đoàn tham gia hội chợ ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước nhằm tăng cường xúc tiến, quảng bá sản phẩm của địa phương. Đến nay, có 12 đề án được hỗ trợ, trong đó có 3 đề án cấp quốc gia và 9 đề án cấp địa phương.

KHÁNH HÒA - PHƯƠNG CẨM

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.